Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài (giai đoạn 1).
Theo đó, tuyến cao tốc này có tổng chiều dài khoảng 51km, điểm đầu kết nối với đường Vành đai 3 TPHCM (đoạn đi qua huyện Củ Chi), điểm cuối giao với quốc lộ 22 (khoảng Km53+850) thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Về quy mô, dự án được phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 120 km/h, mặt cắt ngang 4 làn xe. Đồng thời, dự án còn xây dựng các công trình trên tuyến, hệ thống giao thông thông minh, hệ thống thu phí... đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án từ năm 2024 đến năm 2027.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 19.600 tỷ đồng, dự kiến được thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao). Trong đó, phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng hơn 9.940 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, chiếm 15% tổng mức đầu tư dự án theo quy định. Phần vốn Nhà nước tham gia trong dự án khoảng hơn 9.670 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương hơn 2.870 tỷ đồng và ngân sách địa phương (ngân sách TPHCM) hơn 6.800 tỷ đồng.
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ giảm áp lực cho quốc lộ 22. Ảnh: Phạm Nguyễn |
Thông tin về tình hình triển khai dự án với PV, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (gọi tắt là Ban Giao thông) cho biết, với phương thức đối tác công tư, phần vốn Nhà nước tham gia dự án sẽ có vai trò đền bù, giải phóng mặt bằng và phần vốn nhà đầu tư (doanh nghiệp) sẽ phụ trách phần xây dựng.
“Dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài cũng sẽ được áp dụng cơ chế đặc thù tương tự dự án vành đai 3 TPHCM. Tức là khâu giải phóng mặt bằng sẽ được tách ra thành một dự án độc lập. Từ đó các địa phương có dự án đi qua sẽ được làm trước một số nội dung như phê duyệt ranh giới dự án sau bước duyệt chủ trương đầu tư cho đến bước duyệt dự án khả thi. Tiếp đến sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết, và rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng từ 6-8 tháng”- ông Phúc cho hay.
Theo lãnh đạo Ban Giao thông TPHCM, qua tính toán sơ bộ, nhu cầu sử dụng đất và phương án giải phóng mặt bằng cho toàn dự án rơi vào khoảng 409,3ha. Đa số đất phải giải phóng mặt bằng để làm dự án là đất nông nghiệp, tương tự như ở dự án Vành đai 3 TPHCM.
“Đây là điều kiện để áp dụng bài học kinh nghiệm của dự án đường vành đai 3 TPHCM. Chúng tôi sẽ tập trung ở phần đất nông nghiệp trước và sau đó là đất ở”- lãnh đạo Ban Giao thông TPHCM thông tin.
Về tiến độ dự kiến, Ban Giao thông TPHCM cho biết mục tiêu sẽ khởi công phần hạ tầng kỹ thuật của dự án vào ngày 30/4/2025. Các công tác cho dự án BOT sẽ triển khai đồng bộ với bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án thành phần về đầu tư công. Các dự án này dự kiến lần lượt khởi công trong tháng 4 và tháng 6/2025. Từ đó, hoàn thành toàn bộ công trình, thông xe vào cuối năm 2027.