Thông tin này được giới chuyên gia và các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm bởi đây là giai đoạn đàm phán nước rút để chuyển giao tuyến cao tốc dài 105 km cho một nhóm các nhà đầu tư nước ngoài, mà đứng đầu là một công ty Ấn Độ.
Tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt năm 2007 là 24.566 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tờ trình điều chỉnh của Bộ Giao thông, trên cơ sở thẩm định của Viện kinh tế Xây dựng và đề xuất của chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) thì tổng mức đầu tư mới sẽ xấp xỉ 45.500 tỷ đồng.
Trong tổng số gần 21.000 tỷ đồng (tương đương một tỷ USD) mà Vidifi xin điều chỉnh, đáng kể nhất là chi phí xây dựng và thiết bị tăng hơn 12.400 tỷ; kế đến là hơn 5.200 tỷ lãi vay, trong khi kinh phí giải phóng mặt bằng cũng đội giá 2.200 tỷ.
Theo tính toán của Vidifi, suất đầu tư cập nhật cho mỗi km vào khoảng 20,5 triệu USD. Đây là con số mà không ít chuyên gia cho là khá đắt nếu so với các tuyến đường tương tự ở khu vực miền Bắc vừa khai thác như Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình hay Hà Nội - Thái Nguyên.
Thế nhưng đây được cho là yếu tố đầu vào rất quan trọng trong quá trình đàm phán giai đoạn cuối để tiến tới nhượng lại dự án, bởi nói như Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng, nhà đầu tư chỉ bỏ tiền mua khi thấy suất đầu tư hợp lý và hiệu quả của dự án.
Trước đó, trong một báo cáo đề nghị Bộ Giao thông trình Thủ tướng phương án chuyển nhượng Hợp đồng BOT dự án này cho liên danh các nhà đầu tư nước ngoài, Vidifi cho hay hai bên đã có ghi nhớ về thành lập một pháp nhân mới tiếp nhận dự án và sắp sửa cụ thể hóa điều này bằng một hợp đồng nguyên tắc.
Trao đổi với VnExpress, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết trong chuyến tháp tùng Thủ tướng đi Ấn Độ cuối tháng 10, ông đã chứng kiến lễ ký hợp đồng nguyên tắc giữa Vidifi với đại diện liên danh này.
"Bộ trưởng nói chi tiết hợp đồng không được tiết lộ, song có hai hướng sẽ phải được các bên bàn thảo nhiều để đi đến phương án cuối cùng. Một là nhà đầu tư mua lại đa số cổ phần của Vidifi; hai là thành lập một pháp nhân mới trong đó có việc tiếp nhận lại dự án này mà cổ đông chính vẫn là đối tác Ấn Độ”, ông Nên thông tin.
Cụ thể hơn, theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, ý định lúc đầu của phía Việt Nam là chuyển nhượng lại dự án, bởi với một tuyến đường có lưu lượng xe cao nhất khu vực phía Bắc như Hà Nội - Hải phòng thì tính khả thi tài chính là điều không mấy lo ngại. Thậm chí, với các tuyến có nhiều trạm thu phí thì không bán được toàn bộ dự án cũng có thể tính đến việc chia đoạn để nhượng quyền.
“Tuy nhiên khi làm việc với Bộ, nhà đầu tư Ấn Độ bày tỏ mong muốn không chỉ mua một dự án rồi thu phí hoàn vốn là xong mà họ còn muốn được tham gia đầu tư nhiều dự án khác, vì thấy làm đường cao tốc ở Việt Nam rất tiềm năng”, ông Thăng chia sẻ với VnExpress bên hành lang Quốc hội.
Theo đó, trong trường hợp Vidifi cổ phần hóa hay hai bên thành lập một công ty mới để tiếp nhận dự án này thì phía nước ngoài đều sẽ tham gia góp 70% vốn. “Đây là hướng đi phù hợp vì chúng ta cũng đang kêu gọi tư nhân, nhất là nước ngoài để đầu tư các dự án hạ tầng”, Bộ trưởng Thăng bày tỏ.
Dẫu vậy, trong trường hợp thành lập pháp nhân mới thì số vốn điều lệ dự kiến của công ty này vẫn là một "ẩn số", nhất là trong mối tương quan với tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng gần một tỷ USD vừa được Thủ tướng chấp thuận về chủ trương.
Cùng với việc cập nhật tổng mức mới, để đảm bảo tính khả thi cho dự án nhằm thuyết phục nhà đầu tư, hiện Vidifi cũng đang xin bổ sung một số cơ chế, chính sách. Trong khi theo phương án tổng mức đầu tư hồi năm 2007 dự án được hoàn vốn bằng nguồn thu phí trên chính tuyến và Quốc lộ 5; thu từ kinh doanh các khu đô thị, khu công nghiệp dọc tuyến và các nguồn thu khác trong thời gian 30 năm.
Đánh giá cao đề xuất của Vidifi, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, nếu thương vụ này thành công, thì đây sẽ là công trình hạ tầng đầu tiên tại Việt Nam được chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài.
Bên cạnh đó, thương vụ này cũng sẽ mở lối thoát cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) trong việc cơ cấu lại cổ đông và tỷ lệ vốn góp với mục tiêu rút toàn bộ phần vốn góp bổ sung tại Vidifi xong trong năm 2015 theo yêu cầu của Thủ tướng, bởi VDB là cổ đông chính tại Vidifi - doanh nghiệp được thành lập với nhiệm vụ chính là đầu tư Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có vốn điều lệ 3.800 tỷ đồng.
Theo Chí Hiếu