Cấm vận động, lôi kéo khi lấy phiếu
Thành ủy Hà Nội vừa ban hành hướng dẫn thực hiện Quy định của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Theo đó, đối tượng phải lấy phiếu tín nhiệm là ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp; cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo từ thành phố đến quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành và tương đương. Hướng dẫn nêu rõ, việc lấy phiếu tín nhiệm phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch.
Các hành vi vận động, lôi kéo hoặc có những tác động làm sai lệch mức độ tín nhiệm, lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm tổn hại uy tín tập thể và cá nhân, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ đều bị nghiêm cấm, thậm chí xử lý nghiêm minh.
Thời điểm lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp. Nội dung lấy phiếu tín nhiệm gồm phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực thực tiễn.
Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện ở 3 mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Kết quả phiếu tín nhiệm sẽ được sử dụng để tham khảo trong đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ.
Những cá nhân có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp cần được xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp. Với những cá nhân có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên cần kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.
Căn cứ để quy hoạch, sử dụng cán bộ
Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, theo kế hoạch việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được triển khai từ nay cho đến hết tháng 12. “Gắn với việc kiểm điểm cuối năm, việc lấy phiếu tín nhiệm ở các cấp sẽ kết thúc trong tháng 12. Đây là lần đầu triển khai đại trà việc lấy phiếu tín nhiệm là ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp; cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo từ thành phố đến quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành và tương đương”, vị cán bộ Ban Tổ chức Thành ủy cho biết.
Trả lời câu hỏi về hướng dẫn với những cá nhân có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, vị cán bộ này cho biết: “Đã là quy định thì tất cả các cấp phải thực hiện nghiêm. Còn việc xem xét để cho thôi chức vụ hay bố trí việc khác đối với những người có tín nhiệm thấp thì sẽ được thực hiện đúng theo quy định về tổ chức cán bộ”.
Liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm, ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, tại kỳ họp HĐND TP dự kiến được tổ chức trong tuần từ ngày 1 đến 5/12 sẽ xem xét nhiều nội dung chuyên đề, trong đó có việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu.
Theo ông Hoạt, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND TP bầu lần này về cơ bản là không có gì thay đổi. HĐND cũng sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm dưới hình thức bỏ phiếu kín và việc đánh giá mức độ tín nhiệm cũng thực hiện ở 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Kết quả được công bố công khai tới các cử tri ngay sau khi hoàn tất quy trình lấy phiếu.
Những cá nhân có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp cần được xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp. Với những cá nhân có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên cần kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.