Tăng tốc
Du lịch Việt Nam được đánh giá đang trên đà phát triển nhanh hơn một số nước châu Á. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón gần 4,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, cao hơn 12 lần so với cùng kỳ năm 2022, đạt 57,5% kế hoạch năm.
Ứng dụng đặt phòng Agoda xếp tốc độ tăng trưởng của du lịch Việt Nam đứng thứ ba trong số các quốc gia châu Á, sau Thái Lan và Nhật Bản. Tốc độ tăng trưởng dựa trên mức tăng của khách quốc tế, nội địa và khách đi du lịch nước ngoài. So cùng kỳ trước dịch COVID-19, Việt Nam tăng hai bậc trong bảng xếp hạng này. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhận định, với các hoạt động quảng bá, chương trình kích cầu, mùa hè năm nay, du lịch Việt Nam có thể đón hơn 100 triệu lượt khách nội địa và 8 triệu lượt khách quốc tế như kế hoạch đề ra.
Du khách vạ vật vì cảnh ùn tắc cục bộ tại đường dẫn ra bến phà Cái Viềng. Ảnh: Nguyễn Hoàn |
CEO Hà Nội Tourism Nhữ Thị Ngần cho biết, với các tua du lịch trong tháng 6, công ty thường kín lịch nhận khách từ tháng 4, tháng 5. Du lịch biển vẫn là xu hướng được ưu tiên lựa chọn. “Các tua đi biển như Nha Trang, Đà Nẵng… quá tải. Tình trạng cháy phòng xảy ra khá nhiều. Tua cuối tuần đều kín dịch vụ, từ ăn uống tới lưu trú”, bà Nhữ Thị Ngần chia sẻ.
Ông Vũ Văn Tuyên, CEO Cty du lịch Travelogy nhận định: Xu hướng du lịch của khách nội đang dịch chuyển theo hướng cục bộ. Có nơi quá tải như Hạ Long, Cát Bà, Nha Trang, có địa điểm vẫn thiếu khách ghé thăm, điển hình là Phú Quốc.
Bà Trần Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Khối Kinh doanh Du lịch khách đoàn Vietravel chia sẻ, hè 2023, một số doanh nghiệp là khách hàng truyền thống có kế hoạch tổ chức du lịch và đăng ký tua từ sớm để có nhiều lựa chọn tua tuyến và giá dịch vụ tốt. Đơn vị này dự kiến sẽ phục vụ hơn 350 nghìn lượt khách trong mùa cao điểm năm nay.
“Vietravel nhận gần 500 doanh nghiệp đăng ký tua trong giai đoạn hè 2023. Gần 27 nghìn lượt khách MICE ((khách đoàn doanh nghiệp du lịch kết hợp hội họp) khởi hành đi tua trong nước và quốc tế. Dự kiến hè 2023, Vietravel đón khoảng 58 nghìn lượt khách du lịch MICE”, bà Trần Thị Kim Cúc thông tin. Nhiều doanh nghiệp cũng tổ chức cho cán bộ nhân viên du lịch kết hợp hoạt động nhóm, tập thể. Bởi vậy, kịch bản tua có quy mô từ vài chục đến vài nghìn khách được các đơn vị lữ hành lường trước.
Nỗi lo mùa cao điểm
Trên các trang web đặt phòng khách sạn, số lượng phòng vào dịp cuối tuần từ cuối tháng 6 đến hết tháng 7 ở những địa điểm du lịch như Cát Bà (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hoá), Cửa Lò (Nghệ An)… còn rất ít. Những khách sạn còn phòng trống cũng là những khách sạn cao cấp, có mức giá khá cao. Phòng lưu trú cho hai người ở Cát Bà vào các ngày cuối tuần dao động từ 500 nghìn - 1,5 triệu đồng/đêm, loại cao cấp lên tới vài triệu đồng/đêm. Tại Cửa Lò, khách cũng không có nhiều lựa chọn khi số lượng phòng rất hạn chế với mức giá dao động từ 800 nghìn đến trên 1 triệu đồng/đêm…
Nhiều điểm du lịch xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài. Đầu tháng 6/2023, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Cát Hải (TP. Hải Phòng) phát thông báo về tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông trên đường dẫn ra phà Cái Viềng để trở về trung tâm TP. Hải Phòng.
Lãnh đạo Ban quản lý bến phà Gót - Cái Viềng cho biết, từ giữa tháng 5, lượng khách qua phà ra đảo Cát Bà tham quan, du lịch tăng cao. Bến phà chuyên chở khoảng 10 nghìn khách/ngày thường và khoảng 13 nghìn khách/ngày cuối tuần. Dù hoạt động hết công suất nhưng phà chưa đủ để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng của du khách.
Khách đoàn đông vẫn ưu tiên du lịch biển. |
Lý giải nguyên nhân các địa điểm du lịch trên luôn đông khách vào dịp cuối tuần, ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing Cty Du lịch BestPrice cho biết, Cát Bà, Sầm Sơn, Quảng Ninh là những địa điểm du lịch gần Hà Nội, di chuyển dễ dàng nên du khách có thể đi tự túc mà không cần thông qua các công ty du lịch.
“Giao thông thuận tiện là một trong các lý do khiến các địa điểm du lịch này đông khách. Nhưng nguyên nhân chính là do sự suy thoái kinh tế, người dân không dễ hào phóng móc hầu bao cho du lịch. Nhiều công ty trước đây mua tua cho nhân viên ở các địa điểm như Quy Nhơn, Đà Nẵng… cũng phải chuyển sang Hải Phòng, Quảng Ninh để tiết kiệm chi phí”, ông Bùi Thanh Tú nêu.
Ông Vũ Văn Tuyên, CEO cty du lịch Travelogy cho rằng, xu hướng du lịch của khách nội đang dịch chuyển theo hướng cục bộ. Có nơi quá tải như Hạ Long, Cát Bà, Nha Trang, có địa điểm vẫn thiếu khách ghé thăm, điển hình là Phú Quốc. Ông Tuyên nhận định, chính sách hỗ trợ về giá vé máy bay sẽ giảm tải sức nóng cho một số điểm đến, giúp du khách có thêm lựa chọn du lịch hè.
Lượng khách du lịch đông tạo kỳ vọng về doanh thu, song cũng có nhiều bất cập. CEO Nhữ Thị Ngần lo ngại, nhiều vấn đề “nóng” như chất lượng phục vụ ở điểm đến thiếu ổn định, vệ sinh không đảm bảo. Dịch COVID-19 tạo ra bài toán khó về nhân sự, khiến các nhà quản lý, chủ cơ sở lưu trú đau đầu.
“Nhiều nhân sự cũ chuyển đi, nhân sự mới lại chưa thể đảm đương được công việc khiến chất lượng phục vụ không được đảm bảo. So sánh với những năm trước, chất lượng các nhân viên ở các cơ sở lưu trú hợp tác với công ty chúng tôi chưa đồng đều”, ông Bùi Thanh Tú nhận định.
Tua ngoại vẫn hút khách
Đại diện bộ phận Tiếp thị - Công nghệ thông tin của Bến Thành Tourist cho biết, mùa cao điểm du lịch hè 2023, du khách quan tâm nhiều hơn tới các chương trình du lịch có chi phí hợp lý và điểm đến mới lạ. Tỷ lệ khách đặt tua đi nước ngoài chiếm hơn 60% tổng số khách đặt tua du lịch hè.
Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing cty Du lịch BestPrice cho biết, các tua được du khách “săn đón” là Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, mức giá chỉ từ 7 đến 8 triệu đồng/khách. Nhiều du khách lựa chọn các quốc gia có khí hậu mát mẻ như Hàn Quốc, Nhật Bản... để tránh nóng.