Kỳ vọng doanh thu du lịch tăng nhờ sao Michelin

0:00 / 0:00
0:00
TP - Michelin vượt xa chức năng của một giải thưởng, trở thành tiêu chuẩn tin cậy để đánh giá chất lượng của nhà hàng, tay nghề của các đầu bếp, thậm chỉ cả một nền ẩm thực. Sau khi đến Việt Nam, hệ thống đánh giá của Michelin thúc đẩy nỗ lực quảng bá du lịch, ẩm thực Việt Nam để đổi lại bằng lượng khách quốc tế và doanh thu du lịch.

Nô nức vì sao Michelin

Trong 103 nhà hàng được lựa chọn, danh hiệu 1 sao Michelin được trao cho 3 nhà hàng ở Hà Nội và 1 nhà hàng ở TP.HCM nhờ chất lượng nấu ăn ngon và mang đến trải nghiệm vượt trội, xứng đáng để du khách thưởng thức. Dù đâu đó còn những ý kiến trái chiều song không thể phủ nhận những ngôi sao và bản danh sách giải thưởng tuyển chọn cũng tạo nên cơn sốt cho ẩm thực Việt.

Các nhà hàng được lựa chọn hầu như tất bật hơn sau sự kiện vinh danh hôm 6/6 của Michelin Guide. Phở gà Nguyệt (Phủ Doãn, Hà Nội) và Phở bò Ấu Triệu (Hà Nội) cùng góp mặt trong danh sách nhận giải BibGourmand. Đây là giải thưởng dành cho nhà hàng có món ăn chất lượng với giá cả phải chăng.

Ngay sau khi được vinh danh, phở gà Nguyệt đón lượng khách đến quán đông gấp 2, gấp 3 lần ngày thường. Chủ quán tủm tỉm, vui ra mặt và nói nhỏ: “Trước đây chưa cần giải thưởng chúng tôi đã đông khách rồi”.

Chẳng cần đợi đến giờ cao điểm ăn trưa, khoảng 10 rưỡi sáng, có tới 6 nhân viên luôn chân luôn tay trong không gian chừng hơn 10m2. Hộp phở chuẩn bị cho các đơn hàng trực tuyến xếp kín bàn.

Kỳ vọng doanh thu du lịch tăng nhờ sao Michelin ảnh 1

Quán phở gà Nguyệt tăng doanh thu sau khi nhận giải thưởng dành cho quán ăn món ăn chất lượng, giá cả phải chăng

Phở bò Ấu Triệu nằm cách đó không xa, nhưng chỉ bán buổi sáng. Qua 10 giờ là hết sạch đồ nên gần trưa chủ quán đã rục rịch dọn hàng. Chủ quán Ngô Thị Phi Nga cho biết, sau khi phở bò Ấu Triệu được trao giải, lượng khách tăng đáng kể, nhất là vào cuối tuần. “Một vài khách cũ phải ra về, nhường chỗ cho khách mới đến thưởng thức. Tôi cũng lo ngại không gian quán không đủ phục vụ khách”, bà Nga chia sẻ nỗi lo với Tiền Phong.

Bà chủ Phở bò Ấu Triệu nói rằng, giải thưởng của Michelin đem đến cơ hội quảng bá thương hiệu phở gia truyền đến khách quốc tế. “Dù quán có đông khách hơn nữa, tôi cũng không mở rộng mà tập trung giữ gìn và nâng cao chất lượng món ăn. Nước dùng, thịt, bánh phở đều do tự tay tôi chuẩn bị”, bà Nga nói.

Kỳ vọng doanh thu du lịch tăng nhờ sao Michelin ảnh 2

Nhà hàng Nhật Bản Hibana by Koki được gắn 1 sao Michelin ở Hà Nội với không gian ấm cúng, phục vụ tối đa 28 khách hàng

Anh Nguyễn Hoàng Việt (Hà Nội) chia sẻ, dù thử nhiều quán phở ở Hà Nội nhưng vẫn trung thành với phở Ấu Triệu. “Với mình phở Ấu Triệu là hợp khẩu vị nhất. Màu nước đục, không đẹp nhưng vị phở rất ngon, không màu mè và không quá nhiều hương liệu”, anh Việt nói.

Habakuk (ngõ Phan Huy Chú, Hà Nội) là quán có mô hình cà phê kết hợp quầy bar và trải nghiệm ẩm thực duy nhất trong danh sách nhận giải BibGourmand của Michelin. Anh Lê Phương, quản lý nhà hàng cho biết, không gian phục vụ khiêm tốn, chỉ vỏn vẹn 7 bàn. Quán lại nằm trong ngõ nhỏ, mật độ dân cư trung bình nên đội ngũ nhân sự khá bất ngờ khi nhận được lời mời và giành giải thưởng từ Michelin. Trong quá trình trải nghiệm, Habakuk níu khách nán lại thật lâu nhờ không gian hiện đại, yên tĩnh vừa phải.

“Một ngày sau khi nhận giải, quán đón lượng khách tăng đột biến. Khách Việt Nam vẫn chiếm đa số. Họ ghé Habakuk phần nhiều vì tò mò. Nhà hàng vừa đón một tốp khách quốc tế khá kỹ tính. Họ chú trọng đánh giá chất lượng đồ ăn và giá cả để xem quán có xứng đáng với giải thưởng của Michelin hay không”, anh Phương kể.

Kỳ vọng doanh thu du lịch tăng nhờ sao Michelin ảnh 3

Nhiều khách quốc tế quan tâm tới trải nghiệm ăn uống tại nhà hàng được Michelin giới thiệu. Ảnh: NGỌC ÁNH

Dịp này, 70 quán ăn của Việt Nam cũng lọt vào mắt xanh của các thẩm định viên và có tên trong danh sách tuyển chọn của Cẩm nang Michelin. Anh Vũ Quang Huy (28 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ với PV Tiền Phong về trải nghiệm đáng nhớ tại nhà hàng T.U.NG dining - 1 trong 70 nhà hàng nằm trong danh sách này.

“Khẩu phần ăn của từng món và thứ tự ra đồ được tính toán kỹ để tối ưu trải nghiệm vị giác của khách hàng. Sau những món đậm vị, nhà hàng mang ra món thanh mát. T.U.N.G dining sáng tạo ở việc cho ra đời các món mới và chú trọng cách trình bày những món truyền thống. Các món ăn thường được chế biến để tôn lên vị thơm ngon có sẵn của nguyên liệu thay vì sử dụng nhiều nước xốt”, anh Huy chia sẻ. Anh thấy thú vị khi nhà hàng khéo đưa ảnh và thông tin món ăn vào một tấm thẻ nhỏ để khách mang về làm kỷ niệm. Tuy nhiên, nhà hàng này cũng nhận không ít lời phàn nàn từ thực khách.

Trong khi các nhà hàng, quán ăn có giá cả phải chăng khách tăng rõ rệt, nhà hàng Hibana by Koki được gắn 1 sao Michelin (Hà Nội) chưa có sự đột biến nào. Đại diện nhà hàng cho biết, trước khi được gắn sao, nhà hàng luôn kín lịch phục vụ thực khách. Do khâu chuẩn bị nguyên liệu, chế biến đòi hỏi kỹ lưỡng và chi phí bữa ăn khá đắt đỏ nên bữa trưa nhà hàng chỉ phục vụ tối đa 14 thực khách, bữa tối không quá 28 khách. Tuy thế, tiếng vang được gắn sao Michelin hứa hẹn đem lại nguồn khách tốt hơn trong thời gian tới.

Không để sao Michelin thành “sao xẹt”

Ẩm thực Việt Nam được nhiều tạp chí du lịch uy tín thế giới đánh giá vào tốp đầu khu vực và thế giới, tuy nhiên chưa thể được gắn sao Michelin vì rào cản lớn từ an toàn vệ sinh thực phẩm. Thời điểm này được xem là “chín muồi” để ẩm thực Việt Nam được đánh giá ở tầng nấc mới. Du lịch cũng được chắp thêm nhiều kỳ vọng tăng trưởng.

Bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh, Tổng giám đốc Sun Hospipatily Group cho biết, khi thực hiện các dự án nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, chúng tôi nhận thấy một trong những điều khách du lịch ưa thích nhất, để lại ấn tượng sâu sắc nhất là ẩm thực. Đây cũng là một trong những lý do để đơn vị này đồng hành đưa Michelin Guide đến Việt Nam cho cả chặng đường đánh giá, thẩm định 3 năm liên tiếp.

Số liệu thống kê mà Michelin Guide tạo ra được ở nhiều quốc gia cho thấy, lượng khách quốc tế có thể tăng 150%, mức chi tiêu của du khách có thể tăng lên gấp đôi nhờ nhiều nhà hàng được gắn sao Michelin. Nhìn sang Singapore, ban đầu chỉ có 4, 5 nhà hàng được gắn sao Michelin, nhưng số lượng tăng hơn gấp hai lần trong năm kế tiếp. Singapore nỗ lực nâng tầm, tận dụng được lợi thế sao Michelin đem lại. Nhiều du khách Việt trước đây từng phải xếp hàng nhiều giờ đồng hồ ở Singapore để được thưởng thức bữa ăn Michelin.

Ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Tổng thư ký Hội đầu bếp Việt Nam cho rằng, sau sự kiện nhà hàng Việt Nam được gắn sao Michelin, cả thực khách và chủ nhà hàng phải lường trước việc đông khách, xếp hàng chờ đợi. “Giữ tiếng vang cũng là câu chuyện đáng bàn vì sao gắn được cũng có thể hạ xuống được. Đây mới là bước đi đầu tiên cho một chuỗi nhà hàng món ăn sau này sẽ được Michelin công nhận. Tôi rất kỳ vọng vào điều đó. Món ăn Việt Nam đã được ghi nhận nhưng chỉ nhỏ lẻ mà chưa có sự đầu tư bài bản từ trên xuống dưới”, ông Nguyễn Xuân Quỳnh nói.

Quảng bá ẩm thực nhiều hơn

Chia sẻ nhân sự kiện Michelin Guide công bố giải thưởng ở Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, trong định hướng phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, du lịch văn hóa là một trong bốn dòng sản phẩm chính. “Việt Nam thời gian qua nhận được sự công nhận của nhiều tổ chức uy tín thế giới vinh danh và 3 năm liên tiếp là điểm đến văn hóa ẩm thực hàng đầu châu Á. Chúng ta đang hướng đến danh hiệu cao hơn nữa để khẳng định giá trị thương hiệu ẩm thực Việt Nam. Sự kiện Michelin Guide đến Việt Nam thẩm định là tín hiệu vui để xúc tiến quảng bá ẩm thực, du lịch”, ông Nguyễn Trùng Khánh nói.

Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết, dựa trên danh sách nhà hàng được công bố, Tổng cục lên kế hoạch xúc tiến quảng bá, tổ chức các hội chợ quốc tế, chương trình chuyên đề quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam. Kế hoạch này chú trọng một số thị trường mục tiêu để tăng độ nhận diện của du khách.

NGUYÊN KHÁNH

Việc có đại diện nhà hàng được gắn sao Michelin là tin vui cho ngành du lịch Thủ đô. Đây cũng là cơ hội để quảng bá rộng rãi ẩm thực Hà Nội ra thế giới, đồng thời là động lực để các nhà hàng, quán ăn chấn chỉnh phong cách phục vụ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, sáng tạo trong cách chế biến và tạo được không gian đặc trưng để mang lại nhiều trải nghiệm cho khách hàng.

Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết, theo định hướng phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2030, sản phẩm dịch vụ ẩm thực sẽ được phát triển đa dạng, tập trung vào các loại hình mang tính chất độc đáo như các phố ẩm thực đêm, các làng nghề ẩm thực cùng hệ thống các nhà hàng phát triển để đáp ứng nhu cầu của nhân dân và khách du lịch.

Sở Du lịch Hà Nội có kế hoạch đẩy mạnh quảng bá hệ thống nhà hàng được gắn sao Michelin bên cạnh những nhà hàng, quán ăn uy tín khác của Thủ đô trong các chương trình tuyên truyền, quảng bá du lịch Hà Nội, nhất là tại các sự kiện xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế. Sở Du lịch Hà Nội tiến tới xây dựng bản đồ food tour (du lịch ẩm thực) để du khách có thể tự mình khám phá, trải nghiệm ẩm thực Hà Nội.

Tổng thư ký Hội đầu bếp Việt Nam Nguyễn Xuân Quỳnh cho biết, nâng tầm thương hiệu song song với quảng bá là bài toán cần giải, bởi món ăn Việt Nam tại châu Á được đánh giá thuộc top 3, còn trên thế giới chúng ta cũng nằm trong top 10. Nguồn lực tài chính mạnh là yếu tố quan trọng cần đồng hành với sự phát triển du lịch.

MỚI - NÓNG