Cảnh giác với lao ruột

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Lao ruột là tình trạng nhiễm khuẩn đường tiêu hóa đặc hiệu do trực khuẩn lao gây nên tỷ lệ biến chứng lớn, tỷ lệ tử vong do lao ruột là 11%.

SOS: Nếu bệnh kéo dài người bệnh sẽ mắc chứngrối loạn tiêu hoá, nặng hơn có thể gây bán tắc hoặc tắc ruột, thủng ruột có thể dẫn đến tử vong.

Hiểu đúng về bệnh lao ruột

Với dáng người “mình dây”, chị Hoàng Ngọc Oanh 40 tuổi ở 14/77 đường Khánh Hội, Q.4, Tp.HCM khá hài lòng về hình thể và thể trạng của mình. Tuy gầy gầy nhưng sức khỏe chị khá tốt, ít đau ốm so với các chị bạn cùng tuổi. Ấy thế mà hơn 2 tháng nay chị cứ bị tiêu chảy kéo dài khiến người cứ xanh xao, mệt mỏi và đặc biệt là hay sốt nhẹ về chiều. Đi khám bác sĩ  kết luận chị nhiễm khuẩn lao ruột giai đoạn 2 khiến cả nhà chị đều lo lắng.

BS. Vũ Đức Chung (Trưởng khoa Tiêu Hóa, Bệnh viện Quân y 354, Hà Nội) cho biết: Bệnh lao ruột thường xuất hiện ở người trong độ tuổi lao động, nhất là lứa tuổi 30-55. Các tác nhân gây bệnh gồm vi khuẩn lao ở người và các loại khuẩn lao ở các loại động vật nhất là những động vật có vú như trâu, bò, lợn... Chúng xâm nhập trực tiếp qua đường ăn uống, chủ yếu do dùng sữa bò tươi, nước uống (gần vùng chăn nuôi gia súc) hoặc các các sản phẩm sữa có chứa trực khuẩn lao.

Những người có tiền sử bệnh lao hoặc chăm sóc bệnh nhân lao, người sống trong môi trường bị ô nhiễm cũng là đối tượng đễ bị lao ruột xâm nhập. Bệnh xuất hiện do vi khuẩn từ một ổ lao khác chuyển sang. Đặc biệt là những bệnh nhân đang bị lao phổi thì dễ mắc thêm lao ruột, vì vi khuẩn cơ thể đi qua đường máu, đường mật để vào ruột.

 Khi thấy có những biểu hiện bất thường về tiêu hoá, sút cân, chán ăn… cần đi khám ở các cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Để bệnh tiến triển nặng sẽ gây nguy hiểm cho cả bản thân và cộng đồng, chưa kể chi phí không nhỏ cho quá trình điều trị rất lâu dài.

Trong các bệnh về lao thì lao ruột thường dễ bị bỏ qua vì bản thân người bệnh thường chủ quan cho rằng mắc các bệnh về đường tiêu hóa thì sẽ tự khỏi không cần điều trị. Ngoài ra, lao ruột dễ bị bỏ qua vì nó thường là lao thứ phát sau khi người bệnh mắc lao phổi, lao thực quản, lao màng bụng. Do đó, người bệnh chỉ chú trọng điều trị các bệnh lao trên mà bỏ qua lao ruột.

Bệnh lao ruột không khó chữa

Sau khi đi khám, chị Oanh cũng được bác sĩ giải thích rõ hơn về các triệu chứng thường gặp. Bệnh lao ruột chia thành hai thời kỳ.

Thời kỳ khởi phát: Bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi nhất là về chiều, hay bị toát mồ hôi, cơ thể gầy sút nhanh, xanh xao. Các triệu chứng về tiêu hóa bắt đầu xuất hiện như đại tiện phân lỏng kéo dài. Bụng đau âm ỉ, có cảm giác bụng bị sôi, cồn cào.

Nếu bệnh nhân làm xét nghiệm máu thấy bạch cầu limpho tăng cao, tìm thấy trực khuẩn lao trong phân. Nội soi bằng ống mềm có thể thấy: Các hạt lao như những hạt kê màu trắng rải rác trên niêm mạc. Những ổ loét nông, bờ mỏng, màu tím bầm, có thể có chảy máu ở bờ hoặc đáy ổ loét. Nhiều trường hợp có thể nhìn thấy một khối u, mặt không đều.

Thời kỳ toàn phát: Người bệnh thường bị rối loạn tiêu hóa, đi đại tiện loãng hoặc sền sệt, ngày đi 4-6 lần. Tiêu chảy kéo dài, có lúc đỡ nhưng hay tái phát, rất dễ trở thành tiêu chảy mạn tính. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh nhân lại có biểu hiện ngược lại đó là bị táo bón 3-4 ngày. Người bệnh thường cảm thấy chướng bụng, đầy hơi, ăn không tiêu, buồn nôn, đau bụng âm ỉ, người bứt rứt khó chịu, dễ nổi cáu. Cơn đau tăng dần sau khi ăn và có biểu hiện sốt về chiều.

Tuy nhiên các bác sĩ cũng cho biết, bệnh lao ruột có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Quan trọng là khi phát hiện lao ruột, cần đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời và hiệu quả nhất. Trong quá trình điều trị bệnh nhân cần có một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Điều trị lao ruột chủ yếu là dùng thuốc chống lao toàn thân.

Rifampin: Là thuốc chủ yếu điều trị mọi thể lao, có độc tính gan và có thể gây thiếu máu tan máu, là chất tác động mạnh tới các men gan và có thể gây nhiều tương tác thuốc.

Pyrazinamid: Là thuốc quan trọng thường dùng điều trị các chủng kháng thuốc, có thể gây tǎng acid uric máu và gây độc gan.

Ngoài ra, tiêu chảy nhiều gây mất nước và điện giải phải bù lại cho đủ, dùng các thuốc chống tiêu chảy và bao niêm mạc ruột, giảm đau nếu đau bụng nhiều, chế độ dinh dưỡng nhiều calo, tăng đạm, giảm tinh bột để tránh lên men sinh hơi... Khi tắc ruột phải được phẫu thuật kịp thời.

Hiện này phương pháp điều trị lao ruột đạt hiệu quả tốt nhất là phương pháp DOTS (điều trị ngắn hạn có kiểm soát trực tiếp) được áp dụng phổ biến. Bệnh nhân sẽ được kê toa thuốc phù hợp.

Việc phẫu thuật chỉ được áp dụng trong trường hợp lao ruột có biến chứng, hơn 80% trường hợp biến chứng phải can thiệp bằng phương pháp này. Lao ruột được điều trị chủ yếu bằng nội khoa.

Lưu ý để phòng bệnh

Theo các chuyên gia an toàn thực phẩm, trong điều kiện môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm như ở nước ta, sữa tươi tiệt trùng thường là nguyên nhân gây bệnh lao ruột. Chính vì vậy, người tiêu dùng không nên ăn các sản phẩm sữa không rõ nguồn gốc, sữa chưa qua xử lý. Nên ăn chín uống sôi.

Ngoài ra, ô nhiễm môi trường cũng là nguyên nhân gây nên bệnh lao ruột. Chính vì vậy, mọi người cần có ý thức vệ sinh sạch sẽ khu ăn, ở sinh hoạt của gia đình, không để rác thải, vũng nước tích đọng quá lâu, không nên đặt nguồn nước sử dụng gần chuồng nuôi gia súc, gia cầm…

Nếu trong người có những biểu hiện khác lạ, người bệnh nên đi khám và điều trị kịp thời, hiệu quả nhất. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần có một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ăn đủ chất, nhất là đạm, vitamin, không nên ăn nhiều thức ăn dạng bột.

Bệnh lao ruột không như lao phổi, lao ruột không lây qua không khí, tiếp xúc. Chính vì vậy, để tránh lây nhiễm bệnh cho người xung quanh, người bệnh khi đại tiện nên vệ sinh bồn cầu sạch sẽ, như vậy sẽ tránh được nguy cơ lây nhiễm cho người khác. 

Theo Theo SKGĐ
MỚI - NÓNG