Một bệnh nhi 2 tháng tuổi khác cũng bị biến chứng nặng của ho gà đang được điều trị bằng kỹ thuật này. Đáng nói là những trường hợp bệnh tiến triển nguy kịch như trên rất hiếm gặp trên thế giới và tỷ lệ tử vong rất cao.
Trong phòng bệnh của Khoa Hồi sức Ngoại, 2 bệnh nhi P.Q.A (3 tháng tuổi, Hà Nội) và B.Đ.L (2 tháng tuổi, ở Hòa Bình) đang được điều trị với hệ thống máy móc hiện đại nhất của BV Nhi T.Ư.
Trước khi nhập viện 10 ngày, bệnh nhi P.Q.A có biểu hiện ho, khó thở. Ban đầu trẻ ho ít, kèm chảy nước mũi, sau đó ho tăng dần. Cha mẹ cho trẻ đi khám phòng khám tư được chẩn đoán viêm tiểu phế quản nhưng dùng thuốc không đỡ, bệnh tiến triển nặng lên.
Bệnh nhân P.Q.A. nhập khoa BV Nhi T.Ư ngày 8/4 trong tình trạng khó thở, rút lõm lồng ngực, viêm phổi nặng. Sau 3 ngày, bệnh nhân thở nhanh được chuyển khoa Hồi sức cấp cứu. Các xét nghiệm ban đầu thấy bạch cầu tăng cao bất thường, dương tính với vi khuẩn ho gà, siêu âm tim có tăng áp động mạch phổi nặng.
Trẻ nhanh chóng được hỗ trợ hô hấp, điều trị tăng áp phổi bằng các thuốc giãn mạch và khí NO. Do số lượng bạch cầu trong máu quá cao (107.000/mm3), nên các bác sĩ quyết định thay máu. Tuy nhiên, tình trạng bệnh diễn biến nặng hơn (huyết áp tụt, có dấu hiệu ngừng tim phải tiến hành ép tim). Sau khi được dùng các thuốc hỗ trợ tim mạch, huyết áp bệnh nhân trở lại ổn định hơn. Lúc này, nguy cơ tử vong của bệnh nhân gần như 100%.
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc BV Nhi T.Ư triệu tập hội chẩn nhóm chuyên môn và quyết định sử dụng kỹ thuật ECMO. Đây là một quyết định kịp thời vì trên thế giới rất ít trường hợp biến chứng tăng áp động mạch phổi do ho gà sử dụng ECMO được báo cáo thành công.
Th.s.BS Trịnh Xuân Long, Khoa Hồi sức Ngoại cho biết, với hệ thống máy móc hiện đại này, tỷ lệ sống của bệnh nhân bị biến chứng tăng áp động mạch phổi do ho gà cũng chỉ đạt 20%. Sau 2 tuần được hỗ trợ ECMO, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện rõ rệt, cai ECMO, cai máy thở chỉ phải thở oxy, vẫn còn viêm phổi nhưng không phải dùng thuốc hỗ trợ tim mạch.
Nằm giường bên cạnh P.Q.A, bệnh nhi B.Đ.L. vẫn đang dùng đến hệ thống ECMO để điều trị biến chứng tăng áp động mạch phổi do ho gà. TS. BS Tạ Anh Tuấn, Phụ trách khoa Hồi sức Cấp cứu cho biết, khi nhập viện trẻ đã suy hô hấp nặng, có dấu hiệu sốc.
Xét nghiệm công thức máu thấy bạch cầu tăng cao (83.000/mm3), siêu âm tim cấp cứu thấy tăng áp động mạch phổi nặng, bệnh nhân được điều trị thở máy, chống sốc, sử dụng thuốc trợ tim, thuốc điều trị tăng áp phổi, thay máu và hội chẩn cấp cứu chỉ định ECMO. Hiện nay bệnh nhân B.Đ.L. vẫn trong giai đoạn chưa cai ECMO nhưng đã có tiến triển khả quan.
TS Tuấn cho hay, cơ chế tăng áp động mạch phổi dẫn đến suy tim trong bệnh ho gà là do bạch cầu máu tăng cao là do độc tố của vi khuẩn gây tổn thương tế bào nội mạch, gây tắc mạch phổi làm tăng áp phổi. Biến chứng này rất nặng, điều trị khó khăn phải kết hợp nhiều biện pháp điều trị: thuốc điều trị tăng áp phổi, hít khí NO, thay máu để giảm bạch cầu, nếu có hạ huyết áp phải chỉ định ECMO sớm.
Chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh
Bác sĩ Long cho biết, những trẻ bị biến chứng nặng do ho gà đều chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh. Trong đó có cả trường hợp gia đình không cho con tiêm vắc-xin miễn phí của Chương trình Tiêm chủng mở rộng mà đợi để tiêm vắc-xin dịch vụ.
TS.BS Tạ Anh Tuấn cho biết thêm, sau khi có các xét nghiệm xác định trẻ bị ho gà với biến chứng tăng áp động mạch phổi, các bác sĩ lật giở lại tài liệu y văn và thấy rằng đây là một trong những biến chứng rất nặng của ho gà mà thế giới ít gặp.
Báo cáo của các chuyên gia y tế trên thế giới về vấn đề này thường hiếm và đơn lẻ, tỷ lệ cứu sống được bệnh nhân rất thấp. Việc cứu sống cùng lúc 2 trẻ bị biến chứng nặng do ho gà là thành công đáng ghi nhận của đội ngũ bác sĩ BV Nhi T.Ư và cũng mở ra hướng điều trị mới với kỹ thuật ECMO hiện đại cho bệnh nhân bị tăng áp động mạch phổi do ho gà.
Cẩn trọng với ho gà
Bác sĩ Long cho biết, trong những ngày đầu trẻ bị ho gà, các biểu hiện của bệnh rất giống với cảm cúm, ho, sốt thông thường nên dễ bị bỏ qua. Thậm chí nhiều gia đình có tâm lý chủ quan tự mua thuốc về chữa cho con. Đến khi thấy trẻ ho nặng, bị tím tái mới đưa vào viện thì đã trong tình trạng nguy kịch vì suy hô hấp. Vì vậy, khi thấy trẻ có dấu hiệu như trên cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và điều trị.