Bác sĩ, TS Phạm Duy Hiền, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật nội soi nhi khoa (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, trẻ bị viêm tụy cấp thường cần điều trị nội khoa ổn định rồi mới mổ nối nang-ruột sau 6-8 tuần. Thời gian này là cần thiết để thành nang đủ dày, đảm bảo an toàn cho miệng nối nang- ruột.
Tuy nhiên trường hợp bệnh nhi L., nếu không can thiệp ngoại khoa kịp thời thì khối nang quá lớn có thể gây biến chứng nguy hiểm như tắc ruột do chèn ép, chảy máu trong nang do vỡ phình mạch trong nang, vỡ nang, bội nhiễm gây áp-xe nang. Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ khoa Tiêu hóa và khoa Ngoại thống nhất mổ cấp cứu bệnh nhi để dẫn lưu nang và làm giảm áp lực đường mật.
Kíp mổ do TS Phạm Duy Hiền phụ trách đã tiến hành phẫu thuật nối nang tụy với một quai ruột non và dẫn lưu túi mật. Sau mổ, tình trạng của bệnh nhi cải thiện tốt, trẻ ăn uống và đi ngoài bình thường, men tụy không còn cao nữa. Bác sĩ Hiền cho biết, nang giả tụy là sự tích tụ dịch xung quanh tuyến tụy.
Đây là dịch rò rỉ từ ống tụy bị tổn thương, rất giàu amylase và các enzym khác của tuyến tụy. Nang giả tụy thường xuất hiện sau viêm tụy cấp tính hay mạn tính hoặc sau chấn thương.
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận và điều trị vài trường hợp trẻ bị viêm nang giả tụy.