Cảnh báo tác hại của ngô biến đổi gene

TP - Tạp chí The Diplomat (trụ sở tại Nhật Bản) vừa có bài viết dẫn ý kiến các chuyên gia quốc tế cho rằng, với việc cho phép nhập các giống cây biến đổi gene và thuốc diệt cỏ, Việt Nam đã “quá tử tế” với công ty từng sản xuất chất độc da cam/dioxin gây hậu quả nặng nề, kéo dài.
Cảnh báo tác hại của ngô biến đổi gene ảnh 1

Một cuộc biểu tình phản đối sản phẩm biến đổi gene của Monsanto tại Mỹ. Ảnh: Lunatic Outpost

Bài viết dẫn thông tin từ báo chí trong nước cho biết, hồi tháng 8, Bộ NN&PTNT Việt Nam cho phép nhập 4 giống ngô biến đổi gene để chế biến thực phẩm cho người và làm thức ăn gia súc, bao gồm giống MON 89034 và NK 603 - sản phẩm của DeKalb Vietnam (công ty con của Monsanto), GA 21 và MIR 162 của Cty Thụy Sĩ Syngenta.

Theo The Diplomat, Bộ TN&MT Việt Nam đã cấp chứng nhận an toàn sinh học cho giống MON 89034 và NK 603 của Monsanto, cùng với giống GA 21 của Syngenta, nghĩa là nông dân có thể bắt đầu trồng các giống này trên quy mô thương mại. Bộ này cũng đang xem xét cấp chứng nhận tương tự cho giống MIR162. 

Các nhà hoạt động môi trường cho rằng, trong khi chính người Mỹ và người dân khắp nơi trên thế giới đang phản đối các giống biến đổi gene thì Việt Nam lại đang vứt bỏ lợi thế cạnh tranh lớn là một nước sản xuất sản phẩm không biến đổi gene. Tại Mỹ, làn sóng người tiêu dùng từ chối sản phẩm biến đổi gene đã tăng lên mức độ chưa từng có tiền lệ, khiến các hãng thực phẩm phải tìm nhiều cách đảm bảo nguồn nguyên liệu không biến đổi gene, báo Mỹ New York Times đưa tin.

Châu Âu cũng buộc toàn bộ ngành công nghiệp thực phẩm phải tránh xa thực phẩm biến đổi gene. Vụ việc đáng chú ý nhất là cơ quan chức năng châu Âu đã cấm 99% ngô nhập khẩu từ Mỹ vào thời điểm mà chỉ có 25% ngô của Mỹ là giống biến đổi gene. Năm ngoái, Trung Quốc từ chối 887.000 tấn ngô Mỹ vì có chứa ngô biến đổi gene MIR 162 của hãng Syngenta - loại mà Việt Nam vừa cấp phép cho sử dụng.

Theo báo cáo Đánh giá quốc tế về khoa học, công nghệ và kiến thức nông nghiệp phục vụ phát triển, xem xét phân tích đầy đủ nhất về nông nghiệp và tính bền vững trong lịch sử đi đến kết luận rằng, chi phí cao về giống và hóa chất, năng suất không ổn định và nguy cơ làm suy yếu an ninh lương thực địa phương là lý do khiến công nghệ sinh học là lựa chọn tồi đối với thế giới đang phát triển. Theo đó, các giống biến đổi gene hiện nay không giúp được gì trong xóa đói giảm nghèo, kiến tạo nền nông nghiệp bền vững.

Theo báo cáo của tổ chức quốc tế Những người bạn của Trái đất tại 74 quốc gia, 6 công ty đa quốc gia gồm Monsanto, Syngenta, Du Pont, Bayer, Dow và BASF hiện kiểm soát 2/3 thị trường giống toàn cầu, 3/4 sản lượng hóa chất nông nghiệp và toàn bộ thị trường giống biến đổi gene.

Monsanto là hãng chính sản xuất chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Hơn 4,8 triệu người Việt Nam đã bị phơi nhiễm trực tiếp chất độc da cam/dioxin và nhiều loại hóa chất liên quan ung thư, dị tật bẩm sinh cùng nhiều loại bệnh mạn tính thời chiến tranh. Hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin vẫn đang gánh chịu hậu quả thảm khốc của hóa chất này sau nhiều năm chiến tranh. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đưa các giống ngô biến đổi gene và thuốc diệt cỏ Roundup Monsanto vào sử dụng ở Việt Nam là không có lợi. 

Các nhà hoạt động nói rằng, các giống ngô biến đối gene được cấp phép chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Khi đã tạo được tiền lệ cấp phép cho các sản phẩm của mình, các hãng công nghệ sinh học như Monsanto sẽ sớm đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm biến đổi gene và thuốc diệt cỏ nguy hiểm hơn. Thay vì giảm nhu cầu sử dụng thuốc trừ sâu, các giống biến đổi gene sẽ gây ra tình trạng phụ thuộc vào thuốc diệt cỏ.

Bộ TN&MT mới đây cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học cho ngô biến đổi gene GA21 của Cty TNHH Syngenta Việt Nam và NK603 của Cty TNHH Dekalb Việt Nam. Đây là hai giống tiếp theo được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học sau giống đầu tiên (MON 89034). Theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ NN&PTNT mới công nhận 4 tổ hợp chuyển gene ngô (nạp vào giống ngô để tạo thành giống biến đổi gene) được sử dụng ở Việt Nam. Bộ NN&PTNT đang xem xét những giống được “cấy” biến đổi gene đó có được trồng ở Việt Nam hay không. “Ở ta, có nhiều người phản đối trồng cây biến đổi gene, nên phải làm rất khoa học, bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế”, ông Phát nói. Theo ông Phát, việc dán nhãn sản phẩm cây trồng biến đổi gene sẽ được thực hiện từng bước. Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp các bộ liên quan hoàn thiện cơ sở pháp lý, từ đó mới tổ chức thực hiện. “Chúng tôi đang thực hiện theo kế hoạch dự kiến, trong năm nay sẽ ra thông tư hướng dẫn việc dán nhãn”, ông Phát nói.

Nam Khánh - Trần Hoàng
Theo Diplomat, New York Times
MỚI - NÓNG