Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

Cần giải pháp đột phá

0:00 / 0:00
0:00
TP - Phát biểu kết luận Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, sáng 5/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong hoàn cảnh đặc biệt, cần có những giải pháp đột phá với cơ chế khác bình thường.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, gần 2 năm qua, đại dịch COVID - 19 đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Nhấn mạnh chủ đề diễn đàn “phục hồi và phát triển bền vững”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phát triển không phải bằng mọi giá, mà phải phát triển bền vững. Những giải pháp ngắn hạn và trung hạn phải luôn bám vào mục tiêu dài hạn. “Làm sao giải quyết được những điểm nghẽn để tăng cường năng lực hấp thụ vốn; đưa vốn vào đâu cho đúng mục đích, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, phòng, chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm…”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Tại diễn đàn, đại diện Nhóm Nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cảnh báo, nếu không có gói hỗ trợ đặc biệt cả về tài khóa và tiền tệ, chúng ta sẽ bị lỡ nhịp và không hoàn thành mục tiêu đề ra. Với gói chính sách tài khóa, nhóm nghiên cứu đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT từ 1 - 2%; có gói hỗ trợ lãi suất khoảng 20.000 - 30.000 tỷ đồng… Theo đó, gói hỗ trợ tài khóa khoảng 389.200 tỷ đồng, tương đương 4,79% GDP. Đối với chính sách tiền tệ, theo ông Lực,cần tiếp tục giảm lãi suất 0,5 - 1%; cho vay tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng để cho vay nhà ở quy mô 65.000 tỷ đồng…

Cần giải pháp đột phá ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: PV

Trong chính sách an sinh xã hội, TS Cấn Văn Lực đề xuất thêm 2 gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trở lại doanh nghiệp làm việc (khoảng 6.000 tỷ đồng); hỗ trợ đào tạo nghề khoảng 6.800 tỷ đồng. Ngoài ra, xem xét giảm tiền điện, nâng cao năng lực công nghệ đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp…với khoảng 38 nghìn tỷ đồng. “Tổng thể các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội và các chính sách khác vào khoảng 844.000 tỷ đồng về danh nghĩa, còn về thực chi vào khoảng 445.000 tỷ đồng, tương đương 5,12% GDP”, TS Cấn Văn Lực nêu.

Cùng quan điểm, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, gói chương trình phục hồi kinh tế tổng thể 2 năm tới (2022 - 2023) khoảng 666.000 tỷ đồng. Trong đó, gói hỗ trợ hệ thống y tế khoảng 76.000 tỷ đồng; gói củng cố hệ thống an sinh xã hội 58.000 tỷ đồng; gói hỗ trợ doanh nghiệp 244.000 tỷ và gói đầu tư công 288.000 tỷ đồng.

Làm rõ khả năng hấp thụ của nền kinh tế

Theo GS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, điều quan trọng cần làm rõ là khả năng hấp thụ của nền kinh tế ra sao? “Điều nguy hiểm” ông Cường băn khoăn là nguồn vốn có thực sự chuyển vào sản xuất không? Ông Cường dẫn chứng, tăng trưởng chứng khoán thường gắn với sức khỏe nền kinh tế. Tuy nhiên, trong khi nền kinh tế đang gặp khó, thị trường chứng khoán lại tăng trưởng mạnh. “Đó là do dòng tiền đổ vào chứng khoán đẩy giá tăng lên chứ không phải do lợi nhuận doanh nghiệp”, ông Cường lưu ý.

Muốn tăng nguồn đầu tư, GS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, phải thúc đẩy giải ngân đầu tư công; tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và cần kiểm soát dòng tiền chảy vào khu vực mong muốn đầu tư. Để làm tốt điều này, ngân hàng cần thay đổi phương thức tiếp cận vốn cho doanh nghiệp bằng cách chuyển sang đồng hành với doanh nghiệp. Điều đó đồng nghĩa, việc cho doanh nghiệp vay vốn không phải chỉ dựa vào tài sản bảo đảm, mà cần xem xét nguồn tiền đó sẽ được doanh nghiệp sử dụng vào việc gì. Riêng về giải ngân đầu tư công, cần có giải pháp đặc biệt trên cơ sở “đặt hàng” tư nhân.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, với giả thiết không xảy ra đại dịch COVID-19, tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo ở mức 7%, song thực tế, năm 2020 chỉ đạt 2,91% và trong năm nay, dự kiến chỉ tăng 2,5%. Ông Nguyễn Thành Phong tính toán, trong tổng hai năm qua, đại dịch đã gây thiệt hại hơn 500.000 tỷ đồng, con số vô cùng lớn. Để giảm thiệt hại kinh tế, theo ông Phong, phải nhanh chóng tìm ra các biện pháp để tạo động lực kinh tế, trong đó gói hỗ trợ kích thích là cần thiết. Do vậy, cần khơi thông tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, bởi đây là hai động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo đó, gói kích thích cần hướng tới giảm chi phí sản xuất doanh nghiệp, hỗ trợ chi phí phòng chữa bệnh, nhà ở cho công nhân, trợ cấp cho công nhân và gia đình họ có cuộc sống ổn định.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI:

Hỗ trợ người lao động việc làm, tạo thu nhập

Sắp tới, cần hỗ trợ người lao động chính điều họ cần nhất. Đầu tiên chính là việc làm và thu nhập. Vậy thì doanh nghiệp phải phục hồi và đón tiếp người lao động trở lại và đào tạo lại; bảo đảm an toàn sức khỏe, vắc xin và chăm sóc y tế… Đây là hai yêu cầu trước mắt, còn lâu dài, phải hướng đến mục tiêu “an cư, lạc nghiệp”. Không thể để người lao động ở trong những nhà trọ mấy mét vuông, điều kiện hết sức khó khăn, nếu xảy ra dịch bệnh, người lao động ở những khu vực này sẽ bỏ đi hết. Hướng đến mục tiêu đến 2045 trở thành nước phát triển, chúng ta không thể chấp nhận người lao động sống như vậy.

Cần giải pháp đột phá ảnh 2

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình:

Nắm bắt cơ hội trăm năm

Với sức mạnh chiến tranh nhân dân và chuyển đổi số thì không nhiệm vụ nào không hoàn thành, không khó khăn nào không vượt qua và chúng ta tất thắng COVID-19. Làm được vậy, Việt Nam sẽ thành thục khai thác sức mạnh của truyền thống - Chiến tranh nhân dân và sức mạnh của thời đại - Chuyển đổi số, nắm bắt cơ hội trăm năm, mang tên COVID-19, tạo bứt phá cho tương lai.

Cần giải pháp đột phá ảnh 3

ĐBQH Trần Hoàng Ngân:

Cần gói hỗ trợ diện rộng

Trước tiên, do khủng hoảng xuất phát từ y tế, nên phải dành nguồn lực cho ngành Y tế, để họ phản xạ nhanh nhất, hiệu quả nhất. Kế đến, cần có gói hỗ trợ diện rộng để nhiều đối tượng được thụ hưởng. Trong đầu tư công, cần ưu tiên tối đa cho đường cao tốc Bắc – Nam và phải quan tâm đến các “đầu tàu”, động lực tăng trưởng, tạo nguồn thu ngân sách. Cần đầu tư vào Đông Nam Bộ, kết nối các tỉnh thành với kinh phí 93.000 tỷ đồng.

Cần giải pháp đột phá ảnh 4

“Dễ làm, khó bỏ” thì không nên

Phát biểu kết luận Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong hoàn cảnh đặc biệt, cần có những giải pháp đột phá với cơ chế khác bình thường. Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận các đề xuất miễn, giảm thuế, phí cũng như gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Trước lo ngại năm 2008 từng áp dụng gói hỗ trợ lãi suất không tốt, ông Vương Đình Huệ lý giải, do lúc đó hỗ trợ tràn lan, không có mục tiêu cụ thể. “Bây giờ chúng ta vẫn đang hỗ trợ lãi suất, vẫn giải ngân, quyết toán được bình thường, tại sao lại không quyết toán được? Dễ làm, khó bỏ thì không nên”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, hoặc có khả năng phục hồi. Đồng thời cần chú trọng hỗ trợ tài chính cho việc cải tạo chung cư cũ, như Hà Nội còn hơn 1.500 tòa nhà có nhu cầu cải tạo, nhiều toà nhà đang ở cấp đặc biệt nguy hiểm, hay TPHCM còn khoảng 600 tòa nhà, Hải Phòng cũng còn rất nhiều… “Nếu gỡ được điểm nghẽn này, Hà Nội, TPHCM tăng trưởng 7 - 8 % là chuyện bình thường”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đồng thời lưu ý xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo hình thức thuê mua, không phải bán như bây giờ.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Quốc hội cũng nhấn mạnh giải pháp tiết giảm chi thường xuyên, đẩy nhanh thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc phát hành trái phiếu Chính phủ, đồng thời cần rà soát khai thác nguồn vốn đang tồn đọng tại các quỹ ngoài ngân sách nhà nước…

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.