Ông Trương Gia Bình:

'Chiến tranh nhân dân' và chuyển đổi số sẽ giúp chiến thắng COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình
Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình
TPO - “Chiến tranh nhân dân đòi hỏi lãnh đạo ở mọi cấp nhận thức rõ trách nhiệm, mục tiêu của riêng mình và triển khai quyết liệt với tinh thần dấn thân”, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình cho hay.

Chiều 5/12, tại tọa đàm Diễn đàn Kinh tế 2021, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình đề cập đến giải pháp chuyển đổi số - tìm cơ trong nguy, bứt phá để phát triển kinh tế. Theo ông Bình, COVID-19 là loại “giặc nguy hiểm”, ập đến như một thảm họa. Mười tháng đầu năm nay, 50% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, gần 100 ngàn doanh nghiệp đóng cửa; hàng trăm nghìn người nhiễm bệnh, hàng vạn người tử vong, hàng nghìn trẻ em mồ côi; chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lưu thông hàng hóa bị tắc nghẽn, học sinh không được đến trường…

Vậy làm thế nào để Việt Nam chiến thắng COVID-19 sớm nhất? Làm thế nào để tác hại của COVID-19 chỉ như cúm mùa? Làm thế nào để sản xuất kinh doanh không gián đoạn trong mọi hoàn cảnh dịch bệnh? Nếu chiến thắng được thì đây là cơ hội để Việt Nam bứt phá phát triển kinh tế- xã hội, trở thành nước phát triển sau 100 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập. Chúng ta có thể làm được điều này vì khác với các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam có bí kíp vô địch – Nghệ thuật Chiến tranh nhân dân”, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT cho hay.

“Chiến tranh nhân dân là sức mạnh chiến thắng COVID-19”, khẳng định điều này, ông Bình lý giải, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã chiến thắng mọi thế lực xâm lược hùng mạnh bằng sức mạnh toàn dân, được đúc kết thành nghệ thuật Chiến tranh nhân dân. “Chiến tranh nhân dân kết tinh từ lòng yêu nước nồng nàn và truyền thống đại đoàn kết dân tộc”, ông Bình nói.

Từ bài học lịch sử, theo ông Trương Gia Bình, chúng ta có thể áp dụng vào cuộc chiến chống dịch COVID-19 một vài điểm quan trọng. Trong đó, ông Bình nhấn mạnh, đây là “cuộc chiến vì dân” để bảo vệ sức khỏe, tính mạng và kế sinh nhai của người dân. Mặt khác, đây cũng là cuộc chiến do nhân dân tiến hành. Điều này có nghĩa, mỗi người dân là một “chiến sĩ” chống dịch, mỗi tổ dân phố, mỗi doanh nghiệp, tổ chức phải trở thành một “pháo đài”.

“Đây là cuộc chiến tranh tổng lực. Hơn lúc nào hết cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị vì mục tiêu chung của cuộc chiến ngăn chặn dịch lây lan, giảm tối đa tử vong và tăng tối đa kinh tế xanh. Chiến tranh nhân dân đòi hỏi lãnh đạo ở mọi cấp nhận thức rõ trách nhiệm, mục tiêu của riêng mình và triển khai quyết liệt với tinh thần dấn thân”, Chủ tịch FPT nêu.

'Chiến tranh nhân dân' và chuyển đổi số sẽ giúp chiến thắng COVID-19 ảnh 1

Toàn cảnh Diễn đàn kinh tế 2021

Theo ông Bình, muốn thắng COVID chỉ có cách hành động nhanh hơn COVID. Vì vậy không thể thắng COVID mà không chuyển đổi số chống COVID. Nghĩa là, cần đầy đủ dữ liệu tức thời và Trí tuệ nhân tạo (AI) để người dân có thể điều chỉnh hành vi, tự và được chăm sóc, điều trị tại nhà kết nối với chính quyền, cơ sở điều trị khi chuyển nặng và lãnh đạo các cấp ra các quyết sách kịp thời, chuẩn xác.

“Với sức mạnh chiến tranh nhân dân và chuyển đổi số thì không nhiệm vụ nào không hoàn thành, không khó khăn nào không vượt qua và chúng ta tất thắng COVID-19. Làm được vậy, Việt Nam sẽ thành thục khai thác sức mạnh của truyền thống - Chiến tranh nhân dân và sức mạnh của thời đại - Chuyển đổi số, nắm bắt cơ hội trăm năm, mang tên COVID-19, tạo bứt phá cho tương lai”, ông Bình cho hay.

Cũng theo ông Trương Gia Bình, COVID-19 vừa gây đứt gãy chuỗi cung ứng, làm đình đốn sản xuất kinh doanh và đảo lộn cuộc sống, đồng thời cũng làm bộc lộ rõ những bất cập trong quản lý nhà nước, quản trị công ty, trong hoạch định tương lai, thiếu hụt về hạ tầng, về trình độ nguồn nhân lực, về công nghệ, đặc biệt về công nghệ thông tin. “Chuyển đổi số, bao gồm xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và thành phố thông minh, là lựa chọn duy nhất, là nhiệm vụ bao trùm trong giai đoạn 2021- 2025”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Nguy cơ càng lớn, thách thức càng to, song theo Chủ tịch FPT, vượt qua thách thức càng to thì thành công càng lớn. “Kết hợp sức mạnh của Chiến tranh nhân dân và sức mạnh của chuyển đổi số thì không thách thức nào, nguy cơ nào cản được bứt phá phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta, giúp Việt Nam vượt bẫy thu nhập trung bình, đứng vào hàng các nước phát triển vào 2045”, ông Bình cho hay.

Đề xuất gói 93 nghìn tỷ cho vùng Đông Nam Bộ

Tại phiên thảo luận, TS. Trương Văn Phước – nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhấn mạnh, một vấn đề hết sức được quan tâm, đó là việc phân bổ nguồn lực vào đầu tư công, y tế, doanh nghiệp… “Nhưng câu hỏi đầu tiên là tiền đâu. Làm sao có tiền mới thực hiện được gói hỗ trợ. Đây là câu hỏi vô cùng quan trọng, không có tiền, không giải quyết được, không thực thi được gói hỗ trợ”, ông Phước nói.

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Phước bày tỏ quan điểm đồng tình việc huy động vốn thị trường trong nước. Với xu hướng lãi suất quốc tế đang tăng dần, nên việc vay nợ nước ngoài chưa thật phù hợp thì nguồn tài chính chủ yếu là vay nợ trong nước.

Từ kinh nghiệm các nước, theo ông Phước nên xem xét việc Ngân hàng Nhà nước mua trái phiếu Chính phủ, vừa là hành động hỗ trợ Ngân sách Nhà nước vừa nắm công cụ để điều hành chính sách tiền tệ: Bơm tiền (mua TPCP), Hút tiền (bán TPCP) cho các tổ chức tín dụng. “Khả năng huy động nguồn vốn tài chính trong nước vẫn khá dồi dào khi mà lãi suất trái phiếu Chính phủ quanh mức 2,09%/năm đối với kỳ hạn 10 năm”, ông Phước nêu.

"Việt Nam cần có một số gói hỗ trợ tài chính đủ lớn, đủ rộng và dài để giúp doanh nghiệp và người dân trong nhiều địa bàn và lĩnh vực có thể phục hồi được cả thể chất, tinh thần và năng lực kinh doanh sau cơn "bạo bệnh" và không loại trừ khả năng có thêm những đợt bùng phát mới có thể còn khốc liệt hơn", ông Phước cho hay.

Đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM Trần Hoàng Ngân đưa ra 7 chính sách lớn, trong đó nhấn mạnh, trước tiên cần dành nguồn lực cho y tế, để họ sẵn sàng và nhanh nhất, chậm vắc xin 1 ngày là đánh vào sức khoẻ nhân dân. Đồng thời cần nâng cao cải thiện thu nhập đội ngũ y bác sỹ. Thứ hai là một gói hỗ trợ mang tầm diện rộng nhiều ngành người dân được thụ hưởng, theo đó cần thiết có gói an sinh xã hội.

Ngoài ra cũng cần có gói đầu tư công, ưu tiên cho đường cao tốc, hạ tầng số… Cũng theo đề xuất của ông Ngân, cần đầu tư hơn nữa vào các đầu tàu tăng trưởng, tạo động lực, tăng thu ngân sách để trả nợ. Cụ thể, ông Ngân cho rằng cần đầu tư vào Đông Nam Bộ, kết nối các tỉnh thành với kinh phí 93.000 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.