Cần đưa cách xác định giá đất vào luật

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sáng 9/6, thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng quy định giá đất là một trong những vấn đề khó, trong khi đây lại là nguyên nhân gây ra nhiều khiếu kiện. Do đó, cần phải quy định cụ thể về nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất trong dự thảo luật.

Minh bạch để xác định giá đất

Đề cập việc xác định giá đất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ Nghị quyết số 18 của Trung ương về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai đã yêu cầu rõ phải có phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, dự thảo luật khi quy định về vấn đề này lại giao Chính phủ quy định chi tiết về phương pháp định giá đất.

Nhấn mạnh, trong dự thảo Luật Đất đai thì khó nhất là tài chính đất đai, còn trong tài chính đất đai thì khó nhất chính là giá đất, Chủ tịch Quốc hội dẫn câu chuyện TPHCM đề xuất cho phép áp dụng phương pháp hệ số K để tính giá đất tại dự thảo Nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù cho thành phố để minh bạch và dễ thực hiện.

Cần đưa cách xác định giá đất vào luật ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Như Ý

Theo ông, khi Luật Đất đai quy định rõ, nhà đầu tư sẽ biết chi phí đầu vào trong phương án tài chính mình là bao nhiêu, cơ quan hữu quan cứ thế áp vào, rất minh bạch. “Quan điểm chúng tôi là Chính phủ đưa vào dự thảo Luật Đất đai, quy định rõ nguyên tắc, phương pháp. Trí tuệ của toàn dân, Quốc hội và cả xã hội chắc chắn đóng góp tốt hơn”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Đồng tình, đại biểu Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho rằng dự thảo phải đưa ra phương thức nhất quán xác định giá đất trong dự thảo luật. “Nói là xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, nhưng đó là phương pháp nào? Nếu trong trường hợp giá đất khảo sát ở địa điểm thực tế cao hơn bảng giá đất thì giải quyết ra sao”, ông Vân nêu câu hỏi.

Theo ông, tại một nơi không xác định được giá đất ở thời điểm hiện tại thì có thể lấy giá bình quân trong 5 năm để xác định. Ở vùng sâu, những nơi lần đầu xác định giá đất thì có thể tính toán dựa trên giá trị sản xuất, yếu tố tác động đến thửa đất như giao thông, thổ nhưỡng.

Đẩy mạnh phân cấp, cắt giảm thủ tục hành chính

Tại tổ Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn các đại biểu từ thực tiễn để góp ý đối với việc phân cấp, phân quyền trong dự thảo Luật Đất đai. “Ví dụ quy định 10 ha lúa, 20 ha rừng phải lên đến Thủ tướng, qua quy trình nhiều bước thì mất rất nhiều thời gian, làm lãng phí nguồn lực và cơ hội”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, phân cấp phân quyền phải được quy định trong luật thì mới làm được. Ông cho biết, khi các tỉnh, thành phố đề xuất cơ chế đặc thù đều đề xuất việc phân cấp, phân quyền cho thấy vướng mắc từ thực tiễn, chứ không phải cơ chế ưu đãi.

Vấn đề thứ hai được Thủ tướng nêu ra là thủ tục hành chính về đất đai quá nhiều. “Làm sao giảm thủ tục hành chính, giảm những chi phí không cần thiết, làm mất thời gian và mất luôn cơ hội của người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng nói. Gợi mở hướng giải quyết, người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quản lý đất đai.

“Làm sao giảm thủ tục hành chính, giảm những chi phí không cần thiết, làm mất thời gian và mất luôn cơ hội của người dân và doanh nghiệp”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) cho rằng, sửa đổi Luật Đất đai phải tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đất đai, từ đó tạo ra thu nhập, việc làm cho người dân. “Nếu không làm được điều trên thì sẽ mất đi cơ hội dân số vàng, thời cơ vàng của đất nước để thu hút doanh nghiệp”, ông Minh nhấn mạnh. Theo ông, quy định cấp huyện lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm là “hết sức phi lý”.

“Quy định thế này thì cả huyện lúc nào cũng phải đi lập kế hoạch sử dụng đất. Nó quá nhiều việc cho cấp huyện”, ông Minh nói, và cho rằng, chỉ cần có quy hoạch đất đai cấp huyện là đủ điều kiện để triển khai các dự án, không cần tới kế hoạch sử dụng đất. Dẫn chứng trong lĩnh vực đầu tư công, ông Minh cho biết “rất nhạy cảm” mà được Quốc hội giao trung hạn 5 năm một lần. Do vậy, ông đề nghị bỏ quy định việc lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hằng năm.

Tái định cư, không chỉ là giá bồi thường

Liên quan việc thu hồi đất và tái định cư phải đảm bảo cho người dân bằng hoặc hơn nơi ở cũ, nhiều đại biểu nhận xét “tưởng đơn giản nhưng rất khó khăn”. Thực tiễn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ, ở nhiều nơi chính quyền địa phương rất nỗ lực, quan tâm chế độ cho người dân bị thu hồi đất nhưng vẫn bị phản ứng, xung đột, mâu thuẫn.

“Ngôi nhà với người dân bị thu hồi không chỉ là không gian sinh hoạt, sinh kế mà còn gắn với làng xóm, tập quán sinh hoạt… Vào khu tái định cư cuộc sống đảo lộn, hàng xóm mới, nghề nghiệp mới, rất khó”, ông Hoan nói.

Bộ trưởng Hoan cho biết, khi các nhà đầu tư nước ngoài vào làm dự án sẽ khảo sát xã hội học, tâm lý học, dân tộc học… rất kỹ. Ngoài ra, họ còn điều tra về tình trạng việc làm, lứa tuổi, sức khỏe, học vấn… của từng người dân để có phương án hỗ trợ hiệu quả. “Khâu này mới là khâu quyết định chứ không phải chỉ đơn giá quyết định. Đầu xuôi đuôi mới lọt”, ông nói.

Trao đổi sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho rằng cuộc sống người dân bằng hoặc tốt hơn sau khi thu hồi đất phải hiểu là tốt hơn về cả về sinh kế, học tập, sản xuất, cộng đồng văn hóa… chứ không chỉ tốt hơn về hạ tầng kỹ thuật. Vì vậy, dự thảo luật đã cố gắng phân cấp cho địa phương để quyết định cho phù hợp.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.