Thủ tướng: Thủ tục hành chính về đất đai nhiều quá, làm mất thời gian và mất luôn cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ trăn trở khi thủ tục hành chính về đất đai quá nhiều. “Làm sao giảm được thủ tục hành chính, giảm những chi phí không cần thiết, làm mất thời gian và mất luôn cơ hội của người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng nói.

Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Sáng 9/6, tham gia góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại tổ Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các đại biểu qua thực tiễn công tác, đóng góp ý kiến để giải phóng nguồn lực đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước người dân và nhà đầu tư.

“Có hơn 12 triệu nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, chứng tỏ nhân dân rất quan tâm, rất nhiều việc ta cần giải quyết”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng: Thủ tục hành chính về đất đai nhiều quá, làm mất thời gian và mất luôn cơ hội ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Như Ý

Nếu ý kiến vào những vấn đề trọng tâm, Thủ tướng mong muốn rà soát lại việc phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực đất đai. “Ví dụ quy định 10 ha lúa, 20 ha rừng trở lên mà phải trình lên đến Thủ tướng, qua quy trình nhiều bước thì mất rất nhiều thời gian, làm lãng phí nguồn lực và cơ hội”, Thủ tướng nói.

Ông đồng thời nhấn mạnh, phân cấp phân quyền phải được quy định trong Luật thì Chính phủ, Thủ tướng mới làm được. Thực tiễn, Thủ tướng cho biết, các tỉnh, thành phố đề xuất cơ chế đặc thù đều đề xuất việc phân cấp, cho thấy vướng mắc từ thực tiễn, chứ không phải cơ chế ưu đãi.

“Đề nghị đại biểu ủng hộ phân cấp, phân quyền, tất nhiên đến mức độ nào phù hợp với trình độ quản lý ở mỗi cấp", Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng: Thủ tục hành chính về đất đai nhiều quá, làm mất thời gian và mất luôn cơ hội ảnh 2

Thủ tướng tham gia góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Như Ý

Giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí không cần thiết

Vấn đề thứ hai Thủ tướng bày tỏ trăn trở là thủ tục hành chính về đất đai quá nhiều. "Làm sao giảm thủ tục hành chính, giảm những chi phí không cần thiết, làm mất thời gian và mất luôn cơ hội của người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng nói.

Gợi mở hướng giải quyết, người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quản lý đất đai.

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Theo Thủ tướng, đây là vấn đề cần quy định rõ thẩm quyền, phân cấp, phân quyền và giảm thủ tục hành chính. “Đất đai là hằng số không thể sinh ra, phải sử dụng khai thác sao cho hiệu quả, gồm cả không gian trên trời, mặt đất và không gian ngầm, rồi liên quan cả không gian biển như vấn đề lấn biển, lấp biển thế nào để vừa giữ môi trường, vừa đảm bảo sự phát triển của đất nước”, Thủ tướng gợi mở.

Đối với việc thu hồi đất và tái định cư, Thủ tướng cho biết, người dân và cử tri quan tâm rất nhiều. Quan điểm của Đảng về vấn đề này cũng rất rõ, tức là khi thu hồi đất thực hiện tái định cư thì phải đảm bảo cho người dân bằng hoặc hơn nơi ở cũ. “Bằng hoặc hơn thế nào, nhờ đại biểu Quốc hội cụ thể hóa ra”, Thủ tướng nói.

Liên quan đến vấn đề định giá đất, Thủ tướng cho rằng, đây là vấn đề khó. “Thị trường thì luôn lên xuống, mình tuân thủ thị trường thì có can thiệp gì khi cần thiết không? Phải cân đối chỗ này. Cần có công cụ của Nhà nước vừa để thị trường phát triển lành mạnh nhưng không tạo nên xáo trộn, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi phải nhường đất triển khai các dự án. Cái này rất khó, không lượng hóa được sẽ dễ dẫn đến không bám sát thực tế và tùy tiện, dẫn đến cái sai”, Thủ tướng nói.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.