> Việt Nam 16 năm tổ chức 7 đại hội thể thao 'nghìn tỷ'
> ASIAD 18: Việt Nam với 'dấu ấn vĩ đại'
Ông Vương Bích Thắng. |
Chiều qua, UBND TP Hà Nội đã có buổi làm việc với Bộ VH-TT&DL về việc chuẩn bị cho ASIAD và quản lý VH-TT&DL. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Thắng cho hay: Để chuẩn bị cho Đại hội thể thao châu Á (ASIAD 18), hiện nay, chúng tôi đã xin ý kiến 12 bộ và UBND TP Hà Nội.
Trong tuần này, Tổng cục sẽ tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành về đề án tổ chức ASIAD và từ nay đến ngày 15/8 sẽ trình Thủ tướng phê duyệt.
Thưa ông, hiện nay cơ sở vật chất đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm cho ASIAD 18?
Về cơ sở vật chất, chúng ta đáp ứng được khoảng 80% yêu cầu. Tất nhiên còn một số hạng mục rất lớn như Làng vận động viên, hiện nay Hà Nội đã bố trí quỹ đất để xây dựng. Ngoài ra, một số công trình gắn liền với các môn thể thao mà Việt Nam chưa có nhưng lại là yêu cầu bắt buộc phải tổ chức tại ASIAD thì cũng phải xây dựng. Làng vận động viên dự kiến sẽ xây dựng tại huyện Gia Lâm.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề nghị Bộ VH-TT&DL cần rà soát, tính toán kỹ lại toàn bộ các cơ sở vật chất phục vụ cho ASIAD 18 để từ đó có cơ sở tiến hành phân loại, nâng cấp, sửa chữa và đầu tư mới. |
Khi mới tiếp nhận quyền đăng cai ASIAD, đã có ý kiến cho rằng số tiền phải bỏ ra để chuẩn bị và tổ chức cho sự kiện này sẽ lên tới hơn 3.000 tỷ đồng. Vậy đến nay số tiền cụ thể là bao nhiêu?
Con số hơn 3.000 tỷ đồng là số tiền mà chúng tôi dự tính có tính chất khái toán từ ngân sách trung ương cấp ra. Ngoài ra còn phải huy động thêm các nguồn kinh phí từ xã hội, các địa phương và đầu tư nước ngoài (sân đua xe đạp lòng chảo)...với số tiền gấp đến 4 lần mà nhà nước bỏ ra.
Như vậy tổng số tiền mà phải chi ra cho ASIAD sẽ có thể lên tới 15 đến 16 ngàn tỷ đồng, thưa ông?
Nếu kể tất cả các nguồn thì nó phải như vậy.
Nhiều nhà thi đấu, sân vận động cấp huyện, thậm chí cấp thành phố hiện hiệu quả khai thác chưa cao. Vậy với hàng loạt công trình đầu tư cho ASIAD 18, ông đã nghĩ đến việc khai thác, sử dụng sau này chưa?
Tôi cho rằng việc xây dựng những trung tâm TDTT, sân vận động cấp huyện là cần thiết. Với mục tiêu của Hà Nội là 28% dân số tập luyện TDTT hằng ngày , tức là tương đương 2 triệu người tập luyện thường xuyên thì có một số công trình như vậy cũng mới chỉ đáp ứng được một phần. Còn việc khai thác sử dụng sao cho hiệu quả thì cũng cần phải chỉ đạo để làm sao khai thác, sử dụng hiệu quả hơn. Chúng ta có thể kết hợp giữa ngành văn hoá, thể thao và du lịch với ngành giáo dục để mở cửa các công trình đó phục vụ cho công tác giáo dục thể chất. Tôi cũng sẽ kiến nghị với thành phố Hà Nội về việc này. Với các công trình xây dựng cho ASIAD tôi nghĩ sau này sẽ sử dụng hiệu quả phục vụ cho nhu cầu tập luyện, thi đấu, giải trí cho nhân dân.
Về cơ chế khai thác, Nghị định 43 của Chính phủ đã có quy định, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở công lập. Triển khai cụ thể là trách nhiệm của UBND các quận, huyện.
Minh Tuấn
Thực hiện