Cần 1.400 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo 113 di tích văn hoá - lịch sử tại TPHCM

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hiện nay có 113 di tích trên địa bàn TPHCM cần phải tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí khoảng 1.400 tỷ đồng.

Ngày 30/7, đại diện Sở Văn hoá - Thể thao TPHCM cho biết, đơn vị đang phối hợp với UBND các quận huyện, thành phố Thủ Đức tổ chức khảo sát các di tích và ban hành kế hoạch về tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021 – 2025, có 113 di tích cần tu bổ, tôn tạo.

Theo đó, trong thời gian vừa qua, thành phố đã phê duyệt và bố trí vốn 328 tỷ đồng cho các dự án đang triển khai thi công. Dự kiến, thành phố sẽ bố trí thêm khoảng 1.054 tỷ đồng cho các dự án đang lập nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025.

Qua khảo sát, TPHCM hiện có 233 tài nguyên văn hóa cùng 185 di tích văn hóa lịch sử và kiến trúc nghệ thuật có thể khai thác phục vụ du lịch. Trong đó, có 15 di tích quan trọng đã trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến thăm thường xuyên như Dinh Thống Nhất, Địa đạo Củ Chi, Căn cứ Chiến khu Rừng Sác, trụ sở UBND Thành phố, Bưu điện Thành phố, Nhà hát Thành phố, Nhà thờ Đức Bà, Lăng Ông Bà Chiểu...

Cần 1.400 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo 113 di tích văn hoá - lịch sử tại TPHCM ảnh 1

Du khách tới thăm Địa đạo Củ Chi - di tích lịch sử đã được xếp hạng Quốc gia.

Tuy nhiên, công tác trùng tu tôn tạo di tích trên địa bàn TPHCM hiện đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều di tích bị xâm hại do quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh, sự thay đổi về mật độ dân cư...dẫn đến việc thi công các di tích, nhất là những di tích khảo cổ đã bị phụ thuộc nhiều vào công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, thành phố hiện đang thiếu các chuyên gia nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, kỹ thuật… cùng nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu thợ lành nghề có thể làm chủ được những công nghệ, kỹ thuật chuyên sâu về tu bổ di tích…

Cần 1.400 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo 113 di tích văn hoá - lịch sử tại TPHCM ảnh 2

Di tích khảo cổ Lò gốm Hưng Lợi hiện đang bị xâm hại đang cần bố trí kinh phí tôn tạo.

Trước những khó khăn nói trên, Sở Văn hoá - Thể thao TPHCM đã có kế hoạch đề xuất thành phố tăng đầu tư ngân sách, cũng như đẩy mạnh công tác xã hội hóa để hoạt động bảo tồn di tích hoạt động hiệu quả hơn.

Sở sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng rà soát, tham mưu cho chính quyền thành phố xây dựng danh mục dự án, công trình văn hóa của thành phố dự kiến kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) nhằm tiếp tục phát huy nguồn lực xã hội trong công tác đầu tư, tu bổ các di tích.

MỚI - NÓNG