Cái “tế bào” ấy bây giờ ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Gia đình là tế bào cấu thành nên xã hội. Nhưng có ai bao giờ tự hỏi cái “tế bào” ấy ngày xưa và bây giờ khác nhau như thế nào không? Sự vận hành của nó ngày nay có khác và giống gì khi xưa? Sao người ta cứ nói đến “ngày xưa thế này, ngày xưa thế kia…” nhiều đến thế?

Từ lúc nào bữa cơm gia đình cũng giống bữa ăn nhanh trên phố?

Sự khác biệt lớn nhất giữa gia đình khi xưa và gia đình ngày nay là sự chia rẽ trong sinh hoạt hàng ngày, nhìn rõ nhất qua hai bữa ăn chính sáng và tối. Đây là thời điểm các thành viên trong gia đình tham gia đông đủ nhất.

Cái “tế bào” ấy bây giờ ra sao? ảnh 1

Vào bữa sáng, như xưa mọi người dậy nấu nồi cơm, luộc nồi ngô khoai sắn để tất cả cùng ăn, rồi người ra đồng đi làm, người đi học. Nay thì khác, cái văn hóa ăn sáng ấy không còn nữa, chỉ cần đi vài ba bước ra khỏi nhà đã là hàng quán ê hề, muốn xôi có xôi, muốn phở có phở, tội gì phải nấu nướng lỉnh kỉnh cho mệt. Ăn thì cũng người trước người sau do đặc thù công việc từng cơ quan, người làm bảy giờ, người làm tám giờ, người làm online vừa ăn vừa làm nên bữa sáng thường nhanh nhanh chóng chóng cho xong rồi ai vào việc nấy. Nhiều khi cũng chẳng kịp nói với nhau lời gì, chưa kịp chào nhau đã nghe tiếng đóng cửa.

Đến buổi tối, đáng ra như xưa là buổi mọi người tụ tập nhau lại để cùng ăn cơm, nói chuyện về một ngày của mình thế nào, chia sẻ những khó khăn khúc mắc để tất cả cùng tìm hướng giải quyết tốt nhất, đưa ra lời khuyên bảo. Nay thì khác, buổi tối chồng còn phải đi uống bia sau giờ tan làm với đồng nghiệp, vợ tranh thủ đi mua sắm làm tóc với đứa bạn thân, con được xe ôm công nghệ đưa đến địa điểm học thêm nào đó khuya muộn mới về. Buổi tối có khi thành viên trong gia đình cũng chỉ loáng thoáng thấy mặt nhau rồi đã lên giường đi ngủ. Một ngày kết thúc nhiều khi người thân thiết chẳng nói được với nhau quá năm câu.

Cái “tế bào” ấy bây giờ ra sao? ảnh 2

Vậy nên chẳng khó hiểu khi người trong cùng một nhà mà có khi cả tuần cả tháng chẳng ăn được với nhau bữa cơm trọn vẹn đầy đủ đúng nghĩa. Mà giả dụ có ăn cùng nhau đi nữa thì người vừa ăn vừa lướt điện thoại, vào Facebook, Zalo, Tik-tok, người xem ti vi, ipad, mỗi người theo đuổi một ý hướng, suy nghĩ riêng của mình chẳng còn ai chú ý đến ai. Người ăn xong trước đứng dậy trước, rời rạc, rệu rã. Bữa cơm gia đình lúc này cũng như một bữa ăn nhanh trên phố vậy thôi. Người thân bỗng thành người xa lạ, cảm giác như ai cũng tự xây lên vách kính xung quanh, không chia sẻ với nhau điều gì. Đến cả sự chuẩn bị cho bữa cơm ngày nay cũng không còn rôm rả, rộn ràng như xưa, khi người nhặt rau người thái thịt, người vần cơm tranh thủ vùi vào bếp củ khoai củ sắn để ăn cơm xong nhâm nhi cùng ngụm nước chè nước vối. Bữa cơm thời hiện đại vì thế mang sắc màu nhanh chóng, tiện gọn để sau đấy mỗi người lại trở về thế giới riêng của mình.

Còn đâu những gia đình tứ đại đồng đường

Ngẫm ra bữa cơm gia đình ngày nay khác biệt hoàn toàn với bữa cơm gia đình ngày xưa phần lớn là do quy mô gia đình. Xưa không khó để gặp một gia đình tứ đại đồng đường gồm: cụ - ông bà - bố mẹ - con cháu cùng chung sống dưới một mái nhà. Người trẻ đi đâu đều hỏi người già, bữa ăn thành nghi lễ gặp gỡ chứ không đơn thuần là hành vi duy trì sự sống. Việc thoát ly gia đình để lập tổ ấm riêng là rất hiếm. Con cái lớn lên dựng vợ gả chồng vẫn cố gắng ở bên bố mẹ để chăm sóc lúc tuổi già đau yếu.

Ngày nay thì khác, mỗi cặp vợ chồng khi kết hôn đều cố gắng tìm cho mình một tổ ấm riêng. Hầu như ít cặp đôi muốn sống với bố mẹ, chứ chưa nói đến ông bà. Lí lẽ được đưa ra là do khác biệt thế hệ, chênh lệch về nề nếp sinh hoạt, thuận tiện cho công việc. Nhưng ẩn sâu trong sự “ra riêng” này là khao khát tự do, muốn độc lập tài chính đến sinh hoạt hàng ngày, thoát khỏi các áp chế ràng buộc từ phía người lớn tuổi. Thêm nữa, người phụ nữ ngày nay mang tư tưởng bình đẳng nên khó lòng sống chung hài hòa với gia đình nhà chồng.

Nhìn từ quy mô đến cách vận hành thì gia đình ngày xưa vận hành theo hình tam giác, đỉnh tam giác là người lớn tuổi nhất trong gia đình. Sự vận hành của mọi thành viên đều hướng về cái đỉnh tam giác ấy. Người già trong gia đình dạy người trẻ những điều từ sơ đẳng như đi đứng, nói năng đến những điều lớn lao hơn như trung quân ái quốc, yêu tổ quốc, yêu đồng bào. Nhìn vào một đứa trẻ của gia đình cụ thể người ta có thể đánh giá được nề nếp của gia đình nó đang sống tốt xấu thế nào. Việc giáo dục xưa cũng như nay đến từ hai phía nhà trường và gia đình. Có khác chăng khi xưa quyền năng giáo dục của gia đình nhiều hơn, bố mẹ bận đi làm thì đã có ông bà, trên nữa có cụ, họ hàng xa gần để ý quan tâm. Đứa bé không khi nào ra được khỏi “con mắt” của người thân. Giờ đây chỉ hai thế hệ, vợ chồng bình đẳng, bố mẹ đi làm để con toàn quyền cho nhà trường thầy cô, xe ôm đưa đón. Đứa trẻ lớn lên thiếu thốn tình cảm, tự kỉ, tăng động, quậy phá, có xu hướng lệch lạc về giới tính… sâu xa cũng bắt nguồn từ sự thiếu gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.

Cũng có người bảo ngày xưa cách rách, từ ăn uống đến vui chơi giải trí, quan hệ họ hàng làng xóm. Giờ cần lên mạng đặt đồ ăn hai mươi phút có ship đến, ăn xong vất hộp chẳng phải rửa chén bát, nồi xoong. Làng xóm cũng không cần, nhà ai biết nhà người đấy, đèn nhà ai nhà nấy rạng, chẳng cần tối lửa tắt đèn có nhau làm gì thêm bận. Nhớ bố mẹ ở quê thì có thể gọi video về rõ hình rõ tiếng. Nhưng… có những khoảng lặng không phải lúc nào cũng có thể nói và nhìn qua điện thoại.

Chỉ có yêu thương mới là chìa khóa gắn kết gia đình

Sự chênh lệch các thế hệ trong gia đình ngày nay lớn hơn trong gia đình ngày xưa. Dù đã sống tách ra, các cặp đôi lấy nhau đều cố gắng ra ở riêng, nhưng sự chênh lệch này cứ có điều kiện là lại bùng lên.

Xưa, mọi người trong cùng gia đình thường cố gắng ẩn cái “tôi” của mình xuống, lấy chữ “đạo hiếu” để đối xử với nhau. Nay, vì môi trường xã hội tự do hiện đại, cái tôi cá nhân được khuếch trương, ủng hộ, nên tạo sự vênh giữa các thế hệ với nhau. Nhiều khi chỉ một món ăn thân thuộc như món gà cũng mỗi thế hệ mỗi khác. Các cháu thì thích ăn gà rán. Bố mẹ thích ăn gà luộc chấm muối chanh cho đúng vị. Còn ông bà thích ăn gà kho gừng, kho kĩ cho xương mềm đi ăn với cơm trắng. Mỗi người mỗi ý, để dung hòa được vài ba thế hệ mọi người cần lòng bao dung, sự thấu hiểu, và nhất là bớt đi cái tôi của mình xuống những giờ phút ở gần nhau.

Sự khác biệt giữa văn hóa gia đình xưa và nay là điều không thể tránh khỏi. Xã hội vận động phát triển thay đổi thì từng tế bào trong nó là gia đình cũng thay đổi. Bỏ gì, giữ gì là câu hỏi mà từng gia đình phải tìm cách trả lời. Song, dù có trả lời thế nào đi chăng nữa cái đặt lên hàng đầu vẫn phải là chữ hiếu, sự thấu hiểu, cùng yêu thương. Chỉ có yêu thương được người thân trong gia đình thì ta mới có thể yêu thương được mọi người ngoài xã hội. Chỉ có chia sẻ việc thường ngày với ông bà, cha mẹ, ta mới có thể chia sẻ được với người ngoài. Chỉ có lắng nghe từ người thân ta mới có thể lắng nghe người xa lạ…

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".