Cải cách thể chế để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Cải cách thể chế để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
TPO - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cải cách thể chế không chỉ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn giúp phòng chống tiêu cực, tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân vào bộ máy Nhà nước.

Ngày 28/8, phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng những kết quả kinh tế- xã hội đạt được trong 8 tháng qua cho thấy có cơ sở để tin tưởng việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 đã đề ra; đồng thời yêu cầu trong 4 tháng còn lại của năm 2014, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiên định mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu chủ yếu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết 01 của Chính phủ.

“Nếu nỗ lực, quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp thì mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 5,8% là khả thi”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội năm 2014, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu nền kinh tế, hoàn thiện thể chế chính sách; các nhóm giải pháp trong lĩnh vực xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh; tăng cường công tác đối ngoại…

Tạo đà phát triển ở mức cao hơn, bền vững hơn trong năm 2015. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thực hiện các giải pháp tăng tổng cầu cho nền kinh tế, trước hết là tăng dư nợ tín dụng cho vay và tăng giải ngân đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng thương mại và tái cơ cấu nông nghiệp.

Triển khai thực hiện hiệu quả Luật Đầu tư công, phân bổ vốn theo kế hoạch đầu tư trung hạn, khắc phục tình trạng sử dụng vốn dàn trải, kém hiệu quả chống thất thoát, lãng phí. Khẩn trương, quyết liệt tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước theo hướng đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành gắn với nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất, hiệu quả, khả năng cạnh tranh.

Thực hiện quyết liệt, hiệu quả tái cơ cấu ngân hàng thương mại gắn với giải quyết nợ xấu, nhất là đối với các ngân hàng thương mại yếu kém.. Tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách theo hướng tạo sự thông thoáng, thuận lợi theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, trong đó đột phá vào cải cách thủ tục hành chính.

“Cải cách thể chế không chỉ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn giúp phòng chống tiêu cực, tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân vào bộ máy Nhà nước”. Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương chủ động chỉ đạo thực hiện rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính của từng lĩnh vực, địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tập trung nghiên cứu, rà soát, khẩn trương thực hiện hoặc đề xuất sửa đổi, loại bỏ các văn bản, quy định bất hợp lý, tạo vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng kết, đánh giá và đề xuất loại bỏ các quy hoạch không còn phù hợp, gây tốn kém xã hội, phát sinh tiêu cực, cản trở thị trường, cản trở phát triển.

“Tôi đồng ý quản lý nhà nước là phải bằng pháp luật, bằng chiến lược, quy hoạch nhưng thực tế chúng ta có quá nhiều quy hoạch không phù hợp và không cần thiết. Trong điều kiện kinh tế thị trường, chúng ta hoặc phải hạn chế và giảm bớt quy hoạch, hoặc cần phải có quy hoạch thì phải theo thị trường”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Thủ tướng định hướng mục tiêu tổng quát là tiếp tục bảo đảm ổn định vĩ mô; tăng trưởng phải cao hơn gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện các đột phá chiến lược; bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại.

Theo đó, năm 2015 phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,2%; lạm phát tương đương năm 2014 (khoảng 5%); tăng thu ngân sách khoảng 11%; bội chi ngân sách nhà nước khoảng 5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7 – 2%...

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.