Cải cách thể chế: VN chạy chậm khi các nước tiến nhanh

Cải cách thể chế: VN chạy chậm khi các nước tiến nhanh
Môi trường pháp quy như một "bể bơi" phức hợp. Để tạo ra một "bể bơi" sạch cho các doanh nghiệp, Nhà nước phải làm sạch nước trong bể bơi; lọc sạch nước mới bổ sung; bảo trì cơ sở hạ tầng của bể và bảo đảm có người chịu trách nhiệm để giữ "bể bơi" luôn sạch.

>> 'Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu'

Cải cách thể chế: VN chạy chậm khi các nước tiến nhanh ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Thuận (giữa) và các chuyên gia luật pháp chia sẻ quan điểm về cải cách thể chế và đơn giản hóa thủ tục hành chính ngày 17/9. Ảnh: VietnamNet

TS Scott Jacobs, chuyên gia tư vấn Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) nói tại cuộc tọa đàm "CCHC trong môi trường cạnh tranh toàn cầu" tại HN do UB Pháp luật của QH tổ chức, vào thời điểm dự án Luật Thủ tục hành chính sắp được đưa ra thẩm tra.

Xếp hạng năng lực thể chế của VN giảm mạnh trên biểu đồ thế giới

Hai nhân tố đảm bảo cải cách thể chế là đội ngũ cán bộ thực sự của dân và hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Cả hai nhân tố đó đều chưa đạt yêu cầu như dân muốn.

Cán bộ vẫn còn nhận thức đứng trên dân, còn tư tưởng "làm quan", "quan là cha mẹ của dân". Cơ quan nhà nước còn giữ đặc quyền đặc lợi, ban ơn cho dân... không đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, ông Nguyễn Văn Thuận nói.

Theo các chuyên gia luật pháp, trong xã hội thông tin ngày nay, luật pháp không phải là câu chuyện của riêng nhà cầm quyền, của riêng cơ quan công quyền. Các nhà lập pháp cần xây dựng mối quan hệ đối tác với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân.

Việt Nam đang thay đổi nhanh trên tất cả các lĩnh vực. Pháp luật cũng phải thay đổi theo, bắt kịp với đòi hỏi của cuộc sống.

Tuy nhiên, trên thực tế, ở tất cả các quốc gia, luật pháp thường bị thụt lùi quá xa so với yêu cầu cuộc sống. Ngày nay, trong quan hệ với xã hội dân sự, pháp luật không chỉ phải được chuyển từ kiểm soát, ra lệnh theo hàng dọc từ trên xuống mà cần xây dựng mối quan hệ tương tác ngang dưới dạng đối tác. TS Scott Jacobs, chuyên gia tư vấn Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) nói.

Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm UB Pháp luật, VP Quốc hội, trong bối cảnh hội nhập ngày nay, Việt Nam không chỉ "chơi" trong sân của chính mình, làm những việc Việt Nam muốn mà còn phải làm những việc thế giới muốn.

Sẽ không thể tạo ra một mô hình lí tưởng, điều chỉnh tất cả các lĩnh vực mà pháp luật phải giải quyết từng vấn đề cụ thể. Những đạo luật cụ thể được xây dựng đáp ứng yêu cầu cụ thể của quốc gia. Các nhà lập pháp cần làm việc trong một nhóm phức hợp trong mối quan hệ đối tác với xã hội, với các chuyên gia.

Muốn vậy, cần tăng cường cơ chế tiếp cận thông tin, cơ chế tham vấn, đưa ý kiến của người dân, DN, các tổ chức xã hội vào luật pháp. Điều này làm thay đổi hành vi ứng xử của các quốc gia.

Theo ông Scott Jacobs, Việt Nam có nhiều nỗ lực cải cách, cải thiện luật pháp nhưng các quốc gia khác còn tiến nhanh hơn. Vì thế, xếp hạng năng lực thể chế của Việt Nam vẫn giảm mạnh trong biểu đồ thế giới.

"Đi chậm, chạy chậm chưa đủ, Việt Nam phải tăng tốc để theo kịp và cố gắng vượt các nước trong hoàn thiện thể chế".

Cải cách thể chế: Quy trình làm sạch bể bơi

Ông Scott Jacobs, cho rằng: môi trường pháp quy như một bể bơi phức hợp. Để tạo ra một bể bơi sạch và lành mạnh cho các doanh nghiệp, Nhà nước phải: làm sạch nước trong bể bơi; lọc sạch nước mới bổ sung; bảo trì cơ sở hạ tầng của bể và bảo đảm có người chịu trách nhiệm về việc giữ cho bể bơi luôn sạch.

Trong lĩnh vực luật pháp, số các văn bản pháp luật hiện có như nước trong bể bơi. Trên thực tế, những quy định đó đã là của ngày hôm qua, có những điều không còn tương thích với ngày hôm nay và trong 10 năm tới, càng khó đáp ứng. Do đó, cần một chương trình cải cách rộng lớn, tiến hành rà soát, cắt bỏ thủ tục hành chính, quy định pháp luật không còn phù hợp. Đó chính là bước làm sạch nước bể.

Nước đã làm trong rồi, thì cần đảm bảo nước bổ sung cũng sạch sẽ để không làm nhiễm bẩn. Giống như trường hợp đơn giản hóa thủ tục, thực hiện một cửa và không để xuất hiện giấy phép con như hiện nay ở Việt Nam, dòng văn bản pháp quy được làm mới, sửa đổi cũng cần qua hệ thống sàng lọc kỹ lưỡng. Đây chính là quy trình kiểm soát chất lượng đầu vào.

Song song với quá trình lọc và kiểm soát chất lượng, đảm bảo cơ sở hạ tầng được ưu tiên. Cơ sở hạ tầng của "bể bơi" pháp lý chính là các thể chế. Cần có một đôi ngũ cán bộ có kỹ năng, làm việc hiệu quả, ở tất cả các cấp, bộ, ngành, ở việc xây dựng, triển khai luật cũng như thanh tra, giám sát.

Việc kiểm soát chất lượng của các văn bản pháp quy phải được giao cho một cơ quan thống nhất chịu trách nhiệm tối cao. Hiện nay, trách nhiệm thay đổi luật nằm ở các Bộ, ngành, địa phương khác nhau.

Trong khi đó, hội nhập bao trùm lên tất cả các mặt của đời sống. Vì thế, cũng cần có người trả lời được tất cả các vấn đề pháp lý, chịu trách nhiệm tối cao.

Cốt lõi là năng lực điều hành của cán bộ

Cải cách thể chế: VN chạy chậm khi các nước tiến nhanh ảnh 2

"Nếu giảm đi 40% thủ tục hành chính thì Việt Nam sẽ tiết kiệm được mức 2,8 - 6.5 tỷ USD/năm”, Jim Winkler, nguyên Giám đốc Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh của VN (VNCI) từng nói. Ảnh : VietnamNet

Theo ông Nguyễn Văn Thuận, để có nền hành chính tốt, hệ thống pháp luật tốt, điều Việt Nam cần nhất là có một đội ngũ cán bộ với năng lực điều hành tốt. Năng lực ấy thể hiện ở 5 điểm:

Một là, khả năng nhận biết quan hệ xã hội nào cần được điều chỉnh. Pháp luật chỉ điều chỉnh những gì xã hội cần đến, chứ không phải là những gì nhà quản lý muốn.

Hai là, khả năng đánh giá tác động xã hội đối với mỗi hành vi, mỗi văn bản pháp lý.

Ba là, khả năng tiếp cận xã hội, khả năng thông tin và tạo điều kiện cho xã hội tham gia vào chu trình thông tin, thể hiện chính kiến đối với các chủ thể quản lý. Đây chính là quá trình tham vấn xã hội rộng rãi.

Bốn là, sự sẵn sàng chấp nhận của người lãnh đạo, khả năng xử lý thông tin sau khi nắm bắt.

Theo ông Scott Jacobs, điều cơ bản sau khi tham vấn không phải là nhà lập pháp phải chấp nhận và nghe theo mọi khuyến nghị được nhận. Tuy nhiên, dù tiếp thu, điều chỉnh hay không, người tiếp nhận phải có sự phản hồi: thông tin tiếp nhận đã được xử lý ra sao, có tiếp thu hay không và lý giải rõ tại sao. Đây là cách tốt nhất để đảm bảo sự tương tác. Và sự tương tác này phải được thường xuyên, và chuyên nghiệp hóa.

Năm là, khả năng chuyển tải hành vi, chuyển tải các quy định tới xã hội và công chúng.

Ông Thuận nhấn mạnh, xây dựng thể chế, hoàn thiện pháp luật là mong muốn, là ý tưởng theo đuổi của các nhà lập pháp Việt Nam. Quyết tâm chính trị phải được thể hiện bằng hành động thực tế, thông qua sự đầu tư vào đội ngũ cán bộ và thể chế chính sách.

"Phải làm sao để 5, 10 năm nữa, chúng ta sẽ được nghe về những tiến bộ đã đạt được. Làm sao để bộ máy công quyền không phải xấu hổ với người dân, không cảm thấy mặc cảm khi nhận đồng lương từ nhân dân", ông Thuận nói.

Theo VietnamNet

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG