Marketing là cả một nghệ thuật, đặc biệt đối với mảng phim ảnh. Làm thế nào để “kể lại câu chuyện phim” mà “không được kể hết toàn bộ phim” nhằm thu hút khán giả?
Dưới đây là các chiêu “lùa gà” cực dị của hãng A24.
Tiên phong sử dụng Facebook
Spring Breakers khởi chiếu vào tháng 3/2013. Với vỏn vẹn 5 triệu USD kinh phí sản xuất, phim đã thu về 30 triệu USD phần lớn nhờ marketing thông minh qua Facebook. Ảnh: A24. |
Khi Facebook vẫn chưa trở thành một thế lực lớn như hiện tại, hãng A24 đã tận dụng đà phát triển thần tốc của mạng xã hội này để quảng bá phim của mình, nổi tiếng nhất là bức ảnh Bữa ăn cuối cùng từ phim Spring Breakers.
Đầu năm 2013, hãng A24 đăng lên trang Facebook hình ảnh chế lại từ bức tranh Bữa Ăn Cuối Cùng của danh họa Leonardo Da Vinci với James Franco tóc tết dài ngồi chính giữa cùng dàn cast đang thả dáng hai bên. Sau một tuần, bức ảnh này trở thành viral, được người dùng chia sẻ hàng loạt và đạt 174 triệu lượt xuất hiện trên Facebook, một con số kỉ lục tại thời điểm đó.
Spring Breakers được ghi nhận là phim đầu tiên sử dụng mạng xã hội làm xương sống cho chiến dịch marketing.
Đưa nhân vật ra ngoài đời thật
Ex Machina là một phim khoa học viễn tưởng được ra mắt vào năm 2015 khai thác mối quan hệ giữa con người và trí tuệ nhân tạo (AI). Thời gian trước khi phim ra mắt, ở bang Texas (Mỹ) xuất hiện một tài khoản Tinder mang tên Ava, một cô nàng xinh xắn 25 tuổi đến từ New York.
Sau khi kết nối với một số người, Ava nhắn tin qua lại và rủ tất cả vào xem trang cá nhân Instagram của mình, ở đó tiết lộ cô chỉ là AI có chức năng quảng cáo cho bộ phim sắp ra mắt Ex Machina.
Tạo tài khoản Twitter cho một chú dê
Một năm sau Ex Machina, đến lượt tác phẩm kinh dị The Witch được hãng A24 quảng bá theo cách kỳ lạ. Trước thời điểm phim ra mắt trailer, A24 đã lập tài khoản cho chú dê ác quỷ Black Phillip để đăng hàng loạt meme cợt nhả xoay quanh bộ phim, hé lộ sự điên rồ mà tác phẩm kinh dị này có thể đem lại.
Chú dê đen Black Phillip từng có thời gian hoạt động rất năng nổ trên Twitter. Mặc dù là một chú dê, Black Phillip là nhân vật được yêu thích và được khen ngợi ở khả năng diễn xuất. |
Cho khán giả trải nghiệm làm "ma"
Để giới thiệu A Ghost Story, hãng A24 đã tạo ra "A Ghost Store" - một cửa hiệu bán trải nghiệm cho những ai tò mò. Bước vào cửa hiệu này, bạn được trùm một lớp vải trắng có đục hai lỗ tròn nhỏ để hóa thân thành một con ma. Sau đó bạn được dẫn đi từ từ qua các phòng: Một phòng tương tác với các "con ma" khác cùng âm nhạc thiền định, rồi tiếp đến là căn phòng gương để tự soi chiếu bản thân.
"Cửa hiệu ma" được mở cửa trong 6 tuần tại New York, là trải nghiệm mở rộng từ thế giới trong phim A Ghost Story (2017) của đạo diễn David Lowery. Ảnh: A24. |
Những set quà hoài cổ, rùng rợn
Có lẽ đây là cách ít "dị" và cơ bản nhất trong các chiến dịch quảng bá phim. Từng bộ phim sẽ có gói quà với phong cách đặc trưng, đặc sệt gu thẩm mỹ và tinh thần của hãng A24. Nếu là phim tình cảm tuổi mới lớn, thường không có vấn đề gì tuy nhiên đối với phim kinh dị, người nhận quà (thường là KOL và nhà phê bình) chắc hẳn phải đau tim không ít lần vì sự rùng rợn của các món lưu niệm.
Set quà tặng Lady Bird (2017) với những poster, sticker, huy hiệu, bật lửa hoài cổ |
Còn đây là món quà từ đội ngũ phim Hereditary (2018) gửi đến đạo diễn Barry Jenkins. Vị đạo diễn từng thắng giải Oscar với phim Moonlight đã không giấu nổi sự phấn khích và lập tức chia sẻ lên trang cá nhân: "Xem xong Hereditary lúc nửa đêm, tôi đã rất sợ hãi và phải kiểm tra thật kỹ mọi ngóc ngách trong phòng khách sạn mới yên tâm đi ngủ được. Thức dậy sáng hôm sau tôi sợ chết khiếp khi phát hiện con búp bê này đang đứng trước cửa phòng. Không thể ngờ A24 chơi dị đến như vậy". |