Cách phòng chống viêm não mô cầu

Bệnh nhân T. đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: BS Nguyễn Trung Cấp
Bệnh nhân T. đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: BS Nguyễn Trung Cấp
TP - Những ngày nghỉ Tết Nguyên đán được dự báo có rét đậm, rét hại. Làm gì để phòng tránh viêm não mô cầu?

> Não mô cầu lan ra miền Bắc

Bệnh nhân T. đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: BS Nguyễn Trung Cấp
Bệnh nhân T. đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: BS Nguyễn Trung Cấp.
 

Bác sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, cho hay Tết Nguyên đán (thời điểm nhiều người đi lại, tập trung đông người) nếu thời tiết lạnh, thích hợp cho bệnh viêm não mô cầu phát triển.

Theo BS Cảm, vi khuẩn nhân lên nhiều ở vùng hầu họng, nên khi bệnh nhân ho, hắt hơi mầm bệnh dễ phát tán ra ngoài. Sau khi xâm nhập vào tế bào đường hô hấp trên, gây ra tình trạng viêm mũi họng, thường có ho, sốt cao, đau cơ, đau đầu, buồn nôn, có thể bị co giật, giảm trương lực cơ, biểu hiện của liệt chi, mặt, tri giác giảm. Tùy vị trí xâm nhập, độc lực của vi khuẩn cũng như sức đề kháng của cơ thể, có thể viêm mũi, họng nhẹ, nhiễm khuẩn huyết đơn thuần hoặc kịch phát gây tử vong.

Viêm não mô cầu có thể để lại những biến chứng rất nguy hiểm nếu điều trị muộn. Bệnh nhân có nguy cơ bị di chứng về thần kinh, ảnh hưởng các dây thần kinh cảm giác, gây tổn thương não, giảm thính lực, tổn thương thận và các vấn đề tâm lý. Nếu biến chứng nghiêm trọng, có khi phải cắt bỏ các chi.

Rửa tay, súc miệng

Theo BS Cảm, cách phòng tránh tốt nhất là hạn chế tiếp xúc về đường hô hấp như không nên tập trung nơi đông người, thường xuyên vệ sinh răng miệng. Khi hắt hơi hay ho cần lấy khăn che miệng, hoặc đeo khẩu trang khi bị viêm đường hô hấp. Trẻ cần được giữ ấm trong những ngày du xuân, chú ý vùng cổ, ngực, gan bàn tay, bàn chân. Cách phòng tránh đặc hiệu là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để ngừa vi khuẩn.

Đây là bệnh đã có vaccine. Vì thế, có thể tiêm phòng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Một mũi vaccine có khả năng ngừa bệnh trong vòng ba năm. Vaccine đang sử dụng tại Việt Nam là của Pháp sản xuất có giá 150.000-160.000 đồng/liều. Sau khi tiêm vaccine 7-10 ngày, nồng độ kháng thể đạt tới mức đủ để bảo vệ người được tiêm.

Còn để biết có phải mình hoặc ai đó mắc viêm màng não hay không, cần để ý các triệu chứng như sốt cao, đau gáy, co giật, nôn vọt, đau đầu dữ dội, cổ cứng, mắt nhạy cảm với ánh sáng và có thể xuất huyết chấm hồng hoặc mụn nước. Nếu có, phải đến cơ sở y tế khám và điều trị, tổ chức cách ly.

Sau khi khỏi, lưu ý rằng, dù người có miễn dịch với vi khuẩn màng não cầu đồng type huyết thanh, thời gian miễn dịch không dài. Có thể sau 2-3 năm mắc, người đó vẫn có thể tái nhiễm hoặc nhiễm một type vi khuẩn khác.

Chiều 16-1, sáu người tiếp xúc gần với bệnh nhân viêm não mô cầu đầu tiên tại miền Bắc tiếp tục được giám sát chặt dù họ vẫn khỏe mạnh. Bệnh nhân T.T.T phát bệnh sau khi từ Hà Nội về Nam Định ba ngày.

BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Hồi sức Tích cực (BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư), cho biết sau bảy ngày trong phòng cách ly, đến chiều tối qua, sức khỏe bệnh nhân T. đã hồi phục dần.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG