Bác sĩ sẽ sát trùng vùng da bên ngoài, xác định trên X-quang về đĩa đệm cần điều trị rồi dùng một kim có đường kính 1,5mm chọc vào lòng đĩa đệm, hút phần đĩa đệm bị thoát vị. Việc này có tác dụng làm giảm áp lực lên đĩa đệm khiến phần thoát vị co lại.
Vì chỉ thực hiện qua da, nên phương pháp này không ảnh hưởng tới cấu trúc độ vững của cột sống và ít xâm lấn vào các vùng mô mềm khác, bệnh nhân có thể ra viện sau 1-3 giờ điều trị.
Thoát vị đĩa đệm là một bệnh khá phổ biến, thường do quá trình lão hóa hay bị chấn thương. Đĩa đệm nằm giữa các xương của cột sống. Khi đĩa đệm nào đó bị rách hoặc đứt, những chất dạng gel bên trong nó (nhân tủy) sẽ tràn ra ngoài.
Hiện tượng này được gọi là thoát vị nhân tủy - hay thoát vị đĩa đệm. Những người ở độ tuổi từ 30 đến 50 có nguy cơ bị thoát vị cao nhất do những thành phần nước và đàn hồi bên trong nhân tủy giảm theo tuổi.
Theo TS Nguyễn Văn Thạch, Phó Giám đốc BV Việt Đức, phương pháp này chỉ định khá hạn chế, áp dụng với những trường hợp thoát vị ở giai đoạn 2-3 trong thang độ bốn giai đoạn bệnh thoát vị đĩa đệm, khi bệnh nhân dùng thuốc không hiệu quả nữa nhưng bệnh chưa quá nặng, bao xơ không bị rách.