Mark Sullivan, cựu giám đốc Cơ quan Mật vụ Mỹ (USSS), người từng chỉ huy các chiến dịch bảo vệ Tổng thống Barack Obama trong các chuyến công du ở nước ngoài cũng như các nguyên thủ quốc gia tới thăm nước Mỹ, mô tả nghề mật vụ là "cơn ác mộng" đối với bất cứ người nào, khi họ phải tìm mọi phương cách, áp dụng mọi chiến thuật để đảm bảo an toàn tối đa cho mục tiêu bảo vệ.
Theo chuyên gia Paul Szoldra của Tech Insider, lực lượng mật vụ là rào chắn cuối cùng giữa tổng thống Mỹ hoặc các yếu nhân nước ngoài với những mối đe dọa nguy hiểm xung quanh. Bởi vậy, để thực thi nhiệm vụ của mình, họ phải thường xuyên rà quét đám đông để kịp thời phát hiện ra bất cứ dấu hiệu nguy hiểm nào, đặc biệt là những đối tượng mang dao hoặc súng.
Dao và súng là những vũ khí nguy hiểm có thể được dùng cho những cuộc tấn công ám sát bất ngờ, và chúng lại dễ dàng được che giấu trong quần áo, bởi vậy, mật vụ Mỹ phải có những chiến thuật riêng để đối phó với nguồn đe dọa này.
Các chuyên gia thuộc trang phân tích tình báo Public Intelligence cho hay điều đầu tiên mà các mật vụ phải nhìn nhận được là đối tượng mà họ quan sát thuận tay phải hay tay trái, bằng các dấu hiệu như cách đeo nhẫn, đeo đồng hồ, bật lửa châm thuốc. Khi xác định được "bên thuận" của đối tượng, họ có thể xem xét kỹ hơn để nhận định xem người đó có mang vũ khí bên tay thuận hay không.
Trong trường hợp đối tượng không có dấu hiệu rõ ràng nào, mật vụ có thể "đánh cược" rằng người đó thuận tay phải, bởi thống kê cho thấy 88% số người trên thế giới thuận tay phải.
Những người mang theo vũ khí thường thỉnh thoảng chạm tay vào chúng trong vô thức hoặc cố ý để có "cảm giác an toàn" rằng khẩu súng hay con dao họ mang theo vẫn còn ở đó. Những người giắt súng ở thắt lưng thường đưa tay sờ để đảm bảo rằng khẩu súng không bị tụt hoặc di chuyển lung tung. Với con mắt nhà nghề của các mật vụ, đó là những cử chỉ rất dễ phát hiện ra.
Những dấu hiệu bất thường khác là đối tượng luôn giữ nguyên cánh tay ở một bên, hoặc tì khuỷu tay vào khẩu súng để giữ nó ở yên vị trí. "Khi đối tượng đi hoặc chạy, bạn sẽ nhận thấy đối tượng không vung tay hoặc vung tay rất ngắn, bước chân cũng không sải dài", tài liệu huấn luyện mật vụ Mỹ nhấn mạnh.
Đối tượng thường có những cử chỉ về "cảm giác an toàn" rõ nhất khi họ ngồi xuống, dựa vào tường, ra vào xe hơi, bởi đó là những lúc khẩu súng dễ tuột ra nhất. Những lúc như thế, đối tượng thường có xu hướng kéo quần lên hoặc kéo áo xuống để che giấu vũ khí của mình.
Mật vụ Mỹ khống chế một đối tượng quá khích trong cuộc vận động tranh cử của tỷ phú Donald Trump. Ảnh: ABC News
Một dấu hiệu nữa giúp mật vụ Mỹ có thể xác định kẻ tình nghi tấn công là loại trang phục mà người đó mặc. Họ sẽ phải rất cảnh giác với những người mặc quần áo rộng thùng thình, có nhiều túi, bởi chúng giúp đối tượng che giấu vũ khí. Trang phục cũng phải theo mùa, thế nên nếu phát hiện ai đó mặc áo khoác giữa mùa hè, đó là dấu hiệu đáng ngờ rất rõ ràng.
Mật vụ cải trang
Tuy nhiên, các mật vụ đeo kính đen, mặc vest luôn phải bận rộn bám theo xe của tổng thống hoặc các yếu nhân, nên không phải lúc nào cũng có thể quan sát hết mọi dấu hiệu trong đám đông. Đó là lý do họ cần những mật vụ cải trang, mặc quần áo bình thường đứng lẫn vào đám đông, sẵn sàng phát hiện và khống chế bất cứ kẻ tình nghi nào.
Ngày 19/9/2011, đoàn xe hộ tống Tổng thống Israel Shimon Peres đến gần khách sạn Carlyle ở thành phố New York, Mỹ, nơi Tổng thống Pháp Sarkozy và phu nhân đang lưu trú, và rất nhiều phóng viên người Pháp và người Mỹ đang đứng chờ dưới sảnh.
Khi chiếc xe chở ông Peres vừa trờ tới, một phóng viên ảnh đeo ba lô màu đen nhanh chóng nhảy qua hàng rào an ninh và bước nhanh tới chiếc xe. Các cảnh sát canh giữ vòng ngoài lập tức hét lên "Dừng lại, dừng lại", nhưng phóng viên này vẫn tiếp tục rảo bước, băng qua đường để tiếp cận chiếc xe.
Khi đã đến đủ gần, anh ta giơ chiếc máy ảnh lên để chụp, và vô tình để chiếc ba lô văng lên phía trước. Trong con mắt của các mật vụ Mỹ đang đi theo hộ tống Tổng thống Peres, cả hai vật dụng này đều bị coi là các vũ khí tiềm tàng mà họ cần phải đối phó.
Ngay lập tức, hai điều diễn ra gần như đồng thời: một sĩ quan tình báo của sở cảnh sát New York nhảy ra khỏi chiếc xe dẫn đầu đoàn hộ tống và rút khẩu súng lục Glock, trong khi một người đàn ông vạm vỡ mặc áo phông, quần đùi lôi khẩu SIG-Sauer P229 chuyên dụng của mật vụ Mỹ ra và hét lớn "Nằm xuống đất! Nằm xuống". Người đàn ông đô con này là một thành viên đội chống trinh sát của Cơ quan Mật vụ đang cải trang trong đám đông, và anh ta buộc phải làm lộ vỏ bọc của mình để ngăn chặn mối đe dọa tiềm tàng.
Đứng giữa hai khẩu súng, phóng viên ảnh sững sờ và sau đó nằm xuống đất theo lệnh. Anh ta bị cảnh sát còng tay, đưa tới Cơ quan Mật vụ để thẩm vấn, và sau đó bị cấm tiếp cận các đoàn xe hộ tống.
Phóng viên ảnh nằm rạp xuống đất sau khi bị mật vụ mặc thường phục rút súng khống chế. Ảnh: NYPost
Tuy nhiên, khi câu chuyện này được báo chí Mỹ đăng tải rộng rãi và ca ngợi các mật vụ như người hùng vì phản ứng mau lẹ để ngăn ngừa hiểm họa, USSS biết rằng từ nay bất cứ kẻ ám sát nào cũng biết rằng trong đám đông luôn có các mật vụ cải trang và sẽ có biện pháp để đối phó.
Câu chuyện này cũng phần nào cho thấy tầm quan trọng của việc hợp tác với các cơ quan an ninh, hành pháp địa phương để mật vụ Mỹ có thể hoàn thành được công việc của mình. Trong các chuyến công du của tổng thống Mỹ ở nước ngoài, mật vụ không thể hoàn thành công việc của mình nếu cảnh sát và các cơ quan an ninh nước sở tại không làm tốt nhiệm vụ của họ.
Ngay tại Mỹ, mật vụ cũng thường xuyên "hục hặc" với cảnh sát địa phương về những điều kiện thực thi công tác bảo vệ yếu nhân. Mật vụ thường yêu cầu tăng thêm không gian trống giữa đoàn xe hộ tống với các phương tiện tham gia giao thông khác, nhưng sở cảnh sát New York lại chỉ cho họ di chuyển trên một làn đường. Mật vụ muốn các ngã tư bị chặn đường cho tất cả đoàn xe hộ tống đi qua, trong khi cảnh sát New York chỉ dành ưu tiên này cho riêng Tổng thống Obama.
Brian Parr, đặc vụ trưởng văn phòng New York của USSS, thường nói với các cấp dưới rằng sự tôn trọng đối với cảnh sát địa phương là rất quan trọng. "Hãy biết khiêm tốn, các lực lượng địa phương đôi khi sẽ trở nên vô giá với các anh", ông nói. Có vẻ như vụ phóng viên ảnh năm 2011 là một trong những ví dụ sinh động minh chứng cho lời nói này của Parr.