Cách ăn uống cho người bệnh tiểu đường bị tăng huyết áp

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Chế độ ăn cho người bệnh tiểu đường luôn được các bác sỹ khuyến cáo bệnh nhân luôn đặc biệt chú ý. Thế nhưng người vừa bị tiểu đường, vừa bị tăng huyết áp phải ăn uống thế nào là điều không phải bệnh nhân nào cũng biết.

Bệnh tăng huyết áp rất thường gặp ở người tiểu đường.

Các bác sĩ tim mạch khuyên người bệnh tăng huyết áp kiêng ăn mặn, còn bác sĩ nội tiết khuyên người bệnh tiểu đường kiêng ngọt.

Tuy nhiên, để kiêng được như vậy người bệnh phải rất quyết tâm, vì ăn quá nhạt sẽ mất ngon, nhất là người cao tuổi.

Để khắc phục nên dùng các loại đường tổng hợp như aspartame thay cho đường glucose và đường mía. Đường này có năng lượng thấp, tạo vị ngọt và không ảnh hưởng tới sức khỏe (nên phân biệt đây không phải đường hóa học).

Kiêng mặn trong tăng huyết áp là kiêng muối tương đối chứ không phải kiêng muối tuyệt đối như trong bệnh phù thận. Chẳng hạn, lượng muối tối đa cho một người bình thường trong ngày là 6g (tương đương một muỗng cà phê muối), lượng muối này bao gồm cả muối có trong thức ăn và nước chấm, kể cả trong bánh đa, sợi mỳ thì người tăng huyết áp nên ăn nhạt hơn.

Trường hợp kiêng muối khó khăn có thể ăn mặn hơn mức cho phép ở người tăng huyết áp nhưng đồng thời phải dùng thêm thuốc lợi tiểu.

Người bệnh tiểu đường nên ăn nhiều bữa, ăn ít cơm và nên ăn thêm rau, ăn quả ít ngọt như dưa chuột, dưa hấu, ổi, thanh long, cà chua, chuối tiêu... để cảm giác không bị đói bụng và bổ sung lượng vitamin.

Ngoài chế độ ăn uống cần kiêng cẩn thận, nên duy trì việc tập luyện thể dục thể thao để đảm bảo sức khỏe. Tốt nhất hàng ngày nên đi bộ 30 - 60 phút, kiểm soát huyết áp và đường máu thường xuyên để theo sát diễn biến của bệnh, uống thuốc đủ liều và đủ lượng theo đơn, đồng thời đi khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.    

MỚI - NÓNG