Các nước nghèo đòi bồi thường khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong phát biểu tại thượng đỉnh khí hậu COP27 ở Ai Cập ngày 8/11, lãnh đạo nhiều nước nghèo chỉ trích chính phủ các công ty khai thác dầu khí và quốc gia giàu có gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu, yêu cầu những quốc gia và công ty đó phải bồi thường cho những thiệt hại mà các nền kinh tế nhỏ phải hứng chịu.
Các nước nghèo đòi bồi thường khí hậu ảnh 1

Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu COP27 đang diễn ra tại Ai Cập

Hứng chịu những trận bão biển ngày càng dữ dội và nước biển dâng cao, nhiều đảo quốc nhỏ phải kêu gọi các tập đoàn dầu khí từ bỏ một phần trong lợi nhuận khổng lồ của họ, trong khi các nước châu Phi kêu gọi phải có nguồn hỗ trợ quốc tế để thích ứng.

“Ngành công nghiệp dầu khí tiếp tục kiếm gần 3 tỷ USD mỗi ngày tiền lãi”, Thủ tướng Antigua Gaston Browne nói trong bài phát biểu đại diện cho Liên minh các đảo quốc nhỏ.

“Đã đến lúc những công ty đó phải trả thuế carbon toàn cầu từ lợi nhuận của họ để bồi thường cho những mất mát và thiệt hại. Trong khi họ kiếm lời, hành tinh đang bị thiêu đốt”, ông nói.

Tổng thống đảo quốc Vanuatu Nikenike Vurobaravu nói rằng ông muốn Toà án Công lý quốc tế giúp bảo đảm quyền của các thế hệ tương lai không bị vi phạm vì những quốc gia tụt lại về biến đổi khí hậu.

Những phát biểu này cho thấy căng thẳng trong đàm phán khí hậu quốc tế giữa nhóm nước giàu và nghèo, khi đại diện các quốc gia tham dự hội nghị của Liên Hợp Quốc trong 2 tuần ở thị trấn bãi biển Sharm el-Sheikh.

Các nước giàu có thường kêu gọi giảm phát thải mạnh mẽ nhất, nhưng cũng là những nước phát thải nhiều nhất sau hơn 1 thế kỷ theo đuổi công nghiệp hoá dựa vào nhiên liệu hoá thạch.

Việc ngành công nghiệp dầu mỏ kiếm được nhiều tỷ đô la từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine cũng khiến các chính phủ trên thế giới giận dữ, trong khi họ đang phải lo lắng trước tình trạng biến đổi khí hậu và lạm phát tăng quá cao.

Trong tháng này, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ngành công nghiệp dầu khí đang hưởng “lợi nhuận chiến tranh” và đề xuất áp thuế thất thu. Ý tưởng này khó có thể được thông qua khi Quốc hội Mỹ đang chia rẽ. Anh quốc cũng đã áp thuế thất thu lên các hãng dầu mỏ để lấy tiền bù đắp cho hoá đơn của các hộ gia đình.

Tuy nhiên, lãnh đạo một số quốc gia tham dự hội nghị bày tỏ giận dữ với chính phủ các nước giàu chứ không phải các công ty khoan dầu.

Tổng thống Senegal Macky Sall nói trước hội nghị rằng các nước đang phát triển ở châu Phi cần hỗ trợ nhiều hơn từ nhóm nước giàu có để thích ứng với tình trạng thay đổi khí hậu ngày càng tồi tệ, và sẽ cưỡng lại lời kêu gọi quay lưng với nhiên liệu hoá thạch khi các nước châu Phi đang cần phát triển kinh tế.

“Cần nói rõ, chúng tôi ủng hộ giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Nhưng các nước châu Phi chúng tôi không thể chấp nhận khi lợi ích cơ bản của mình bị phớt lờ”, ông nói.

Đặc phái viên khí hậu Trung Quốc Giải Chấn Hoa khẳng định Bắc Kinh cam kết đạt mục tiêu trung hoà carbon, tin rằng chủ nghĩa đa phương và hợp tác là chìa khoá để giải quyết biến đổi khí hậu. Trung Quốc hiện là nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính hàng đầu thế giới.

“Bất chấp môi trường bên ngoài thay đổi ra sao, bất chấp bao nhiêu thách thức chúng tôi phải đối mặt, Trung Quốc có quyết tâm mạnh mẽ sẽ đạt được tầm nhìn về trung hoà carbon”, ông Giải nói.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong bài phát biểu bằng video rằng chiến dịch quân sự của Nga đã khiến các chính phủ xao lãng khỏi những nỗ lực chống biến đổi khí hậu và làm tăng nhu cầu mua than.

“Không thể có chính sách khí hậu hiệu quả nếu không có hoà bình”, ông Zelensky nói.

Nhiều quốc gia gây ô nhiễm nhiều như Mỹ và Ấn Độ vẫn chưa phát biểu.

Tổng thống Biden sẽ đến hội nghị vào ngày 11/11, sau khi cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG