Các bước đi tiếp theo của NATO nếu Nga tấn công Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang để lực lượng ở chế độ chờ và gửi quân tiếp viện tới Đông Âu để đối phó việc Nga tăng cường hơn 100.000 quân ở biên giới Ukraine. Dưới đây là một số tình huống khó xử về các bước tiếp theo của NATO.

NATO sẽ đến giúp Ukraine tự vệ?

Về mặt quân sự, câu trả lời là không. Ukraine không phải là thành viên của NATO và liên minh này không bị ràng buộc bởi hiệp ước bảo vệ Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ không cử quân Mỹ hoặc đồng minh đến chiến đấu với Nga ở Ukraine.

Tuy nhiên, Ukraine là một đối tác thân thiết và được hứa hẹn là thành viên cuối cùng của liên minh tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2008. Hiện tại, NATO với 30 thành viên đang làm việc với Ukraine để hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của nước này.

Canada vận hành một chương trình đào tạo ở Ukraine, trong khi Đan Mạch cũng đang đẩy mạnh nỗ lực giúp quân đội Ukraine đạt tiêu chuẩn NATO. Liên minh cũng cho biết sẽ giúp Ukraine phòng thủ trước các cuộc tấn công mạng và đang cung cấp thiết bị liên lạc bảo mật cho chỉ huy quân sự.

Các bước đi tiếp theo của NATO nếu Nga tấn công Ukraine ảnh 1

Các phi công Mỹ và Anh đến Căn cứ không quân Amari của Estonia ngày 24/1. Ảnh: U.S. Air Force.

Vậy tại sao lực lượng của NATO lại sẵn sàng chờ lệnh?

Liên minh lo ngại về khả năng lan truyền từ bất kỳ cuộc xung đột nào giữa Nga và Ukraine, đặc biệt là ở khu vực Biển Đen (nơi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014) và ở Biển Baltic. Bộ Quốc phòng Mỹ đã đặt khoảng 8.500 lính Mỹ trong tình trạng báo động cao độ.

Đan Mạch đang gửi một tàu khu trục nhỏ đến Biển Baltic và 4 máy bay chiến đấu F-16 đến Lithuania. Tây Ban Nha đã cử một tàu quét mìn và một tàu khu trục nhỏ tham gia lực lượng hải quân NATO ở Địa Trung Hải và Biển Đen và đang xem xét điều máy bay chiến đấu đến Bulgaria. Trước đây, Hà Lan đã đề nghị cung cấp hai máy bay chiến đấu F-35 cho Bulgaria. Pháp có thể gửi quân đến Romania dưới sự chỉ huy của NATO.

Các bước đi tiếp theo của NATO nếu Nga tấn công Ukraine ảnh 2

Máy bay chiến đấu F-16 Falcon có tầm bay 4.220 km, dài 15 m, nặng 9,2 tấn. Ảnh: Military.

Vũ trang cho Ukraine thì sao?

Mỹ, Anh và các nước Baltic đang gửi vũ khí đến Ukraine, bao gồm tên lửa chống tăng, vũ khí nhỏ và tàu thuyền. Thổ Nhĩ Kỳ đã bán máy bay không người lái cho Ukraine mà quân đội Ukraine sử dụng ở miền đông Ukraine để chống lại lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn.

Tuy nhiên, Đức phản đối việc gửi vũ khí cho Ukraine. Thay vào đó, Berlin cam kết xây dựng một bệnh viện dã chiến hoàn chỉnh và đào tạo quân đội Ukraine để họ vận hành bệnh viện trị giá khoảng 6 triệu USD này.

Các bước đi tiếp theo của NATO nếu Nga tấn công Ukraine ảnh 3

Lính Mỹ phóng tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin trong một cuộc tập trận bắn đạn thật ở Estonia. Ảnh: Military View.

Tại sao các đồng minh không di chuyển nhanh hơn?

Trên danh nghĩa, NATO là một liên minh phòng thủ trong đó các nước thành viên thực hiện phòng thủ chung khi bị bên ngoài tấn công. Trong thực tế, NATO cũng tổ chức nhiều cuộc tấn công nhằm vào các quốc gia khác (tấn công Nam Tư năm 1999, Afghanistan năm 2001, Iraq năm 2003, Libya năm 2011...).

Nga nói rằng họ không có ý định xâm lược Ukraine. Vốn là một tổ chức quân sự và chính trị, NATO đã đề nghị tăng cường đàm phán với Mátxcơva dưới hình thức Hội đồng NATO-Nga tại Brussels để tìm ra giải pháp.

Hơn nữa, với tư cách là một liên minh gồm 30 quốc gia với các ưu tiên khác nhau, NATO phải đưa các quyết định mang tính tập thể và có thể mất thời gian để bố trí số quân cần thiết cho các nhiệm vụ chung.

Các đồng minh NATO đang thảo luận về việc có nên tăng số lượng binh lính luân chuyển qua Đông Âu hay không. Họ sẽ tập trung vào vấn đề này khi các bộ trưởng quốc phòng đồng minh gặp nhau trong một cuộc họp dự kiến ​​tại Brussels vào giữa tháng 2.

NATO có 4 nhóm chiến đấu đa quốc gia với quy mô tiểu đoàn - khoảng 4.000 binh sĩ, do Canada, Đức, Anh và Mỹ dẫn đầu ở Latvia, Lithuania, Estonia và Ba Lan. Các binh sĩ đóng vai trò báo động cho lực lượng 40.000 quân của NATO nhanh chóng đến và đưa thêm quân và vũ khí của Mỹ từ khắp Đại Tây Dương.

Phải đến tháng 6, khi các nhà lãnh đạo NATO dự một hội nghị thượng đỉnh ở Madrid, các quyết định lớn nhất mới có thể được đưa ra. Họ dự kiến thống nhất một kế hoạch tổng thể mới, được gọi là “Khái niệm chiến lược”. Đây là một trong các nỗ lực củng cố trọng tâm của NATO trong việc răn đe Nga.

Các bước đi tiếp theo của NATO nếu Nga tấn công Ukraine ảnh 4

NATO tăng cường hiện diện quân sự ở phía đông và đông nam của lãnh thổ liên minh. Ảnh: NATO.

NATO thích làm gì ở Biển Đen?

Chính phủ Bulgaria cho biết họ sẵn sàng điều động một lực lượng 1.000 người ở trong nước, dưới sự chỉ huy của Bulgaria và hợp tác chặt chẽ với NATO, có thể với một số binh sĩ từ các nước đồng minh khác. Lực lượng này có thể được hình thành vào tháng 4 hoặc tháng 5.

Liên minh phương Tây có một lực lượng bộ binh đa quốc gia lên tới 4.000 quân ở Romania. Mỹ cũng có binh sĩ đóng quân tại các căn cứ riêng biệt ở Romania và Bulgaria.

Romania có thể chứng kiến ​​sự hiện diện lớn hơn của NATO, sau khi Pháp cung cấp thêm quân. Romania đang đàm phán với Mỹ về việc tăng quân số trên đất của họ. Mặc dù đã hoạt động từ năm 2017, lực lượng đa quốc gia ở Romania vẫn chỉ là bộ binh, không có các lực lượng trên không, trên biển hoặc đặc nhiệm.

Các bước đi tiếp theo của NATO nếu Nga tấn công Ukraine ảnh 5

Một cuộc tập trận ở Romania. Ảnh: Romania Insider.

NATO được thành lập năm 1949 để ngăn chặn sự gia tăng ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản và Liên Xô lúc đó đang trên đà phát triển rất mạnh ở châu Âu. Việc thành lập NATO dẫn đến việc các nước cộng sản thành lập khối Vác-sa-va (Warszawa/Warsaw) năm 1955 để làm đối trọng trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh trong nửa cuối thế kỷ 20. Liên minh quân sự do Liên Xô thành lập này đã được giải tán năm 1991.

MỚI - NÓNG