Sáng 19/7, Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) xác nhận, đang điều trị cho 6 bệnh nhân bị ngộ độc nghi do ăn nhầm nấm độc. Sức khoẻ của các bệnh nhân đã ổn định, dự kiến ngày mai (20/7), 5/6 bệnh nhân sẽ được xuất viện.
Trước đó, khoảng 9h50 ngày 18/7, trung tâm tiếp nhận 6 bệnh nhân có biểu hiện bị ngộ độc thực phẩm như: Đau bụng, nôn ói, vã mồ hôi… Những bệnh nhân này cùng 1 nhà gồm 3 thế hệ (bố mẹ; con, cháu), cùng trú bon (buôn) Bu Bir (xã Quảng Tín, Đắk R’lấp).
Các bệnh nhân được đưa vào bệnh viện sau khi ăn nấm lạ |
Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tích cực cấp cứu, điều trị; đồng thời lập tổ điều tra ca bệnh. Qua khai thác bệnh sử, các bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sau khi ăn sáng tại nhà. Trong bữa ăn có món canh nấm. Loại nấm này được gia đình hái vào chiều 17/7, tại rẫy cách nhà 3km. Tổ điều tra đã về tận nhà các bệnh nhân lấy mẫu nấm để phục vụ công tác truy tìm nguyên nhân gây ngộ độc.
Bác sĩ thăm khám, theo dõi tình hình sức khoẻ của bệnh nhân bị ngộ độc |
Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp chẩn đoán, các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm nghi do ăn nhầm nấm có độc. Bác sĩ Đào Kim Nghiệp, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp cho biết, đây là trường hợp đầu tiên ngộ độc nghi do ăn phải nấm độc xảy ra trên địa bàn kể từ đầu năm đến nay.
Theo bác sĩ, thời điểm này trên địa bàn đang vào mùa mưa, nấm tự nhiên mọc rất nhiều. Bà con vẫn còn giữ thói quen ăn nấm mọc tự nhiên, song việc phân biệt nấm độc và không có độc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm.
Món ăn được chế biến từ nấm mà các bệnh nhân ăn |
Bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không thu hái, không chế biến và không ăn nấm mọc hoang dại, nấm lạ nghi ngờ gây ngộ độc; hoặc măng rừng và các lá cây trong rừng mà chưa rõ thì người dân không được hái lượm, chế biến để dùng làm thức ăn vì nguy cơ ngộ độc các thực phẩm này là rất cao.
Khi người dân không may ăn phải nấm độc, măng, các lá cây trong rừng... xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.