BV Bạch Mai và Việt Đức khẩn trương lập Trung tâm hồi sức tích cực quốc gia tại Hà Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ Y tế giao Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức khẩn trương triển khai kế hoạch thành lập Trung tâm hồi sức tích cực quốc gia đặt tại cơ sở 2 trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội đôn đốc củng cố Khoa Hồi sức tích cực và chuẩn bị giường bệnh hồi sức tích cực điều trị COVID-19.

Để chuẩn bị cơ sở điều trị hồi sức cho bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch khu vực phía Bắc, ngoài yêu cầu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tăng số giường hồi sức, Bộ Y tế đã giao Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thiết lập và đưa vào vận hành Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 quy mô 500 giường ở quận Hoàng Mai (TP Hà Nội).

Cùng với đó PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản hoả tốc gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội về việc đôn đốc củng cố Khoa Hồi sức tích cực và chuẩn bị giường bệnh hồi sức tích cực điều trị COVID-19.

Bộ Y tế nhận định, Việt Nam đang phải đối mặt với "làn sóng thứ tư" của dịch bệnh COVID-19 tấn công và gây hậu quả nghiêm trọng, số lượng ca bệnh COVID-19 trên cả nước tăng rất nhanh với trên 470 nghìn ca nhiễm mới.

Sự xuất hiện biến chủng Delta tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm, làm tăng ca bệnh nặng so với 3 đợt dịch trước, số ca bệnh nguy kịch và tử vong tăng cao. Hệ thống khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn chưa từng có trong lịch sử. Theo Bộ Y tế, thực tế công tác phòng chống dịch COVID-19 qua các đợt 1, 2, 3 và đợt 4 đang lây lan mạnh cho thấy nhiều bài học có giá trị sâu sắc. Khi dịch bệnh bùng phát, các tỉnh đều gặp thách thức rất lớn trong thu dung, điều trị người bệnh và cần có sự chi viện từ trung ương và sự giúp đỡ từ các tỉnh bạn.

Bài học chống dịch rút ra từ các tỉnh như Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Tháp, Bình Dương... và TP. Hồ Chí Minh đều cho thấy năng lực điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch của các địa phương còn hạn chế.

Nhiều bệnh viện có giường bệnh hồi sức tích cực nhưng không có hệ thống ô xy trung tâm, hệ thống khí nén nên không sử dụng được máy thở; thiếu camera, thiếu hệ thống theo dõi trung tâm gây khó khăn cho các bác sĩ, điều dưỡng trong việc theo dõi sát diễn biến của người bệnh COVID-19 nặng.

Khoa hồi sức tích cực của nhiều bệnh viện chưa thực hiện được các kỹ thuật hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, không xâm nhập, tim phổi nhân tạo (ECMO), lọc máu...

Hiện chỉ một số ít bệnh viện thực hiện được kỹ thuật tim phổi nhân tạo như Bệnh viện: Bạch Mai, Bệnh Nhiệt đới trung ương, Việt Đức, Chợ Rẫy, Đa khoa trung ương Huế, Đa khoa trung ương Cần Thơ... Nguyên nhân do thiếu nhân lực chuyên sâu, thiếu trang thiết bị về hồi sức tích cực, đầu tư và chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng...

Trước những khó khăn, thách thức nêu trên, để nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các bệnh viện trên toàn quốc, đáp ứng công tác thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 nặng ngày càng tăng, hệ thống khám, chữa bệnh cần khẩn trương thiết lập và đưa vào hoạt động các trung tâm hồi sức tích cực quốc gia, trung tâm hồi sức tích cực vùng.

Vì thế với tinh thần hết sức thần tốc, khẩn trương để kịp thời cứu chữa bệnh nhân COVID-19, trong một tháng qua các bệnh viện tuyến trung ương cùng lực lượng tinh nhuệ và trang thiết bị hiện đại, đồng bộ đã đưa vào hoạt động 6 Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 có quy mô lớn tại TP Hồ Chí Minh và các Trung tâm hồi sức tích cực khác tại các điểm nóng: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ.

Các Trung tâm hồi sức này đều đã có những tín hiệu tích cực khi hàng nghìn bệnh nhân đã hồi phục và chuyển nhẹ. Hiện nay, các đơn vị này đang tiếp tục chuẩn bị phương án mở rộng công suất giường của các Trung tâm trong trường hợp cần thiết, đồng thời giúp đỡ các bệnh viện ở tầng dưới đào tạo và thực hành điều trị để hạn chế số ca trở nặng, giảm áp lực cho tuyến trên.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3616/QĐ-BYT về việc phê duyệt Đề án "Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng". Trong Đề án có giao nhiệm vụ cho các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm rà soát, củng cố, đầu tư khoa hồi sức tích cực hiện có hoặc nâng cấp thành lập mới khoa hồi sức tích cực từ khoa nội, khoa cấp cứu, khoa truyền nhiễm.

Mục tiêu thành lập những Trung tâm này là nâng cao năng lực điều trị COVID-19, nhất là các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch, giảm tối đa số ca tử vong

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, thực hiện chỉ đạo khẩn của Bộ trưởng Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Thủ trưởng các đơn vị hết sức khẩn trương triển khai nhiệm vụ được phân công theo Đề án "Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng", chuẩn bị hệ thống oxy trung tâm, khí nén, khí hút, bồn chứa ô xy… và giường bệnh hồi sức tích cực.

MỚI - NÓNG
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
TPO - Chiều 19/9, đoàn thiện nguyện báo Tiền Phong cùng Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, BLĐ CLB Bóng đá Hà Nội, các cầu thủ đã trao số tiền ủng hộ 55 triệu đồng, hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tại tỉnh Phú Thọ. Đoàn cũng đã đến thăm, chia sẻ với gia đình có 2 nạn nhân tử vong trong vụ sập cầu Phong Châu vừa qua.