Bươn chải hậu COVID-19: Thắt lưng buộc bụng

Chợ chiều công nhân
Chợ chiều công nhân
TP - Làm việc gấp đôi, ba lần so với trước và chi tiêu tiết kiệm là cách những người lao động áp dụng để vượt khó.

Trong căn phòng trọ còn nguyên mùi ẩm mốc của mùng mền, quần áo bị nước mưa từ mái tôn dột, chúng tôi rảo mắt vẫn không thấy món gì có giá trị ngoài chiếc xe máy cũ làm phương tiện đi làm của gia đình chị Nguyễn Thị Bính (44 tuổi, quê Sa Đéc). Gặp chị đúng lúc chị vừa dọn hàng về tới. Rũ chiếc áo mưa ướt sũng nước, chị thở dài: “Hôm nay mưa từ sáng tới tận chiều tối, hàng nước của tôi cũng ế theo. Cả ngày bán chưa được mươi chai nước”.

Chị Bính lấy chồng ở tận Bạc Liêu, công việc khó khăn nên hai vợ chồng dắt díu nhau lên Sài Gòn kiếm sống gần cả năm nay. Chồng làm phụ hồ, vợ bán nước giải khát qua ngày. Lúc có dịch, công trình xây dựng nghỉ, chồng chị Bính mất việc hơn 2 tháng, gánh nặng kinh tế đổ hết lên vai người vợ. Trước đây, chồng lo trả tiền nhà trọ (2,2 triệu đồng/tháng), vợ bán buôn kiếm cái ăn. “Mỗi chai nước tôi kiếm lời được 1.000-2.000 đồng. Ngày kiếm được 50.000 đồng là đủ ăn rồi. Nay, xe nước cũng trở nên “quá sức” khi phải trở thành cần câu cơm cho cả gia đình. Nếu tình cảnh khó khăn kéo dài, chắc phải tìm nhà trọ xa hơn, kém hơn để có giá rẻ hơn…” - chị Bính nói.

Cầm cự

Xóm trọ công nhân trên đường 57 (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TPHCM) lúc chiều muộn những ngày đầu tháng 6. Hơn 20h, đa số công nhân đã đi làm về và lục đục chuẩn bị bữa tối.

Nói “chuẩn bị” cho sang, thực ra bữa tối của gia đình ba người nhà chị Lê Thị Đào (công nhân xưởng in lụa trong công ty PouYuen) chỉ có vài bìa đậu hũ, 2 trái cà chua. Chị Đào tính toán: “Tiền mua thức ăn tầm 20.000 đồng, chưa tính gạo, mắm, muối… Mỗi người tầm 10.000 đồng/bữa cơm. Ăn vậy là ngon rồi, có hôm hết tiền, vài trái dưa leo chấm nước tương cũng qua bữa”.

Lột vỏ trái chuối chín rục cho vào chén cơm, vừa ăn ngấu nghiến, chị Đào vừa tâm sự, chị có 2 con trai thì người con lớn thất nghiệp, con trai út cũng làm công nhân, vừa lập gia đình. Nay công ty khó khăn, lương công nhân của chị chỉ còn 7 triệu đồng/tháng. Trong đó hết phân nửa phải chi trả tiền nhà trọ, tiền gửi về quê nuôi cha mẹ già… Số còn lại để dành phòng lúc ốm đau. “Có cơm ăn no bụng là mừng rồi, đâu còn thời gian suy nghĩ chuyện ngon dở. Lần dịch bùng phát hồi giữa tháng 4, nhà không còn hột gạo, phải vay mượn hàng xóm” - chị Đào nói. Chị nói hiện đang nợ 3 tháng tiền nhà trọ. “Sắp tới mà chưa trả, không khéo bị đuổi ra đường”- chị Đào nói trong lo lắng.

Mâm cơm chiều chỉ có món cá kho mặn, nồi canh “đại dương” nấu bằng gói mì tôm, nhưng 4 thành viên gia đình anh Hồ Văn Quý (48 tuổi, quê Cần Thơ, công nhân giày da ở khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TPHCM) ăn ngon lành. “Nhà có người già, con nít đang tuổi lớn nhưng cơm canh chỉ có vậy. Tiền chợ cả nhà chưa tới 50.000 đồng/ngày, thịt heo giờ là món xa xỉ. Lúc nào ngặt quá, rang chút đậu phộng ăn qua ngày” - anh Quý bảo.

“Trong xóm trọ nhiều chị đang có bầu, vậy mà chỉ dám mua ít thịt ba chỉ về kho mặn ăn cả tuần”, chị Hương, công nhân da giày ở Q.6, TPHCM

“Thực phẩm tăng giá quá! Mới mua bó rau muống cũng hết vài chục ngàn đồng. Để tiết kiệm chi phí, chúng tôi chỉ dám cầm 50.000 đồng đi chợ để chuẩn bị cho cả ngày ăn nên bữa chỉ có cá vụn, vài miếng đậu hũ thường trực. Ăn uống thiếu thốn, thời tiết nắng nóng nên nhiều lúc cũng cảm thấy mệt. Chúng tôi cũng chẳng còn cách nào khác, nếu không chắt bóp như thế thì con cái ở quê cũng không có cái ăn, cái mặc” - chị Đặng Thị Lan (quê Thanh Hóa), công nhân tại Q. Gò Vấp nói đầy phiền muộn.

Khoảng 5 giờ chiều, công nhân từ các xí nghiệp nhựa, công ty may túa ra và tràn vào chợ cóc trên đường An Dương Vương (Q.8, TP.HCM). Ai nấy tranh thủ mua ít rau cá trước khi về xóm trọ. Khi lật xem những con cá ướp đá lạnh ngắt, cô công nhân trẻ tên Thanh (quê Cà Mau) bị chủ hàng cá xua tay: “Đừng em, nát hết bây giờ! Mua đi chị bán rẻ cho, lúc sáng 80.000 đồng/kg, giờ chỉ 50.000 đồng”. Sau một hồi hội ý với cô bạn cùng phòng, tính toán với số tiền cầm trong tay, Thanh nói nhỏ: “Chị cân cho em nửa ký thôi nhé!”. Mua thêm 3 trái bầu “sổ” với giá 10.000 đồng, Thanh và bạn nhanh chân về nhà trọ. “Hôm nay đi chợ hết 35.000 đồng nhưng phòng trọ (3 người) ăn được 3 bữa. Tiết kiệm hơn khi ăn ngoài rất nhiều” - Thanh tính toán.

Dọc các tuyến đường Hồ Học Lãm, Nguyễn Văn Luông (Q.6), bến phà Phú Định (Q.8)… các xe trái cây, rau củ, tôm cá di động bắc loa rao vang góc đường. Tất cả đều “xả, sổ” giá rẻ bèo: bầu bí, mướp 10.000 đồng/3 trái; hành lá, rau muống10.000 đồng/bó; tôm cá đồng giá 20.000 đồng/kg. Những quả vải, chôm chôm khô rang, đen quắt cũng xổ hàng 10.000 đồng/kg… Xe nào cũng tấp nập người mua. Một quầy bán gà thải đã ngả màu tai tái nhưng giá rẻ cũng được công nhân nhanh tay lựa chọn.

“Trong đó đa số rau héo, hàng dạt từ các chợ, tôm cá cũng không còn tươi nhưng được cái rẻ, hợp với túi tiền người lao động trong lúc khó khăn. Tôi cũng thường đi chợ lúc chiều tối, khi ấy đã hết hàng ngon nhưng được cái giá rẻ. Mình chịu khó sơ chế, nêm nếm thì dù thực phẩm dở cũng thành món ngon cho cả nhà. Ăn uống dè sẻn, dư ra được ít đồng mua sữa cho con” - chị Hương (công nhân da giày Q.6) tâm sự. Con trai chị Hương mới 5 tuổi và thường xuyên đau ốm.

“Công nhân còn có bảo hiểm”

Chồng thoăn thoắt nhào, cán bột rồi chuyền qua cho vợ nặn thành bánh, cho vào nồi chiên giòn rụm…Đó là công việc mỗi ngày của vợ chồng anh Nguyễn Văn Bé Hai (quê Long An). Xe bánh di động của vợ chồng anh lúc nào cũng có đủ các loại bánh quai vạc, bánh tiêu, bánh bao, giá 5.000 đồng/cái phục vụ công nhân.

Địa điểm anh Hai thường dừng để bán hàng là ở các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TPHCM. “Nơi nào có đông công nhân là mình đứng lại bán hàng ở đó. Có hôm bị dân phòng đuổi, phải vào sát các con hẻm nhỏ để bán hàng. Cực lắm nhưng không làm thì biết lấy gì ăn. Mình lao động tự do, bán được hàng ngày nào đỡ ngày đó. Bệnh đau ở nhà là treo nồi cơm” - người đàn ông 8 năm bán bánh dạo nói.

Bươn chải hậu COVID-19: Thắt lưng buộc bụng ảnh 1 Bữa cơm công nhân nhà chị Lê Thị Đào chỉ có mấy miếng đậu hũ
Dù ngày nắng hay mưa, vợ chồng anh Hai đều rong ruổi từ Long An lên Sài Gòn bán bánh, chiều tối lại kéo xe về. Hỏi anh sao không thuê nhà trọ ở Sài Gòn cho tiện? Phủi bàn tay đầy bột vào chiếc khăn, anh lắc đầu: “Tiền đâu mà thuê nổi ở đây. Cùng là lao động nhưng người làm xí nghiệp còn có lương cứng, bảo hiểm thất nghiệp, mất việc còn có trợ cấp. Còn mình rày đây mai đó đâu có thêm khoản trợ cấp nào mà dám nghĩ đến việc thuê nhà trọ ở Sài Gòn”.

Anh bảo, hôm nào “vô mánh”, kiếm được 200.000-300.000 đồng, sau khi trừ các khoản chi phí vẫn còn tầm 150.000 đồng để cả nhà chi tiêu. Có bữa “hẻo”, trời mưa không bán được hàng thì ăn bánh thay cơm.

(Đón đọc kỳ cuối trên số báo ra thứ 2 ngày 27/7)

MỚI - NÓNG