Bừng thức buôn cổ: Nhịp buôn làng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong dòng chảy nhộn nhịp của đô thị, buôn cổ người Êđê mang dáng dấp riêng. Không khói bụi, ồn ào náo nhiệt, ở đó là sự trong lành của thiên nhiên, những nhịp điệu no ấm của buôn làng hay âm thanh du dương từ nhạc cụ truyền thống. Những thanh âm ấy xuất hiện trên mảnh đất Tây Nguyên nắng gió từ bao giờ không ai biết, nhưng nó như mạch nước ngầm thấm đẫm hơi thở cuộc sống của người bản địa nơi đây.

Buôn bình yên giữa lòng thành phố

Tiếng lách cách khung cửi đưa chúng tôi đến ngôi nhà truyền thống của người Êđê bản địa. Ở đó, chị H Min Niê miệt mài dệt vải. Hơn 10 năm nay, ngoài công việc nương rẫy, chị dành thời gian bên khung cửi. Chị yêu hoa văn trên từng tấm thổ cẩm, theo mẹ học dệt từ khi còn nhỏ. Chị chịu khó, chăm chút, tỉ mỉ, các sản phẩm do mình làm ra .

Thích thú khi được trải nghiệm dệt thổ cẩm, chị Lưu Thị Phúc, du khách đến từ thủ đô Hà Nội chia sẻ, đây là lần thứ ba chị đến Đắk Lắk và cả ba lần chị đều tìm đến buôn Ako Dhông. Chị không thể cưỡng lại được vẻ đẹp yên bình, cổ kính nhưng rất hiện đại của buôn giữa lòng thành phố. Nơi đây vẫn giữ nguyên nét đẹp hoang sơ cùng những con người đôn hậu không bị biến chất bởi sự phát triển du lịch như ở một số nơi.

Bừng thức buôn cổ: Nhịp buôn làng ảnh 1

Chị H Min hướng dẫn cách dệt thổ cẩm cho các khách du lịch nhí

Gió khô bên hiên nhà gỗ giữa buôn mà cứ ngỡ ở rừng sâu. Ngoài sân tán lá rì rào mang theo cái lạnh len lỏi lùa qua. Hòa vào thanh âm ấy, chị H Min say sưa nói về thổ cẩm, nghề dệt yêu cầu người phụ nữ phải tỉ mỉ, khéo léo, mất nhiều thời gian và công sức mới cho ra một tác phẩm đẹp. Mỗi họa tiết trên từng tấm thổ cẩm sẽ có công thức riêng, đó là đếm số lượng sợi chỉ cho phù hợp, sau đó phối màu và dệt ra sản phẩm.

Ông Nhuel Niê, Trưởng Ban quản lý Du lịch cộng đồng buôn Ako Dhong cho biết, buôn Ako Dhông của người Êđê được xem là buôn làng đẹp nhất Đắk Lắk với 32 ngôi nhà dài truyền thống. Bà con giữ và bảo tồn nhiều bộ cồng chiêng, nhạc cụ, các nghề truyền thống (làm rượu cần, dệt thổ cẩm…). Trong hành trình tham quan và trải nghiệm du lịch Đắk Lắk, hầu hết du khách đều đến với buôn Ako Dhông để tìm hiểu văn hóa đặc sắc của người Êđê và vẻ đẹp nơi này.

Mẹ chị H Min tiếp lời, ngày xưa phụ nữ ở buôn ai cũng dệt. Xã hội hiện đại, thế hệ trẻ không còn mặn mà với nghề truyền thống, nhiều khung cửi của các gia đình chìm vào quên lãng. Và chính bà vẫn phải ngày hai buổi lên nương rẫy, nhưng bà luôn thấy trống trải, vì thế bà truyền nghề dệt cho chị.

Gia đình chị H Min mở một cửa hàng nhỏ tại nhà, luôn mở cửa đón du khách. “Họ thích trang phục truyền thống của người Êđê, họ thuê mặc để chụp ảnh lưu giữ kỉ niệm. Họ tò mò xem cách tôi dệt vải, và thích thú khi được “thực hành”. Tôi thấy hạnh phúc vì văn hóa dân tộc mình được du khách trân trọng và yêu thích”, chị H Min bộc bạch.

Giữa cơn gió quyện mùi hoa cỏ dại nồng, bên bếp lửa đượm hồng, bao niềm trăn trở về văn hóa bản xứ được hai mẹ con chị trải lòng, mỗi người như chung niềm tâm sự phải giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Mẹ chị giờ đã lớn tuổi, bệnh người già thường đau lưng, không thể ngồi hàng giờ dệt vải. Mấy năm nay, bà phụ chị may trang phục.

Nhiều năm qua, người dân trong buôn vẫn ý thức giữ gìn văn hóa, họ bảo tồn nhà dài, nhạc cụ dân tộc, cồng chiêng… riêng gia đình chị H Min giữ nghề dệt truyền thống. Họ tận dụng thế mạnh của mình để làm du lịch, họ giới thiệu nét văn hóa ấy đến mọi du khách trong và ngoài nước, vừa phát huy, bảo tồn vừa mang lại nguồn thu kinh tế.

Bừng thức buôn cổ: Nhịp buôn làng ảnh 2

Tượng gỗ dân gian, nét độc đáo riêng có thu hút du khách

Giữ hồn thiêng dân tộc

Quán cà phê Arul ẩn mình trong góc phố xanh tươi giữa lòng thành phố Ban Mê nhộn nhịp. Quán được bày trí theo kiểu tái hiện không gian sinh hoạt văn hóa đặc trưng của một gia đình truyền thống người Êđê. Trong ngôi nhà dài cổ, hàng trăm hiện vật như chiêng, ché, gùi, các loại nhạc cụ dân tộc được sắp xếp cẩn thận. Kpan ngồi đánh chiêng ở gian khách, không gian bếp truyền thống gồm những vật dụng sinh hoạt đời thường của đồng bào như: trái bầu khô, gùi, khung dệt thổ cẩm…

Từ ngôi nhà dài truyền thống của gia đình, chủ quán đã tạo thành một không gian độc đáo. Nhiều du khách nói, quán ấn tượng theo cách riêng, lôi cuốn mọi người đắm chìm vào không gian văn hóa xưa cũ nhưng rất hiện đại. Nhiều khách đến quán không phải để thưởng thức cà phê mà đến vì không gian mang đậm chất đặc trưng đời thường, mộc mạc, đơn sơ của dân tộc Êđê.

Ánh hoàng hôn bao trùm lên “vườn” tượng gỗ bao quanh quán. Nơi đây cất giữ những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người dân tộc Êđê. Trong đó, tượng dân gian ẩn hiện giữa trời mây là nét độc đáo riêng có, hấp dẫn du khách đến khám phá, trải nghiệm.

Sự phát triển của xã hội hiện đại, tượng gỗ không còn bó hẹp trong không gian nhà mồ mà bước ra hòa nhập vào đời sống đương đại để mọi người dễ dàng cảm nhận nét văn hóa đặc biệt của người Tây Nguyên. Những năm gần đây, nhiều nhà hàng, quán ăn…đã sử dụng tượng gỗ trang trí không gian của mình, nghệ nhân Y Thái (xã Ea Tul, TP Buôn Ma Thuột) ngồi bàn bên cạnh nói.

Ông là một trong số ít nghệ nhân trên địa bàn còn giữ nghề tạc tượng. Nhiều năm qua, nghệ nhân Y Thái là người đại diện cho tỉnh Đắk Lắk tham gia thi tạc tượng khắp các tỉnh Tây Nguyên. Ông góp phần bảo tồn nghề tạc tượng nói riêng và văn hóa của đồng bào Êđê nói chung.

Giải đáp tò mò với những bức tượng gỗ đủ sắc thái của du khách. Nghệ nhân Y Thái chia sẻ, cảm xúc ấy cho thấy sự bí ẩn, độc đáo của loại hình nghệ thuật này. Nghề tạc tượng nhà mồ đã có từ rất lâu trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên; là tác phẩm điêu khắc có tính nghệ thuật đặc sắc dùng cho lễ bỏ mả, nghi lễ quan trọng nhất trong nghi lễ vòng đời của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Khi bắt đầu cuộc sống mới ở thế giới bên kia, người chết sẽ không thể sống thanh thản và đầy đủ nếu thiếu lễ bỏ mả với tượng nhà mồ, phần của cải người sống chia cho. Đồng bào rất coi trọng, chuẩn bị cho người chết một “cuộc sống mới” chu đáo, với mong muốn người thân được hạnh phúc, no đủ. Những bức tượng bầu bạn với người đã mất. Tượng nhà mồ trừu tượng, mang dáng vẻ hoang sơ, không theo khuôn mẫu. Mỗi tác phẩm đều có một câu chuyện, thông điệp riêng mà nghệ nhân dùng cái tâm truyền hồn vào.

“Giờ đây, loại hình nghệ thuật dân gian này không chỉ có trong nhà mồ, mà bước ra hòa nhập vào đời sống đương đại. Tượng dân gian lấy ý tưởng, chất liệu từ tượng nhà mồ, nhưng nó chuẩn xác tỉ lệ, kích thước, đầy đủ chi tiết”, nghệ nhân Y Thái nói.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG