Mai này buôn cổ Ê đê…

Vật dụng cổ gác vào kho, phủ lớp bụi dày
Vật dụng cổ gác vào kho, phủ lớp bụi dày
TP - Buôn Buôr nằm bên dòng sông Sêrêpốk từng được công nhận là buôn cổ nhất của người Êđê trên Tây Nguyên với những dấu ấn văn hóa đặc trưng: nhà dài, giếng làng, bến nước hàng trăm tuổi và các nghi lễ truyền thống. Dù dự án bảo tồn buôn Buôr đã được triển khai gần chục năm trước, nhưng các dấu tích văn hóa cổ vẫn mai một từng ngày.

Lui dần vào quá khứ

Buôn Buôr xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông được ví như một trầm tích văn hóa Tây Nguyên bởi, từng có rất nhiều ngôi nhà dài, chiêng ché, bát đồng, khung dệt cổ hàng trăm tuổi và những nghi lễ truyền thống của người Êđê. Nhưng nay, những vật thể có giá trị văn hóa tại buôn Buôr đang dần bị mai một. Các hiện vật lần lượt bị bán đi, nhà dài cổ xuống cấp, giếng làng, bến nước chìm nghỉm do sông bị ngăn dòng.

Cuối tháng 7, chúng tôi đến buôn Buôr tham quan. Già làng Y Buêc Ktul dẫn chúng tôi dạo một vòng buôn cổ. Giếng cổ đầu làng được trùng tu xây cao thành, có bậc thang lên xuống hẳn hoi nhưng luôn bị ngập trong nước. Cây bông gòn trong lòng giếng chỉ còn lại đoạn gốc đã mục, nước giếng đục ngầu. Theo con đường lát đá vào giữa buôn, những ngôi nhà dài truyền thống còn sót lại đều đã cách tân bằng cầu thang bê tông, mái tôn, mái ngói. Hàng trăm ngôi nhà xi măng, sắt thép kiên cố, kiến trúc hiện đại đã thay thế nhà dài truyền thống xa xưa .

“Vài năm trở lại đây, đồng bào buôn Buôr bắt đầu bán các vật dụng cổ đặc trưng như chiêng, ché, trống cổ, nồi đồng... Thậm chí, có thương lái về tận buôn mua nhà cổ. Biết được thông tin, UBND xã đã cử cán bộ về buôn để nắm tình hình, tuyên truyền, vận động bà con giữ lại nhà dài và các hiện vật cổ. Nếu không có giải pháp hữu hiệu, cách gìn giữ tôn tạo không phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào thì buôn cổ sẽ dần biến mất!”

Ông Hùng- phó chủ tịch xã Tâm Thắng

Già Y Buêc Ktul chia sẻ : Chẳng ai biết chính xác buôn Buôr có tự bao giờ. Thế hệ chúng tôi chỉ nhớ mang máng ông bà kể lại: Mấy trăm năm trước, cụ Aya H’gân ở Hòa Xuân, nay thuộc thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã vượt sông Sêrêpốk sang bờ Nam săn bắt thú rừng. Thấy địa thế bằng phẳng, gần sông lớn, lắm suối, nguồn lợi thủy sản dưới sông phong phú, cụ ở lại khai hoang làm rẫy, mùa màng bội thu. Cụ trở về kể lại với dân làng và đưa cả dòng họ đến đây sống, hình thành buôn làng mới lấy tên buôn Buôr. Chữ Buôr tiếng Ê đê nghĩa là vùng đất cao ráo được bao bọc bởi những con sông, con suối. Từ đó, người dân buôn Buôr dựa vào nguồn nước mát lành, đất đai trù phú và các loại thủy sản trên sông mà sinh sống, phát triển cho đến ngày nay.

Xưa kia, giếng làng đầu buôn Buôr nước trong veo, mát lạnh, đủ cung cấp sinh hoạt ăn uống cho cả buôn. Bên trong giếng nước có cây bông gòn, rễ bao trùm, bám chặt lòng giếng, gốc cây nằm chính giữa miệng giếng. Theo truyền thuyết, cây bông gòn bên trong giếng này già chết thì cây khác mọc lên. Hằng năm, cả làng góp trâu, bò, heo cùng nhau tập trung trước giếng cúng Yàng (Trời) cầu bình an. Nhưng từ khi thủy điện đắp đập, ngăn sông, mặt giếng bị ngập trong nước, cây bông gòn cũng héo rũ và chết đi.

Hơn 100 năm tồn tại, buôn Buôr được bồi đắp ngày càng nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào Ê đê. Nhưng nay, không gian xưa không chỉ đang dần bị hiện đại hóa, mà những giá trị văn hóa cốt lõi cũng đứng trước nguy cơ biến mất.

Tân thời hóa buôn cổ

Nhà dài, bến nước, giếng làng và những vật dụng cổ như chiêng ché, trống, nồi đồng, kpan (ghế cổ dài hàng chục mét đẽo bằng 1 thân cổ thụ để ngồi đánh chiêng) , khung dệt cổ đều là những giá trị văn hóa cốt lõi của buôn Buôr. Bến nước là nơi tắm rửa, giặt giũ của người dân nay không ai lai vãng, bởi bến đã  bị ngập do việc ngăn đập thủy điện Hòa Phú, mực nước sông Sêrêpốk dâng cao. Phía trên bến là nơi diễn ra các lễ hội cúng tế thần linh của các bậc tiền nhân thì nay cũng đã trở thành… bãi cỏ hoang vắng.

Mai này buôn cổ Ê đê… ảnh 1

Giếng làng bỏ hoang

Trước đây, buôn Buôr có cả trăm ngôi nhà dài truyền thống, mỗi ngôi nhà dài có 3 - 4 thế hệ trong gia đình cùng chung sống. Để làm một ngôi nhà dài, chủ nhà phải mất nhiều thời gian đi rừng chặt cây gỗ tốt, dùng voi kéo về đục đẽo làm cột chính, rồi mất nhiều công đi lấy tre, nứa, cỏ tranh kết mái lợp. Nay, nhà dài đang dần bị thay thế bởi những ngôi nhà kiến trúc tân thời. Cả buôn chỉ còn 12 căn nhà cổ trên 100 năm tuổi, lâu đời nhất phải kể đến nhà của các cụ Y Ngăm, Y Săm, Y Lui, Y Buêc.  

Gia đình già Y Buêc Ktul được bố mẹ để lại cho ngôi nhà dài trăm tuổi với nguyên trạng các vật dụng như chiêng, ché lớn nhỏ, ghế chân dê, ghế kpan, trống được bọc từ da của 2 con trâu khác giới, nồi đồng… Đây cũng là một trong những ngôi nhà mà cách đây mấy năm được tỉnh đầu tư sửa chữa để bảo tồn. Vậy nhưng, đã vài năm nay, nhà dài chỉ còn lại cái xác, nhà không người ở, mái tranh mục nát, vật dụng có giá trị số thì mất dần, số còn lại đã mang đi chỗ khác cất giữ. 

Thuở nguyên sơ, căn nhà dài ngót trăm mét, lợp mái tranh mát rượi, nhiều thế hệ cùng chung sống, nay chỉ còn hơn 20m để trống không. “Cách đây không lâu, có đại gia ở Đắk Lắk hỏi mua ngôi nhà này cùng với những vật dụng, đồ dùng cổ với giá 1,6 tỷ nhưng gia đình tôi kiên quyết không bán vì đó là tài sản nhiều đời”, già Y Buêc Ktul nói.

Không riêng nhà dài của gia đình Y Buêc Ktul, hầu hết nhà dài trong buôn cũng rơi vào tình trạng xuống cấp, hư hỏng mà không có vốn trùng tu, phải tự sửa lại theo khả năng của gia đình, hỏng nơi nào sửa nơi đó. Chẳng thế mà, nhiều ngôi nhà dài truyền thống cổ lại được cách tân bậc thềm bê tông thay thang gỗ, mái tôn, ngói thế mái tranh. Không ít ngôi nhà hư hỏng nặng buộc chủ nhân của nó phải dỡ bỏ, làm luôn nhà mới không còn tí dấu vết nào của kiến trúc truyền thống Ê đê.

Bảo tồn... lơ lửng

Đầu năm 2007, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Dự án bảo tồn giá trị văn hóa buôn Buôr với số vốn trên 5 tỷ đồng. Dự án được triển khai trong 2 năm với các hạng mục như trồng lại rừng thiêng, nạo vét ao hồ, sông suối, bảo tồn nhà cổ, dạy đánh cồng chiêng và các nghề truyền thống.

Tuy nhiên, kết thúc dự án, ngoài việc mở được một số lớp dạy đánh cồng chiêng, nâng cấp bến nước, nhà văn hóa cộng đồng và khôi phục giếng cổ… thì chỉ có 2 ngôi nhà dài nằm trong kế hoạch được sửa chữa. Việc sửa chữa nhà dài không đạt mục tiêu về số lượng mà chất lượng cũng không đảm bảo. Vì vậy, hai nhà dài nằm trong hạng mục đầu tư đến nay đều đã hư hỏng nặng, các hạng mục giếng cổ, bến nước bị bỏ hoang do không được bảo vệ sau đầu tư.

Việc bảo tồn chưa gắn với lợi ích thiết thực của người dân địa phương, không đúng quy chuẩn vốn có đã dẫn đến tình trạng người dân trong buôn không còn mặn mà với việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Người dân dần bỏ nhà dài, xây nhà hiện đại ở, vật dụng truyền thống bán đi, các lễ nghi văn hóa mai một.

Mai này buôn cổ Ê đê… ảnh 2

Ngôi nhà cổ sau khi tôn tạo không có người ở

Ông Phùng Quang Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Tâm Thắng cho biết: Buôn Buôr từng được Bộ VHTT&DL đánh giá là buôn cổ nhất của người Ê đê trên Tây Nguyên bởi số lượng nhà dài cổ, các vật dụng văn hóa và nghi lễ truyền thống xếp vào hàng phong phú bậc nhất. Năm 2007, Bộ cấp kinh phí xây dựng dự án bảo tồn buôn cổ, giao Sở VHTT&DL tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư.

 Dự án bảo tồn gôm các hạng mục nhà văn hóa xã, đường, bến nước, giếng làng, 12 căn nhà dài và khôi phục nghề truyền thống. Dự án cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm truyền thống của buôn.  

Lúc dự án mới khởi công, người dân trong buôn rất ủng hộ, nhưng vốn về chậm, nhà dài không đúng chuẩn nhà cổ truyền thống nên người dân dần hết mặn mà. Trong 8 năm qua, có 2 nhà dài hơn trăm năm tuổi và 1 nhà tranh chờ vốn đầu tư bị hư hỏng buộc người dân phải tháo dỡ, những nhà dài cổ còn lại người dân tự tu sửa. Ngay cả những nhà dài đã được dự án tôn tạo nay cũng xuống cấp. 


MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.