Bún chả thượng đỉnh
Ăn bún chả xong ký vào một văn bản cho phép sử dụng hình ảnh - đó là câu chuyện của chị Nga ở số nhà 74 Lê Văn Hưu - người đã có bữa ăn bún “lịch sử” kéo dài hơn 2 tiếng, cạnh Tổng thống Mỹ hôm 23/5.
“Bún chả thượng đỉnh” là lập ngôn của báo chí nước ngoài, về câu chuyện đi kèm bức ảnh Tổng thống Mỹ ngồi thưởng thức ẩm thực bình dân ở phố nhỏ Hà Nội, sốt trên các mặt báo tuần qua. Suất bún có chả và nem trị giá 6 đô la trở nên đáng kinh ngạc, “khó tin” đối với báo chí và nhiều độc giả nước ngoài.
Bức ảnh vừa tung lên, nghe tiếng bàn luận rằng những người ngồi gần ông Obama chắc chắn là an ninh Việt Nam, mới đầu thấy có lý nhưng ngay sau đó tôi nghĩ khác. Lý lẽ của họ là, dân ta vốn tò mò tọc mạch không thể thản nhiên ngồi kế bên Tổng thống Mỹ mà không liếc xéo. Còn tôi nghĩ: Có bức ảnh nghĩa là có người chĩa ống kính vào họ- những người ngồi gần Obama. Vậy nếu là bạn, bạn có nhìn trân trối vào ông ấy không hay nên giả vờ lờ đi một chốc. Giá ngoài đường thì thoải mái nhưng lúc này trong không gian chật hẹp có ống kính tác nghiệp, bạn cũng phải “diễn” chứ.
Trong ảnh, chị Nga chính là người phụ nữ mặc váy kẻ ngang màu tím than ngồi đối diện cô con gái hơn 20 tuổi mặc áo màu cà rốt. Chị kể:
“Khoảng 6 giờ chiều hôm đó, tôi và con gái đang đi dạo thì một chị người Mỹ tiến đến mời chúng tôi vào hàng bún chả, nói rõ là ăn cùng Tổng thống Obama. Chị này chắc là vệ sĩ của Tổng thống. Tôi và con gái cùng 5 người nữa đều là hàng xóm quanh đó, đang lơ ngơ đứng vỉa hè thì được mời. Lên tầng hai, tôi thấy có 4 người Việt khác. Cùng với ông Obama và bạn, cuối cùng cả tầng hai có 13 người ngồi ăn bún”.
Những người bước vào quán thời điểm đó đều phải kiểm tra an ninh như qua hải quan. Hai phóng viên Tiền Phong bị mượn tạm máy ảnh còn chị Nga và thực khách tầng hai bị mượn điện thoại di động. Theo chị Nga, có tới 3, 4 máy quay hoạt động suốt thời gian ông Obama uống ăn trò chuyện với bạn ông. “Vừa bước vào tầng hai, ông ấy chào, bắt tay mọi người. Ăn xong vui vẻ chụp ảnh cùng tất cả. Ông ấy trông rất dễ mến, còn cao thì có cao nhưng nhà tôi cũng toàn người cao nên quen rồi. Hai con trai thằng thì 1mét 85, thằng mét tám, con gái 1 mét 68”.
Chi tiết lạ, như đã nói ở trên: Trước khi ra về, chị được đoàn phim, thông qua phiên dịch, mời ký vào một văn bản cho phép sử dụng hình ảnh mà không kiện tụng. Chính là hình ảnh sẽ phát trong chương trình Parts Unknown trên kênh CNN tháng 9 tới.
Như vậy, 4 người kia là ai không biết còn thì có ít nhất 7 thực khách sẽ lên truyền hình Mỹ sau khi xuất hiện trong bức ảnh độc đáo (và ăn không mất tiền). Cho nên mới có quần ngố, áo phông trong bức ảnh “hot”, bởi họ có chuẩn bị gì đâu dù là đi ăn quán bình dân.
Bàn của chị Nga và các bàn khác đều có cốc để uống bia. Nhưng tu trực tiếp từ chai bia Hà Nội như Obama và Anthony trông ấn tượng hơn nhiều! Vả lại về phương diện vệ sinh, nếu bạn lau chùi kỹ sau khi mở nắp chai thì chắc yên tâm hơn uống bằng cốc.
Giả dụ chuyến này Tổng thống Mỹ chọn đi dạo phố cổ và ăn phở, tất nhiên cũng ấn tượng. Nhưng bún chả, đặc sản Hà Nội thật mà lại không thể đắt, trong cái quán không thể sang, ở một con phố không ai ngờ, mới gây sốt đến thế?
Bún chả thượng đỉnh là thế đấy!
Diễn thuyết của Obama
Diễn thuyết của nhà vua là tên bộ phim đoạt giải Oscar, Colin Firth đóng xuất sắc vai nhà vua khắc phục tật nói lắp để có diễn văn hoàn hảo. Còn nghệ thuật diễn thuyết của Barack Obama vừa được cả nước Việt Nam trầm trồ: Một diễn văn làm đẹp lòng tất cả. Trầm trồ, kể cả khi người ta biết ai đã gợi ý đưa câu Kiều đắt giá, đưa Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Nam quốc sơn hà Nam đế cư vào. Trầm trồ bởi đề cập nhân quyền cũng cực kỳ khéo léo. Hoàn hảo hơn diễn văn khi thăm Cuba, bởi trong diễn văn Cuba, có một đôi câu hơi trịch thượng một cách không đáng.
Về nghệ thuật diễn thuyết của Obama, báo mạng mới đây dẫn nguồn của Mỹ phân tích sự khéo léo vận dụng ba kỹ năng của ông. Báo dẫn lời chuyên gia Gallo: “Bằng cách dùng ngôn từ cụ thể và hữu hình, Tổng thống đưa ta đến một thế giới khác, đồng thời vẽ nên một bức tranh nơi tâm trí ta”. Ngoài ra còn nghệ thuật nhắc lại có chủ đích một câu hay cụm từ để gây chú ý. Hoặc giọng nói lên bổng xuống trầm, dừng đúng chỗ, vừa để nhấn nhá vừa cho người nghe nghỉ ngơi. Đặt người nghe làm trung tâm của câu chuyện. Vân vân.
Trên mạng có đoạn phim Obama đề cập ứng viên Donald Trump: “Nhiều thành viên cốt cán đảng Cộng hòa không vui khi ông Trump là ứng viên sáng giá nhất của họ. Họ nói Donald thiếu kinh nghiệm thiết lập chính sách đối ngoại để thành Tổng thống”. Ngừng ít giây, ông tiếp: “Nhưng xét một cách công bằng, ông ấy đã dành hàng năm trời” (ngừng rồi tiếp) “để hội đàm với những nhà lãnh đạo khắp thế giới, như Hoa hậu Thụy Điển, Hoa hậu Argentina, Hoa hậu Azerbaijan”. Mọi người cười nghiêng ngả theo từng cái tên “Miss” mà Obama đưa ra, còn diễn giả vẫn tỉnh queo!
Khi Denzel Washington lần đầu tiên đoạt giải Oscar- giải mà ông xứng đáng từ lâu- cho phim Ngày huấn luyện, nhiều người Mỹ đã bình rằng: “Đành phải trao giải cho người da màu nhưng rồi cũng chọn vai phản diện mà trao”. Năm 2008, Obama đắc cử Tổng thống da màu đầu tiên, người ta khâm phục sự vĩ đại của nước Mỹ nhưng cũng có lời đoán ông sẽ bị ám sát. Sau nhiệm kỳ đầu tiên, mái tóc của người đàn ông này bạc gần hết. Nhưng 8 năm trôi qua, ông trông vẫn rắn rỏi, nhanh nhẹn, “sexy”, đầy nhựa sống. Sải những bước dài ngoẵng như thanh niên. Nhảy tưng tưng, trẻ trung, duyên dáng khi lên xuống cầu thang máy bay. Gương mặt ấm áp. Cũng chỉ thua Denzel Washington và Terrence Howard những minh tinh điện ảnh da màu của Hollywood tí ti thôi, về ngoại hình.
Hẵng cứ được như thế đã
Tổng thống Mỹ đến Hà Nội lúc tối muộn, rời Hà Nội trong trời mưa tầm tã. Lẽ ra đoàn xe khủng cứ thế trực chỉ Nội Bài thì ông lại quyết định dừng một tiếng ở làng Mễ Trì, trú mưa, mua cốm, vào quán trà đá trò chuyện với người bình dân. Phải chăng lại một nghệ thuật làm hình ảnh nữa, độc đáo của người đàn ông này? Kể cả như thế, nhưng chắc không chỉ có thế.
Tổng thống Mỹ trong cơn mưa ở làng Mễ Trì Hạ, Từ Liêm, Hà Nội chiều 24/5. Ảnh: Internet
Trò chuyện với doanh nhân và trí thức, nghệ sĩ trẻ TPHCM, ông mau chóng cởi áo vest, vừa nói chuyện vừa xắn tay áo sơ mi, không đứng yên mà đi đi lại lại quanh cái bục. Sơ mi của Obama thì không nổi bật như của Bill Clinton nhưng vứt vest mặc nó, khoe được cơ thể trẻ trung, cử chỉ năng động. Ông không ngại nói về tuổi trẻ “lêu têu” của mình. Lại một cách trổ tài nữa? Kể cả là thế, kể cả chỉ là phép thuật của một chính trị gia lão luyện, nhà hùng biện mà thôi.
Khuỷu tay đặt lên chiếc bàn inox rẻ tiền, ngồi ghế nhựa xanh không tựa- còn rẻ tiền hơn. Xong bữa bún chả, Tổng thống Mỹ mua thêm 4 suất mang về. Có thể ông mang cho vệ sĩ, cũng có thể ông làm vậy để càng có vẻ giống thực khách hơn! Không chỉ diễn cho sô truyền hình du lịch ẩm thực, hoặc tròn vai thân thiện, gần gũi dân chúng Hà Nội, mà có bữa tối đúng nghĩa đây! Kể cả chỉ là giỏi diễn. Hẵng cứ diễn được như thế đã. Sao những người khác không diễn như vậy cho dân chúng mến?
Ngay diễn văn “hoàn hảo” ở Mỹ Đình, có người nói dù sao cũng chỉ là mỹ tự, đẽo chữ gọt vần, được tư vấn bởi đội ngũ chuyên nghiệp, còn việc làm thì chưa biết thế nào. Nhưng hẵng cứ được như thế đã!
Hỏi chị Nga: “Chị có thấy phiền khi bị “giam lỏng” hơn 2 tiếng trong quán bún chả?” “Không hề. Tôi rất hạnh phúc. Đây là kỷ niệm tôi không bao giờ quên”.
Nhiều người phàn nàn, các Tổng thống Mỹ trong đó có Obama chỉ đến Việt Nam cuối nhiệm kỳ hoặc nhân tiện mà đến, như du lịch vậy. Còn ông giải thích: “Để điều tốt nhất cho cuối cùng” (Save the best for last). Có thể chỉ là cách nói ngoại giao khôn ngoan. Tuy nhiên, chuyến đi tưởng nặng về ngoại giao này, cuối cùng lại “phát sinh” chuỗi giai thoại, khiến người ta không thể không nghĩ về tầm cỡ của vị Tổng thống siêu cường, và những chuyện khác nữa. Chẳng hạn, cách để làm một người hạnh phúc và thú vị. Và khi bạn là người như vậy, bạn nên biểu hiện nó, bởi bạn sẽ làm người khác thú vị, hào hứng theo.