Từng chia sẻ nhiều kỳ vọng trước chuyến thăm của ông Obama, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM tỏ ra khá hài lòng với những gì diễn ra trên thực tế. Theo nhận định của vị này, sau chuyến thăm của ông Obama, doanh nghiệp Mỹ sẽ biết nhiều hơn về Việt Nam, đó là tiền đề quan trọng cho những tác động lâu dài tới doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ông cũng hy vọng các hiệp định thương mại, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ sớm có hiệu lực tạo thuận lợi hơn cho kinh tế Việt Nam, đặc biệt là ngành dệt may. “Khi chưa gia nhập TPP, Việt Nam phải chịu mức thuế nhập khẩu 17-18%, sau khi TPP có hiệu lực thì thuế sẽ giảm xuống 0%. Qua chuyến đi lần này, khi đã hiểu hơn về Việt Nam, hy vọng ông Obama sẽ mạnh dạn đề xuất với Quốc hội Mỹ sớm thông qua hiệp định TPP”, ông Hồng nói.
Trong khi đó, ông Đặng Hoàng Giang - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu điều nhân lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 50%. Tuy có chỉ dẫn địa lý, nhưng sản phẩm điều của Việt Nam ít được người tiêu dùng ở thị trường này biết đến do chỉ gắn nhãn mác của các thương hiệu lớn Mỹ. Ông cho rằng, chuyến công du của Tổng thống Obama được báo chí Mỹ và quốc tế chú ý sẽ tạo thuận lợi lâu dài và bền vững hơn cho hạt điều Việt Nam.
“Sự kiện này có ý nghĩa về mặt thương hiệu cho doanh nghiệp Việt nói chung và ngành điều nói riêng. Không chỉ thị trường Mỹ mà nhiều quốc gia khác cũng sẽ biết đến ngành điều của Việt Nam, từ đó tăng cường nhập khẩu, đầu tư vào lĩnh vực này”, ông Giang chia sẻ.
Cuộc gặp gỡ của Tổng thống Barack Obama với các start-up tại TP HCM cũng đem lại khá nhiều kỳ vọng cho cộng đồng này. Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc Quỹ đầu tư FPT Ventures cho biết, sự kiện này đã để lại khá nhiều dấu ấn với ông.
“Không chỉ là người tạo động lực cho giới trẻ mà qua cách trò chuyện tôi thấy ở ông một người gần gũi và thân thiện. Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ tại buổi lễ khá thiết thực, ông gợi ý cho mọi người thông qua những câu chuyện về sáng kiến, TPP, nguồn lực…", vị này kể.
Theo đó khi nói chuyện với những lãnh đạo trẻ của Việt Nam, ông Obama đã dẫn dắt và hướng dẫn cho họ cách làm sao tiếp cận thị trường, có được nguồn lực tốt. "Tôi vẫn còn in sâu câu nói của ông 'Dù bạn có thể trông không giống doanh nhân nhưng vẫn có thể sáng tạo và lập doanh nghiệp. Bạn phải làm sao tin và yêu cái mình đang làm'", ông Đức nói. Vị này cũng cho biết quỹ đầu tư FPT Ventures mới đây đã cho ra mắt Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam, hướng tới các cá nhân khởi nghiệp ở giai đoạn đầu tiên.“Sau cuộc gặp Obama hôm 24/5, chúng tôi càng có nhiều niềm tin vào sự thành công của quỹ này”, ông Đức bộc bạch.
Dù khẳng định cơ hội của doanh nghiệp Việt với thị trường Mỹ sẽ thông thoáng hơn, nhưng lãnh đạo các doanh nghiệp cũng cho rằng mọi thứ không quá dễ dàng vì đây là một trong những nền kinh tế cạnh tranh nhất.
Theo ông Lê Quang Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn, riêng trong ngành dệt may, vốn là thế mạnh của Việt Nam nhưng cũng không phải doanh nghiệp nào cũng có cơ hội tiếp cận thị trường này. Do đó, các nhà xuất khẩu cũng sẽ đứng trước thách thức khi phải đáp ứng các điều kiện khắt khe như thời hạn giao hàng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Về lâu dài, những thử thách này sẽ giúp doanh nghiệp Việt trưởng thành hơn.
“Đây là một trong những thị trường đứng đầu về tốc độ thay đổi mẫu mã. Do đó, nếu trả đơn hàng chậm thì mẫu đó trở thành lỗi thời, đối tác không bán được hàng, lập tức sẽ khó khăn, thậm chí bị phạt. Hiện các đơn hàng với Mỹ, thời gian giao hàng hiện chỉ còn 75 ngày thay vì 90 ngày như trước”, ông Hùng cho biết.
Nhìn nhận hiệu ứng từ chuyến thăm của Tổng thống Obama, Thứ trưởng Công Thương - Trần Quốc Khánh cũng kỳ vọng sự kiện này cùng với việc sắp tới khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, quan hệ thương mại và đầu tư với Mỹ sẽ tăng cao hơn nữa.
"Khi Hiệp định TPP có hiệu lực, gần như 100% thuế nhập khẩu vào Mỹ được dỡ bỏ và tôi kỳ vọng đây sẽ là cú hích lớn cho nhiều mặt hàng của Việt Nam được hưởng lợi, như giày dép, dệt may, thủy sản, hoa quả, đồ gỗ, hàng tiêu dùng… Ngoài ra, đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Mỹ tăng xuất khẩu vào thị trường Việt Nam", ông Khánh nhận định.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng việc thu hút đầu tư có làm được hay không phụ thuộc vào việc Việt Nam có đáp ứng được về hạ tầng, nguồn nhân lực, môi trường đầu tư...