Già như cái mo cau mà chưa chết!
Trưa nắng, Đinh Văn Phả (thôn Làng Rê, xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà) khó nhọc bước chân thấp chân cao đi về nhà. “Từ ngày bị dân làng nghi là có đồ độc, mình phải đi tỉnh khác làm ăn chứ không dám ở đây. Cách đây gần tháng, đi cưa cây bị đè trúng chân nên phải đi bệnh viện, giờ về nhà, đợi lành rồi đi làm tiếp”, Phả nói, nhăn mặt vì đau đớn.
Chuyện xảy ra đã ngót nghét 3 năm. “Hôm đó là mùng 1 Tết, tôi qua nhà Đinh Văn Vối ở bên kia đường để uống rượu, có đùa giỡn vài câu với người già bên nhà đó: “Sao ông già như cái mo cau mà ông chưa chịu chết?”. Sau đó con cái trong nhà đó bảo tôi có cầm đồ độc. Rồi hai bên gia đình có mâu thuẫn. Tôi mang con gà qua xin lỗi nhưng họ không chịu”, Phả vặn hai bàn tay vào nhau, trầm giọng.
Nếu không có sự ngăn cản kịp thời, cục đá trong tay người hàng xóm (thậm chí có quan hệ bà con) thay vì mất kiểm soát văng trúng đầu gối của một cán bộ trong thôn thì sẽ giáng thẳng xuống đầu anh.
Chính quyền cũng đã nhiều lần tổ chức hòa giải nhưng không thành, thậm chí Phả còn bị tấn công ngay trong buổi hòa giải. Nhà Đinh Văn Vối tiếp tục lôi kéo nhiều người trong làng cô lập, hăm dọa Phả.
“Ở buổi hòa giải đã làm heo, mua rượu và thuốc hút mời mọi người vẫn không bỏ qua. Sau đó vì quá sợ hãi nên tôi lên Lâm Đồng làm thuê, năm 2018 mới về để lo đám ma cho mẹ, nhưng vừa về thì nhà đó lại dắt con trâu bị dịch bệnh qua nhà tôi và yêu cầu tôi phải làm cho trâu hết bệnh, không thì đền 20 triệu”, Phả rơm rớm.
Sự việc sau đó cũng được hòa giải thành công, nhưng đến giờ hai gia đình vẫn không nối lại quan hệ như trước. Tôi hỏi Đinh Văn Vối: “Sao anh nghĩ là ông Phả có đồ độc?”. Vối cụp mắt xuống, trả lời: “Tại nó cứ nói mãi chuyện sao ông già chưa chết, mà chuyện qua rồi, nói chi nữa… Tôi cũng không biết là có đồ độc hay không?”.
“Bóng ma” ám ảnh
Cái chết của ông Phạm Văn Lối (thôn Làng Tốt, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ) vào đầu tháng 7/2020 đến giờ vẫn còn là ám ảnh khôn nguôi của những người thân trong gia đình. Bà Phạm Thị Xâm (vợ ông Lối) như muốn khụy xuống khi nghe tin dữ. “Chồng tôi trước giờ có hại ai đâu, nhưng không hiểu sao người dân cứ nghĩ chồng tôi có đồ độc. Trước khi ổng chết, trong thôn có mấy lần hòa giải nhưng người ta vẫn không tin”.
Đêm 2/7, trong lúc ông Lối uống rượu với nhóm thanh niên thì bùng phát xung đột. Trên đường ông Lối qua sông Liên về nhà, đối tượng Phạm Văn Nghề và Phạm Văn Cua, đều ở thôn Làng Tốt chặn đường và ra tay sát hại dã man.
Nhiều năm trước, ông Phạm Văn Lối đã bị nghi “cầm đồ thuốc độc”, không ít lần ông bị một số người đánh đập. Vụ việc lên đỉnh điểm khi cha ruột của Phạm Văn Soi, ở thôn Làng Tốt bị bệnh chết vào đầu năm 2020. Phạm Văn Soi và một số thanh niên trong làng cho rằng do ông Lối “cầm đồ thuốc độc” hãm hại. Từ đó, nhóm thanh niên đã sát hại dã man người đàn ông trên rồi bỏ xác trôi sông.
“Thực sự là không có chuyện cầm đồ độc hay gì cả, trước giờ ông Lối lương thiện, chỉ lo làm ăn”, bà Phạm Thị Lang- Bí thư Đảng ủy xã Ba Lế, xót xa.
Nếu may mắn hơn, nhiều người dù không bị sát hại nhưng gia đình cũng gần như kiệt quệ vì phải lo cúng kiếng, mua gà, heo, rượu, thuốc để làm lễ “kà- xóa”, xin lỗi thần linh và mời dân làng khi bị nghi có đồ độc. Đáng lo ngại hơn, nhiều đối tượng tìm cách vu cho người mình ghét có “đồ” với mục đích trả thù riêng. Điển hình như trường hợp xảy ra ở thôn Tà Cơm, xã Sơn Thủy (huyện Sơn Hà) vào năm 2009. Vì nghi vợ mình có quan hệ bất chính với một người khác trong làng, người chồng đã “phao tin” người đàn ông kia có đồ độc, khiến người này bị dân làng đánh đến chết. Hậu quả là các đối tượng trực tiếp tham gia phải lãnh án từ 5-12 năm tù.
Ngoài ra, nghi kỵ cầm đồ còn trở thành “miếng mồi thơm” cho nhiều đối tượng lừa đảo người dân để kiếm tiền. Tiêu biểu nhất là trường hợp một phụ nữ làm nghề thầy cúng ở xã Sơn Kỳ (xã Sơn Hà). Mỗi khi trong gia đình nào đó có người đau ốm, thầy cúng này liền phao tin mình có thể tìm được “đồ” và hóa giải. Sau đó “bà thầy” dùng gói “đồ” được chuẩn bị sẵn, giấu trong người để lừa bịp. Gia chủ phải trả từ 1,2-1,5 triệu đồng cho mỗi gói đồ bà này tìm được. Thống kê của cơ quan điểu tra, đối tượng trên đã lừa đảo lên đến 12,5 triệu đồng.
Tập trung làm ăn, bớt rượu chè
“Tôi sống ở đây gần cả đời người vẫn chưa từng nhìn thấy “đồ độc”, có điều trong tâm thức của người dân, nhất là những người già vẫn tin và rất sợ. Điểm chung của những người bị nghi có “đồ độc” chính là hay uống rượu, đi đêm, hay to tiếng. Người bị nghi có đồ thường phải mua heo, gà, rượu, thuốc về cúng làm lễ kà-xóa, rất tốn kém”, già làng Đinh Văn Huệ (thôn Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà) trầm ngâm.
Cũng theo các già làng, việc ghét nhau mà sử dụng các cây có độc dược bỏ vào đồ ăn, thức uống gây tử vong là có xảy ra. Các nghi kỵ xảy ra khi có người chết, trâu bò chết hoặc đau ốm, dịch bệnh.
Đã từng chứng kiến nhiều người bị dính vào vòng lao lý, tù tội, nhà tan cửa nát giữa cả người nghi và người bị nghi cầm đồ thuốc độc, già làng Đinh Phi Hùng (thôn Làng Rào, xã Sơn Thủy), xót xa: “Đồ độc đâu không thấy, chỉ thấy những tang thương vì những suy nghĩ, mê tín lạc hậu”.
“Việc xóa bỏ nhận thức có từ nhiều đơi không hề đơn giản, nó không phải là chuyện một sớm một chiều có thể làm được. Chỉ có cách là tuyên truyền, vận động và chứng minh được bằng các chứng cứ, phương pháp khoa học”, Trung úy Lý Thanh Bình- cán bộ đội an ninh, Công an huyện Sơn Hà, chia sẻ.
“Có lẽ chỉ có cách nâng cao văn hóa, đi học nhiều, tập trung làm ăn, không rượu chè và có nhận thức cao hơn thì sẽ không còn nạn nghi kỵ cầm đồ thuốc độc nữa”, già làng Nguyễn Phi Hùng, đúc kết.
Theo lý giải của các già làng, “Đồ”- tiếng H’re gọi là “Giơrông”. Trong suy nghĩ của người H’re, đây là một hỗn hợp gồm đất lấy từ mộ của người chết, xương động vật, mẻ ché, mẻ chén, lông trâu… được trộn lẫn và gói thành miếng nhỏ. Mọi người tin rằng “đồ” được người “cầm đồ” “phù phép” nên có quyền năng lớn, có thể trừ ma quỷ, bệnh tật, nhưng cũng có thể gây bệnh tật, giết người, vật nuôi.