'Bội thực' các cuộc thi cho học sinh

Không nên lạm dụng các cuộc thi để tạo cho trẻ thói quen thích thành tích. Ảnh: Ngọc Châu
Không nên lạm dụng các cuộc thi để tạo cho trẻ thói quen thích thành tích. Ảnh: Ngọc Châu
TP - Bên cạnh nhiều cuộc thi bổ ích và hấp dẫn, thu hút sự tham gia tự nguyện của học sinh, vẫn đang còn hàng chục cuộc thi chạy theo thành tích, làm khó và gây mệt mỏi cho cả thầy lẫn trò.

Mệt mỏi với các cuộc thi

Hiện nay, ở các trường từ tiểu học đến THPT đang có rất nhiều các cuộc thi. Từ các cuộc thi phong trào đến các cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế. Theo nhẩm tính của một nhà Toán học, thì riêng môn Toán, học sinh có khoảng 70 cuộc thi ở các cấp học để tham gia, có thể chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là do Bộ GD&ĐT quản lý, nhóm thứ hai là nhóm xã hội hóa. Đó còn chưa kể các cuộc thi văn hóa, thể dục thể thao khác.

Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Hiệu trưởng trường Tiểu học Marie Curie Hà Nội cho biết, là trường tư thục, không đăng ký thi đua, danh hiệu, nên trường từ chối khá nhiều cuộc thi vậy, nhưng tính trung bình mỗi năm trường vẫn còn tham gia từ 7-8 cuộc. Trường chủ yếu cho học sinh tham gia các cuộc thi có ý nghĩa như: Olympic tiếng Anh, giải thể dục thể thao, giải Tin học, giải Toán qua mạng…Những cuộc thi mà trường nhận thấy tốn kém thời gian, công sức của giáo viên, học sinh là từ chối.

Theo bà Lan, thời gian của học sinh chủ yếu để học tập ở trường, nếu cho các em thi nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập.

Hiệu trưởng Trường THCS Việt Nam - An-giê-ri, quận Thanh Xuân (Hà Nội),  bà Cảnh Bạch Yến cũng chia sẻ, trung bình mỗi năm học sinh các khối tham gia khoảng 10 cuộc thi do cấp quận, thành phố, Sở, Bộ tổ chức. Trước mỗi cuộc thi,  trường đều thông báo tới từng học sinh và động viên các em tham gia. Theo bà Yến có những cuộc thi đã thành truyền thống trường tham gia rất tốt nhưng cũng có những cuộc trường chỉ động viên học sinh tham gia trên tinh thần tự nguyện và bố trí giáo viên kèm cặp, hỗ trợ kiến thức. “Các công ty tư nhân cũng thường xuyên đến gặp để mời chào, thuyết phục trường vận động các cuộc thi liên quan đến chứng chỉ tiếng Anh nhưng trường đều từ chối”, bà Yến nói.

Cô Nguyễn Thị Huyền Nga, giáo viên ở một trường tiểu học Hà Nội cho biết:  “Có nhiều cuộc thi rất hình thức, học sinh chủ yếu về nhờ bố mẹ lên mạng tìm tài liệu hoặc một bạn làm cả lớp chép, nhưng vì phong trào nên vẫn phải tham gia”.

Không phải cuộc thi nào cũng chất lượng

Trước tình trạng “bội thực” các cuộc thi, ông Đặng Minh Tuấn, giáo viên một trường có tiếng của Hà Nội, là người dẫn học sinh đi nhiều cuộc thi Toán quốc tế cho biết, nhiều phụ huynh đang bị lầm tưởng hai chữ “quốc tế”. “Có thể phụ huynh biết nhưng cố tình lờ đi. Vì nhiều cuộc thi quốc tế chỉ mang tính giao lưu, nên tỷ lệ học sinh được giải rất lớn. Nhưng phụ huynh lại coi đó như thành tích đáng ngưỡng mộ của con em mình” - ông Tuấn chia sẻ. 

Cũng theo ông Tuấn, trong  số mấy chục cuộc thi Toán hiện nay, nếu đánh giá về chất lượng, trừ những cuộc thi do Bộ GD&ĐT cầm trịch, thì những cuộc thi còn lại, chất lượng không như mọi người tưởng. “Điều tích cực ở những cuộc thi này, đó là tạo cho học sinh có thêm kỹ năng, kinh nghiệm học hỏi, nâng cao khả năng tiếng Anh và cũng phát triển được tư duy. Tuy nhiên, điểm trừ của những kỳ thi này là thành tích đó vô tình biến thành tấm huy chương để tung hô ở chỗ nọ chỗ kia. Rồi quận nọ nhìn quận kia, thắc mắc sao nhiều giải quốc tế thế mà mình không có” - ông Tuấn nói. Không những thế, theo ông Tuấn, với những bài thi đánh giá nhanh, không phải với thí sinh nào cũng tốt. Nhưng nhiều phụ huynh không nhận thức được điều này.

Trong khi đó, ông Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục Phát triển tiềm năng con người cho rằng, những cuộc thi rèn luyện sức khỏe, tính kiên trì, kỷ luật, vượt khó như Hội khỏe Phù Đổng là rất nên tổ chức. Tuy nhiên, không nên lạm dụng các cuộc thi để ảnh hưởng việc học tập của trẻ, tạo cho nhiều em thích thành tích, thích khen thưởng.

Theo ông Kỳ Anh, mỗi năm một trường có chục cuộc thi là quá nhiều. Chưa kể, ở độ tuổi tiểu học một số trường đã mang các em ra nước ngoài thi thố là không nên. Bởi khi đánh giá đứa trẻ, không nên chỉ đánh giá bằng chỉ số IQ qua các cuộc thi mà cần tập trung rèn luyện cả những chỉ số EQ, AQ (chỉ số cảm xúc, vượt khó). Rèn luyện cho trẻ hội tụ đủ các chỉ số đó mới trở thành con người hoàn thiện, thành đạt trong tương lai. “Một đứa trẻ có chỉ số IQ cao, cũng chỉ có khả năng thành công trong cuộc sống từ 25-30% mà thôi. Ở nhà trường, điều quan trọng là làm sao để trẻ phát huy được giá trị tự nhiên trong giao tiếp, ứng xử tốt là được”, ông Kỳ Anh nói.

Ông Nguyễn Khắc Minh, chuyên viên Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT, phụ trách mảng Toán Olympic quốc tế khẳng định: Bộ GD&ĐT chỉ cần cầm trịch một cuộc thi toán quốc gia, còn lại hàng chục cuộc thi khác về toán là do các tổ chức, các trường nhập về hoặc tự đưa quân đi thi đấu ở nước ngoài. Theo Sở GD&ĐT Hà Nội thì học sinh tiểu học đến THPT có khoảng 28 cuộc thi các loại là được cấp phép.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.