Theo ông, một trong những nguyên nhân khiến mưa lũ gây thiệt hại lớn là do công tác dự báo chưa chủ động, chưa chính xác, nhất là đến định lượng mưa, lũ ống, lũ quét, bên cạnh những nguyên nhân về mất rừng, bố trí dân cư, nhà cửa ở những khu vực nguy cơ cao.
Bộ trưởng Hà cho rằng, những đợt mưa vừa rồi đều đạt mốc lịch sử và có tính cực đoan. Trên thực tế, việc dự báo định lượng mưa, lũ quét, sạt lở đất đá, đến nay khoa học thế giới cũng chỉ mới cảnh báo trên diện rộng còn dự báo tính cực đoan, hoặc khu vực cụ thể thì chưa làm được.
Hiện Việt Nam đã và đang đầu tư cho các dự án về công tác tác dự báo. Trong đó, khẩn trương triển khai Luật Khí tượng Thủy văn.
“Đến nay, Việt Nam đã có 1.300 điểm báo mưa và tới sẽ bổ sung thêm 3.000 điểm dự báo mưa nữa mới đạt mức trung bình của thế giới, tức 40-100 km2 sẽ có một trạm báo mưa. Việc này sẽ làm ngay trong 2018”- ông Hà nói.
Theo Bộ trưởng Hà, hiện các đơn vị chức năng của Bộ đã cung cấp các bản đồ cảnh báo về lũ ống, lũ quét, tai biến địa chất cho các địa phương. Vì vậy, các tỉnh cần dựa vào cảnh báo của bản đồ, bố trí lại dân cư, chuyển đổi mô hình sản xuất thích ứng hơn với biển đổi khí hậu.