Cam kết trên của người đứng đầu ngành tài chính được đưa ra sáng 5/7, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành tài chính.
Hàng loạt vấn đề lớn của ngành tài chính đã được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đưa ra sau khi đề cập những kết quả đạt được trong nửa năm qua, như quản lý thu – chi ngân sách nhà nước, kiểm soát nợ công, giải ngân vốn đầu tư công. Sau 6 tháng, thu ngân sách nhà nước dù đạt khá vẫn chậm, đặc biệt thu ngân sách trung ương mới đạt 41% dự toán năm. Thu hồi nợ đọng thuế còn chậm…
Ông Dũng đưa ra tính toán, dù giữ được bội chi, mức nợ công ở con số tuyệt đối, tỷ lệ nợ công trên GDP vẫn có thể vượt trần nếu tăng trưởng không đạt mục tiêu. “Chúng tôi cam kết giữ nợ công ở con số tuyệt đối như hiện nay, nhưng tỷ lệ nợ công tương đối có vượt trần hay không phụ thuộc vào tăng trưởng, các cấp các ngành phải đảm bảo được giá trị GDP. Con số tuyệt đối nợ công vẫn như năm 2016, nhưng tăng trưởng và giá trị GDP không đạt 5,1 triệu tỷ đồng nên nợ công so với GDP bị tăng lên”, ông Dũng nói.
Thời gian tới, ngành tài chính cũng xác định, không chuyển vốn vay, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn Chính phủ cho vay lại thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước. Đồng thời thực hiện đánh giá các yếu tố, tác động của nợ công trung hạn trước khi thực hiện các khoản vay mới, để cơ cấu bền vững.
Những tháng cuối năm, ngoài việc tăng thu, kiểm soát chi, ngành tài chính cũng phấn đấu thu đủ 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, hỗ trợ khởi nghiệp, tạo điều kiện cho người nộp thuế. Đồng thời triển khai thực hiện đặt cược thể thao, casino, trò chơi có thưởng…
Đề nghị cắt nếu chậm giao vốn
Đề cập tới vấn đề giải ngân vốn đầu tư công tới nay còn chậm, dù việc này không phải Bộ Tài chính chủ trì, nhưng Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng vẫn nhận có phần trách nhiệm.
Ông Dũng chỉ thẳng việc giải ngân vốn đầu tư công hiện nay đang tắc ở Bộ KH&ĐT. Ông dẫn phản ánh của một cán bộ địa phương, việc phân bổ tín dụng đầu tư kiên cố hóa kênh mương nông thôn, dù thuộc nhiệm vụ chi năm 2016, nhưng tháng 12/2016 các địa phương mới được giao vốn, nên giải ngân kéo sang năm 2017. Thanh ra những khoản vay đó của địa phương được tính vào bội chi năm 2017, trong khi theo Luật Ngân sách, bội chi phải do Quốc hội quyết định.
Hiện còn khoảng 50.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ năm 2016 giao chưa hết, chuyển sang năm 2017, nhưng tới nay đã quá nửa năm mới giao được 5.000 tỷ đồng. “Triển khai dòng vốn quá chậm, năm ngoái cũng vậy, giờ cũng vậy. Nếu vẫn thế này tới cuối năm nay chưa chắc đã giao được, vì thủ tục đầu tư còn rất nhiều khâu. Còn phần thẩm định hồ sơ của Bộ Tài chính chỉ 1 ngày, thậm chí 1 buổi là xong, nhưng các phần khác còn vướng nhiều”, ông Dũng nói.
Vì vậy, ông Dũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành quyết liệt hơn nữa, thậm chí phải phê bình nếu làm không tốt, không thể để tình trạng giải ngân vốn chậm như hiện nay. Thậm chí, với những phần vốn đã đưa vào kế hoạch nhưng chậm giao thì cho cắt. “Không thể để tới tháng 11, 12 mới giao vốn, rồi lại kéo dài sang năm sau thì không được. Cắt đi thậm chí còn giảm áp lực lên bội chị”, ông Dũng nói thêm.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, giải ngân vốn đầu tư công quá chậm, nửa năm mới đạt 25% kế hoạch năm. Điều này tác động rất lớn tới sản xuất, việc làm, thu ngân sách nhà nước và tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Huệ, cả vốn huy động mới và vốn năm trước chuyển sang hiện khoảng 300.000 tỷ đồng. Nếu dùng số vốn này làm “mồi”, có thể huy động thêm 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư xã hội. Như vậy, dòng vốn cho tăng trưởng đã có thêm 1 triệu tỷ đồng. “Giải ngân vốn đầu tư đang là điểm yếu then chốt, dù Bộ KH&ĐT chịu trách nhiệm chính, nhưng cũng có phần của Bộ Tài chính”, ông Huệ nói.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao kết quả đạt được 6 tháng đầu năm của ngành tài chính, đặc biệt về tăng thu ngân sách, kiểm soát chi, điều hành giá…
Tuy vậy, ngành tài chính còn hạn chế, như cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm; đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán, bảo hiểm vẫn chưa hoàn thành…
Theo Bộ Tài chính, hết tháng 6/2017, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 563,5 nghìn tỷ đồng (bằng 46,5% dự toán, tăng gần 14% so cùng kỳ năm trước). Tổng chi ngân sách ước 582,9 nghìn tỷ đồng (bằng 41,9% dự toán, tăng 8,3% so cùng kỳ năm trước). Như vậy, tới nay bội chi 19,4 nghìn tỷ đồng (bằng khoảng 43,5% dự toán năm).