Quản lý nợ công: “Đến bộ này lại chỉ sang bộ kia”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 30/5. Ảnh: Như Ý.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 30/5. Ảnh: Như Ý.
TP - Trước bất cập về quản lý nợ công được phân cho cả ba cơ quan quản lý hiện nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nếu thu gọn lại một đầu mối duy nhất quản lý, chịu trách nhiệm thì sẽ là một “cuộc cách mạng”.

Một mối sẽ giảm thủ tục, biên chế

Thảo luận tại tổ chiều 30/5 về dự án Luật Nợ công (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, tồn tại lớn nhất về quản lý nợ công hiện nay là có tới ba cơ quan cùng quản lý nợ công. Một người đi đàm phán vay, một người phân bổ số nợ vay, một người đi trả nợ. Điểm bất hợp lý này, không quốc gia nào giống chúng ta. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lý giải, ở các nước, ngân hàng nhà nước (NHNN) không phải là một thành viên Chính phủ mà là Ngân hàng Trung ương của các ngân hàng. Bên đi vay, đàm phán là Bộ Tài chính, cơ quan thuộc các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế. Nhưng ở Việt Nam, NHNN lại được coi là một thành viên Chính phủ, cơ quan ngang bộ nên được cử tham gia các tổ chức quốc tế. Còn về vay ODA lại thuộc trách nhiệm của Bộ KH&ĐT…Tồn tại này đã nói mãi mà không sửa được, bởi theo bà Ngân, “cái gì ai đã làm quen rồi không ai buông, nhả ra”.

Tại dự thảo luật lần này, vẫn phân giao trách nhiệm quản lý nợ công cho ba cơ quan, gồm Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, NHNN. Theo bà Ngân, nếu thu gọn lại thành một đầu mối duy nhất quản lý, chịu trách nhiệm thì sẽ là một “cuộc cách mạng”. ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cũng cho rằng, theo dự thảo, nếu giữ nguyên ba đầu mối để không gây xáo trộn bộ máy thì sẽ rất hạn chế trong quản lý và bị động trong quản lý nợ. Thấy rõ nhất là vốn ODA, Bộ KH&ĐT là nơi tổng hợp của các bộ, ngành, chưa gắn với trách nhiệm quyết định chi, quyết định vay với trách nhiệm trả nợ.

“Nếu dồn ba cơ quan này về một đầu mối quản lý nợ công thì không những giảm được biên chế, giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà mà việc đàm phán nợ công cũng trở nên thuận lợi. Khi đó sẽ có được bức tranh tổng thể của nợ công, bao gồm cả nợ trong nước và ngoài nước, chứ không phải phân mảnh rồi ghép lại như bây giờ”, ông Hàm cho hay. Viện dẫn khó khăn bất cập từ thực tế, ĐBQH Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết: “Chúng tôi sang Bộ Tài chính thì được chỉ sang Bộ KH&ĐT. Sang Bộ KH&ĐT thì lại nói sang NHNN. Cuối cùng chúng tôi phải làm gắt thì các bên mới công bố số liệu cho đoàn kiểm toán”. Ông Phớc đề nghị cần phân định rõ một cơ quan, cụ thể là Bộ Tài chính làm đầu mối quản lý, chịu trách nhiệm về nợ công.

Có nên xem xét tố cáo nặc danh?

Cùng ngày, thảo luận tại tổ về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), nhiều ĐB đề nghị đối với đơn thư nặc danh có chứng cớ xác thực thì phải xem xét vì có thể người tố cáo lo bị trả thù nên mới “bất đắc dĩ” gửi đơn thư nặc danh. “Tố cáo thẳng thừng, rõ ràng khó lắm vì sợ trù dập, trả thù nên mới dùng nặc danh. Mà nặc danh lại không được thừa nhận. Nên cần phải đảm bảo an toàn cho người tố cáo mới phát huy được giải quyết tiêu cực trong xã hội”, ĐB Ngô Tuấn Nghĩa (TP HCM) nói.

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, thực tế các đơn tố cáo nặc danh ở các cơ quan, đơn vị rất nhiều. Do đó, nếu tố cáo nặc danh có chứng cứ thì vẫn xem xét xử lý nhưng không nên quy định vào luật, kẻo không “sẽ rối lên”. Bên cạnh đó, ông Nghĩa cho rằng, để người tố cáo chính danh hơn cần có quy định bảo vệ khẩn cấp. Vì trong thực tế, có những vụ việc tố cáo bị đe doạ, thậm chí mất mạng. Điều này cần làm rõ để làm sao người tố cáo được an tâm, thực hiện tố cáo đúng.

Còn ĐB Dương Ngọc Hải (TP HCM) cho rằng, trong thực tế, có người đi tố cáo đã bị trả thù, xâm hại sức khỏe. Nên cơ chế bảo vệ cần được quy định rõ trong luật. Đối với tố cáo mang tính nặc danh mà có sự kiện cụ thể, hành vi vi phạm cụ thể và kèm theo chứng từ thì phải giải quyết. Bên cạnh đó, cần lưu ý những người tố cáo nặc danh có thể dễ bị lợi dụng do bị khống chế, đe doạ, mua chuộc.

ĐB Đào Tú Hoa (Hà Nội) cũng đồng ý với việc không nên xem xét đối với tố cáo nặc danh. ĐB Hoa cho rằng, ngay cả tố cáo có danh, cũng có phần lớn nội dung tố cáo là sai. “Việc chấp nhận đơn tố có nặc danh sẽ tạo tiền lệ xấu cho những đối tượng thiếu tinh thần xây dựng, tiếp diễn tình trạng tố cáo tràn lan. Chưa biết đúng sai thế nào nhưng đơn tố cáo nặc danh nó làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, danh dự cá nhân, gây mất đoàn kết trong đơn vị, bởi thông thường đơn nặc danh thường được tung ra vào thời điểm nhạy cảm, ảnh hưởng xấu đến cá nhân, tổ chức, xã hội”, bà Hoa nói.

“Nếu dồn ba cơ quan này về một đầu mối quản lý nợ công thì không những giảm được biên chế, giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà mà việc đàm phán nợ công cũng trở nên thuận lợi”

 ĐBQH Hoàng Quang Hàm

MỚI - NÓNG