Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung: Đã tính toán kỹ về BHXH một lần

0:00 / 0:00
0:00
Quốc hội vừa thảo luận ở hội trường dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Sau phần thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đã giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội đã nêu. Trong đó, nội dung về điều chỉnh quy định BHXH một lần thu hút sự quan tâm lớn nhất.

Nhận BHXH một lần tối đa 50% là tối ưu nhất

Làm rõ thêm một số vấn đề cơ bản của Dự án Luật BHXH sửa đổi, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu, về chế độ BHXH một lần: “Đây là vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm, vừa có tính chất chính trị - xã hội nhưng cũng có tính chất chuyên môn rất cao. Do đó, Ban soạn thảo và Chính phủ sẽ tiếp tục cân nhắc thấu đáo, nghiên cứu, lấy thêm ý kiến của các đối tượng thụ hưởng, của người sử dụng lao động”.

Để đưa ra phương án quy định về BHXH một lần, cần hướng tới 2 mục tiêu cơ bản, gồm: Đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tham gia BHXH vẫn có quyền được nhận; vừa phải phấn đấu để giữ chân người lao động trong hệ thống đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo cho người dân khi về già có lương hưu.

“Hiện, chúng ta khó có thể đưa ra một phương án tối ưu, hay một phương án chỉ có ưu điểm, mà sẽ phải đi theo phương án tiếp tục đề xuất hoặc chọn phương án nào nhiều ưu điểm hơn”, ông Dung nhấn mạnh.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung: Đã tính toán kỹ về BHXH một lần ảnh 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề của đại biểu Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật BHXH sửa đổi.

Qua thảo luận và ý kiến của người lao động, tổ chức lao động và đặc biệt là ý kiến thảo luận của Quốc hội hôm nay, ông Dung cho biết, quy định về chế độ BHXH một lần sẽ tiếp tục hoàn thiện theo hướng: Người lao động có quyền rút hay không rút BHXH một lần, nhưng không phân biệt người đóng trước hay đóng sau khi luật có hiệu lực.

Góp ý cho dự luật, các đại biểu Quốc hội còn nhiều ý kiến khác nhau, có đại biểu cho rằng chỉ cho rút 8% là phần người lao động đóng, 22% người sử dụng lao động đóng để lại. Cũng có ý kiến đề nghị giữ lại 14% mà doanh nghiệp đóng, còn 12% người lao động muốn rút thì cho rút.

“Chúng tôi xin báo cáo thêm với Quốc hội, khi Ban soạn thảo đưa ra phương án 2, tức là 50-50 (cho rút tối đa 50% thời gian đóng – PV), ở đây 50% là thời gian đóng, chứ không phải mức đóng. Cần phải nói rõ và phân biệt để lại 50% là để lại cho người lao động và được ghi nhận trong sổ BHXH để người lao động tiếp tục được hưởng các quyền lợi BHXH, khi người lao động quay trở lại tham gia thì được cộng hưởng tiếp thời gian đóng đã bảo lưu”, Bộ trưởng Dung giải trình thêm. Trường hợp không đóng tiếp, khi đến tuổi nghỉ hưu, người lao động sẽ hưởng trợ cấp hàng tháng, hoặc nhận 1 lần số thời gian còn lại.

Làm rõ thêm phương án chỉ cho người nhận BHXH một lần tối đa 50% thời gian đã đóng (phương án 2 trong dự luật), người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra có 3 vấn đề. Trước hết, phương án này vẫn đảm bảo được quyền của người tham gia là được hưởng BHXH một lần và công bằng trước, sau khi luật có hiệu lực. Thứ hai, phù hợp với khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, khắc phục được những vướng mắc hiện nay. Thứ ba, giữ được chân người lao động ở lại hệ thống BHXH.

Về mặt kỹ thuật, theo ông Dung, thời gian thực hiện đóng sẽ phù hợp với cách thức quản lý BHXH hiện nay cũng như thông lệ quốc tế, là ghi nhận theo thời gian và tiền lương làm căn cứ đóng. Không phân biệt phần đóng của người lao động và người sử dụng lao động. Mặt khác, phương án của Ban soạn thảo nêu ra, số tiền khi rút BHXH cũng tương đương với số tiền đóng BHXH của người lao động là 8% của tiền lương tháng. Do tỷ lệ đóng BHXH của người lao động thời gian qua rất khác nhau (từ 5-8%, có người đóng toàn bộ 22%, có đối tượng nhà nước đóng 100%), nếu căn cứ theo tỷ lệ đóng sẽ khó cho giải quyết chế độ.

“Phương án 2, cho nhận BHXH một lần tối đa 50% thời gian đóng, chúng tôi đã tính toán kỹ. Đó là phương án tối ưu hơn trong tất cả phương án đang có hiện nay”, ông Dung nói.

75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho hay, về trợ cấp hưu trí xã hội, Chính phủ, Ban soạn thảo dự luật đã bám sát tinh thần Nghị quyết 28 để thảo luận, cân nhắc và trình với Quốc hội. Đây là tầng đầu tiên trong hệ thống BHXH đa tầng theo định hướng Nghị quyết 28.

Trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo cho người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp hằng tháng, và có tính tới huy động nguồn lực xã hội để bổ sung mức hưởng cao hơn.

Chính phủ đề xuất với Quốc hội giảm tuổi nhận chế độ hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 tuổi, và có tính tới giảm dần. “Việc điều chỉnh tuổi nhận chế độ này sẽ tùy theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách của nhà nước. Điều chỉnh thời điểm nào, mức nào thì sẽ do Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”, ông Dung giải thích thêm.

Để linh hoạt quy định mức hỗ trợ liên quan tới trợ cấp hưu trí xã hội, hỗ trợ thai sản, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em... đã nêu trong dự luật sẽ giao cho Chính phủ quy định. “Tất cả mức quy định bằng tiền sẽ giao cho Chính phủ quy định, có báo cáo Thường vụ Quốc hội, như vậy sẽ phù hợp và linh hoạt hơn”, ông Dung nói.

Tỷ lệ đóng BHXH tương thích các nước xung quanh

Về ý kiến tỷ lệ đóng BHXH, có một số ý kiến cho rằng Việt Nam đang đóng quá cao, nên đề xuất giảm tỷ lệ đóng. Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thông tin, mức đóng BHXH của các quốc gia rất khác nhau, theo điều kiện mỗi nước và xây dựng khung chính sách BHXH.

“Mức đóng BHXH hiện nay của chúng ta là 27,5% tiền lương tháng tính đóng. Về cơ bản, mức này là tương thích với các quốc gia trong khu vực”, ông Dung nói và dẫn trường hợp một số nước xung quanh, như Trung Quốc hiện đóng 33%, Nhật Bản gần 30%, Malaysia là 26,7%, Bồ Đào Nha là 35%.

Tuy nhiên, cũng có một số nước có tỷ lệ đóng BHXH thấp hơn Việt Nam, như Malaysia 26,7%, nhưng khi người lao động gặp rủi ro về tai nạn, ốm đau, thai sản người sử dụng lao động phải chăm lo. Do đó, “mức đóng BHXH hiện nay của Việt Nam là tương đối phù hợp”.

Ông Dung cho biết, Ban soạn thảo dự luật sẽ nghiêm túc phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu vào dự luật, để báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp tới đây. Mục tiêu là tiến tới BHXH đa tầng, BHXH toàn dân, khắc phục cơ bản những vướng mắc, khó khăn hiện nay.

MỚI - NÓNG