Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư: 'Biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức...'

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP.
TPO - Tại phiên toàn thể Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra hôm nay (27/9), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong bài phát biểu của mình cho rằng, BĐKH không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để tổ chức, sắp xếp lại vùng. .

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong ngày 26/9/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì hai phiên thảo luận chuyên đề về “Quy hoạch tổng thể theo hướng tích hợp Vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH” và “Cơ chế huy động, phân bổ, quản lý để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho phát triển Vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH”.

Căn cứ kết quả hai phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo những đề xuất, giải pháp về quy hoạch tổng thể và huy động nguồn lực.

Vẫn còn thiên về ứng phó cục bộ

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tại phiên thảo luận này, đã có 11 bài tham luận và 7 ý kiến thảo luận của các nhà khoa học, cơ quan quản lý Trung ương và địa phương, các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế và đại diện doanh nghiệp.

Các ý kiến thảo luận đều tập trung, thống nhất về một số vấn đề sau: BĐKH đối với ĐBSCL đã và đang diễn ra ngày càng nhanh hơn, khốc liệt hơn so với dự báo trước đây; tác động lớn đến phát triển bền vững của Vùng ĐBSCL, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân trong Vùng.

Đây là vấn đề có tính chất liên ngành, vượt qua phạm vi của một ngành, ranh giới hành chính của một địa phương. Tuy nhiên, các chương trình dự án, quy hoạch, kế hoạch, giải pháp đã và đang được thực hiện theo góc nhìn riêng rẽ của từng Bộ ngành, địa phương, còn thiên về ứng phó cục bộ; không dựa trên việc xem xét tổng thể về không gian, thời gian, liên ngành, liên vùng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, về công tác quy hoạch, hiện nay, đã có hơn 2500 quy hoạch được lập cho vùng ĐBSCL. Việc lập riêng rẽ nhiều quy hoạch, thiếu liên kết, thiếu tầm nhìn; không gắn với khả năng cân đối nguồn lực, thiếu tính khả thi; chất lượng quy hoạch kém gây khó khăn trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, cản trở việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân, gây lãng phí cơ hội, lãng phí nguồn lực của đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH đòi hỏi phải xử lý các vấn đề một cách tổng thể dựa trên bản quy hoạch vùng theo hướng tích hợp, với những quan điểm chủ đạo như tôn trọng sự vận hành tự nhiên của hệ sinh thái và chủ động thích ứng với BĐKH, thay thế cho quan điểm ứng phó, chống chọi, can thiệp sâu vào quy luật tự nhiên, làm huỷ hoại môi trường và hệ sinh thái.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, BĐKH không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội chuyển đổi mô hình sản xuất; tổ chức, sắp xếp lại không gian phát triển Vùng theo hướng hiệu quả, bền vững, điều chỉnh hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn phù hợp; Coi nước, đất và đa dạng sinh học là ba trụ cột chính để phân vùng hợp lý; coi kinh tế biển là một động lực quan trọng cho sự phát triển của Vùng.

Bên cạnh đó xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo, làm cơ sở để phát triển các lĩnh vực công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ…; Thay đổi tư duy về sản xuất nông nghiệp đảm bảo canh tác bền vững, chú trọng giá trị kinh tế thay cho sản lượng. Đồng thời, đảm bảo phát triển hài hòa giữa ba trụ cột kinh tế-xã hội-môi trường theo hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cuộc sống người dân.

Trên những cơ sở đó, báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu ra một số đề xuất, kiến nghị như việc lập quy hoạch tổng thể Vùng theo hướng tích hợp phải đi trước một bước và làm tiền đề cho việc xác định các ưu tiên phát triển, cũng như các chương trình, dự án cụ thể; quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước, cần coi nước mặn, nước lợ là một nguồn tài nguyên; cân nhắc diện tích trồng lúa theo hướng giảm dần cả về sản lượng, và diện tích lúa vụ 3 để chuyển đổi sang các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả; hạn chế khai thác nước ngầm một cách tùy tiện, đồng thời xem xét các giải pháp bù đắp nước ngầm như xây dựng thêm các hồ chứa; xây dựng cơ chế quản lý và điều phối Vùng hiệu quả v.v.v.

Ưu tiên đầu tư cho các dự án “Không hối tiếc'

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, ngân sách nhà nước đã dự kiến phân bổ cho các dự án đầu tư phục vụ cho các mục tiêu ứng phó với BĐKH của vùng ĐBSCL là khoảng 90,8 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, nhu cầu tối thiểu cho Vùng để khắc phục các thiệt hại gây ra bởi BĐKH và nâng cao khả năng chống chịu đối với các tác động cực đoan của BĐKH trong giai đoạn này là 105 nghìn tỷ đồng, chưa tính đến nhu cầu đầu tư khoảng 43 nghìn tỷ cho các dự án thủy lợi, cấp nước, xử lý nước thải được xác định là “không hối tiếc” theo Kế hoạch Châu thổ (MDP).

Bộ trưởng cho rằng, ngoài vấn đề hạn chế về nguồn lực, hiện nay việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực của chúng ta cho ứng phó với BĐKH cũng còn nhiều bất cập.

Nêu quan điểm về nguồn lực, Bộ trưởng cho rằng cần xác định nguồn lực để phát triển bao gồm tài nguyên thiên nhiên, con người và nguồn lực tài chính. Huy động nguồn lực trước tiên phải xuất phát từ chính nội tại Vùng ĐBSCL thông qua việc tái cơ cấu các ngành kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của Vùng và thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.

Theo Bộ trưởng, việc xác định nhu cầu đầu tư phải dựa trên quy hoạch tổng thể của vùng ĐBSCL, đồng thời là cơ sở để huy động, phân bổ và quản lý hiệu quả nguồn lực phục vụ phát triển vùng một cách bền vững.

Nguồn lực không chỉ từ ngân sách nhà nước mà còn phải có sự tham gia của khu vực tư nhân. Nhà nước không đầu tư vào các lĩnh vực, dự án mà tư nhân có thể tham gia (năng lượng, giao thông, thủy lợi nhỏ, cấp nước, xử lý rác thải…)

Huy động nguồn vốn nước ngoài gồm vay ưu đãi và không hoàn lại để đầu tư các công trình liên quan đến BĐKH, hỗ trợ kỹ thuật cho các giải pháp phi công trình, nâng cao năng lực…  Ưu tiên thỏa đáng từ nguồn ngân sách trung ương cho các công trình quan trọng, cấp bách ứng phó BĐKH.

Đề cập về giải pháp, đồng thời nêu một số kiến nghị, báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong giai đoạn 2016 - 2020 cần xác định các Dự án ưu tiên trên cơ sở Qui hoạch tích hợp và kiến nghị của MDP để ưu tiên bố trí vốn  trong giai đoạn 2018-2020 và 2021-2025;

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án BĐKH đã được bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả;

Rà soát lại các nguồn vốn trong trung hạn (bao gồm cả trái phiếu chính phủ, ODA) chưa đủ điều kiện phân bổ hoặc không có khả năng giải ngân để ưu tiên đầu tư cho một số dự án quan trọng, cấp bách thuộc danh mục các dự án “Không hối tiếc” theo MDP;

Các Bộ chủ động rà soát Kế hoạch đầu tư trung hạn, ưu tiên đầu tư cho các dự án liên quan đến BĐKH ở đồng bằng sông Cửu Long.

Xây dựng cơ chế thu hút đầu tư tư nhân, trong đó ngân sách nhà nước đóng vai trò chất xúc tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, hỗ trợ các dự án thí điểm.

Nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách môi trường đầu tư của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Với giai đoạn 2021 – 2025, ưu tiên bố trí ngân sách cho các  dự án ưu tiên theo Qui hoạch tích hợp, “Không hối tiếc”, các dự án sử dụng giải pháp mềm, phi công trình; xây dựng Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng ĐBSCL trên cơ sở qui hoạch tích hợp và Kịch bản “Không hối tiếc”;    tăng mức hỗ trợ của ngân sách Trung ương cho vùng lên mức 20% tổng số NSTW hỗ trợ cho các địa phương để đầu tư cho các dự án ưu tiên trên cơ sở Qui hoạch tích hợp và MDP cho Đồng bằng sông Cửu Long; Nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù sử dụng ODA cho các dự án BĐKH ở Đồng bằng sông Cửu Long.

MỚI - NÓNG