Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Biến thách thức thành cơ hội cho ĐBSCL

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hòa Hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hòa Hội.
TPO - Sáng 27/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên toàn thể Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các hội nghị chuyên đề đã diễn ra trong ngày 26/9.

Thủ tướng, cho biết từ chuyến đi khảo sát ở Hà Lan trước đây và ngày hôm qua trực tiếp đi khảo sát ĐBSCL đã thấy được tầm quan trọng của các giải pháp công trình, phi công trình, cũng như vai trò quan trọng của người dân và chính quyền cơ sở trong ứng phó với biến đổi khí hậu...

Dù phải đối mặt không ít thách thức nhưng Thủ tướng lạc quan vào tương lai của vùng đất này, với quyết tâm biến thách thức thành thời cơ, tầm nhìn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là kiến tạo phát triển bền vững ĐBSCL, nâng cao đời sống của nhân dân. “Chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị và người dân nhằm mang lại điều tốt hơn cho cuộc sống gần 20 triệu người dân cùng vượt qua thách thức để có một tương lai tươi sáng”-Thủ tướng lưu ý.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị đưa ra được những giải pháp chiến lược có biện pháp tổng thể, đồng bộ cả về trước mắt và lâu dài, những cơ chế chính sách phù hợp, huy động mọi nguồn lực... Thủ tướng nhấn mạnh các đại biểu thảo luận cần nói thẳng, phản biện cả những giải pháp của Chính phủ, các bộ ngành để tìm ra những giải pháp tốt nhất, với tinh thần vì ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu phát triển bền vững thịnh vượng.

 Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, tác động biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất hiện ở ĐBSCL nói riêng, Việt Nam nói chung. Việt Nam được coi là một trong năm quốc gia hứng chịu nặng nề nhất của BĐKH. Đồng thời, tác động phía thượng nguồn do các hoạt động kinh tế sử dụng nguồn nước như thủy điện, chuyển nước khỏi lưu vực hệ thống sông Mêkong, suy giảm nhanh diện tích rừng, thảm thực bì (nơi giữ nước, điều tiết nước) đã, đang và sẽ diễn ra ngày càng nghiêm trọng làm thay đổi nhanh chóng căn bản quy luật dòng chảy khi vào đến địa phận vùng châu thổ của chúng ta.

Song song đó, những điểm bất hợp lý trong sự phát triển kinh tế nội tại vùng Đồng bằng như việc khai thác tài nguyên cát sỏi, nguồn nước ngầm, các hoạt động kinh tế khác cũng gây nên tổn thương lớn đến vùng châu thổ và sự phát triển bền vững.

“Ba nhóm nguyên nhân chính đó cùng lúc tác động và với sự nhào trộn, cộng hưởng tạo ra những tác động tiêu cực lớn nhất trong lịch sử kiến tạo vùng đồng bằng châu thổ mà chúng ta phải chấp nhận đối mặt. Những tác động tiêu cực này sẽ tác động trực tiếp đến kinh tế xã hội, đời sống cư dân, tất cả các ngành kinh tế, các khu vực, song nông nghiệp –  nông dân – nông thôn sẽ là những đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất”-Bộ trưởng khẳng định.

Cụ thể, hạn, mặn đã dẫn đến lúa không đủ nước ngọt, thời vụ cũ sẽ có khó khăn do những sự thay đổi bất thường của thời tiết, khí hậu, thể hiện rõ nhất 17.000 ha lúa đông xuân 2016-2017 bị bệnh sâu năn cọng hành ở Kiên Giang, Cần Thơ do ảnh hưởng nền nhiệt thấp và mưa sớm. Hoặc thiệt hại lúa Đông Xuân và Xuân Hè giai đoạn thu hoạch vừa qua do mưa lớn, mưa quá nhiều cuối vụ.

Hơn nữa, sự thay đổi quy luật đó cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến nuôi trồng thủy sản mặn lợ, do sự thay đổi nhanh chóng độ mặn và môi trường nước. Đối với đời sống dân cư ven sông, ven biển, sự cộng hưởng tác động đã làm cho tốc độ sạt lở diễn ra nhiều hơn, nhanh hơn gây thiệt hại đến tài sản và đe dọa tính mạng người dân cũng như các thiết chế hạ tầng kinh tế. Hạn mặn xuất hiện nhiều hơn một bộ phận người dân sẽ thiếu nước sinh hoạt trong các tháng mùa khô, điển hình 1 triệu người thiếu nước ngọt đầu năm 2016.

“Tất cả các dạng tác động xấu đó xảy ra ngày càng phức tạp hơn, gây ra thiệt hại lớn hơn. Nông nghiệp ĐBSCL sẽ không còn trù phú, cải thiện sinh kế và việc làm người nông dân trở nên khó khăn hơn, do vậy có thể nói tác động đến khu vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn là lớn nhất, sớm nhất”-Bộ trưởng nông ngiệp nói.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, mặc dù nông nghiệp ĐBSCL còn rất nhiều điều bất cập, từ sản xuất nhỏ lẻ manh mún, chuỗi giá trị chưa cao, khoa học công nghệ, chế biến sâu đến tổ chức thị trường,… chưa tốt và đang đối mặt với những thách thức lớn chưa từng thấy, song đây vẫn là vùng có tiềm năng phát triển trở thanh vùng nông nghiệp giàu có của đất nước, của khu vực và của hội nhập thế giới.

Trong ngày 26/9, Hội nghị đã diễn ra 3 phiên thảo luận chuyên đề bàn sâu về các vấn đề. Cụ thể, phiên 1 bàn về tổng quan, thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì. Phiên 2 thảo luận về quy hoạch tổng thể phát triển vùng ĐBSCL, huy động điều phối nguồn lực cho phát triển vùng ĐBSCL do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Phiên 3 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thảo luận về nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sát lở.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.