Trao đổi với Tiền Phong về sự việc trên, ông Nguyễn Huy Quang cho rằng, để có công văn mà Bộ Y tế ký gửi doanh nghiệp, chúng ta nên xem xét lại cả một quá trình. Đầu tiên là do thiếu hụt i-ốt trong ăn uống nên các bệnh bướu cổ, đần độn... quay trở lại. Để phòng ngừa các bệnh do thiếu i-ốt gây ra, một biện pháp mang tính công cộng và hiệu quả là tăng cường sử dụng muối i-ốt. Theo đó, Chính phủ đã ban hành nghị định 09 vào ngày 28/1/2016 và có hiệu lực từ 15/3/2017. Trong đó, có quy định tại điểm a khoản 1, Điều 6 của Nghị định là muối ăn dùng trong chế biến thực thực, muối ăn thông thường là phải được tăng cường I-ốt. Ngoài ra, tại điều 6 còn quy định: “thực phẩm bắt buộc phải tăng cường vi chất i-ốt”.
Như vậy, các thực phẩm bắt buộc tăng cường như muối dùng để ăn trực tiếp, muối dùng trong chế biến thực phẩm. Theo ông Quang khi đưa ra các vấn đề này, Chính phủ đã xem xét trên các bằng chứng khoa học và thực tiễn về việc I-ốt có mất đi trong chế biến không, có làm biến đổi màu sắc hay không, có làm rào cản trong hoạt động thương mại không... Dựa vào các điều đó, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới, Unicef cùng các chuyên gia đã cung cấp các bằng chứng trong nước và thế giới một cách khách quan cho thấy không có ảnh hưởng nào. Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định trên.
Ngày 15/3/2017 Nghị định có hiệu lực, vì vậy khi các doanh nghiệp khi sử dụng thực phẩm đều phải bổ sung muối i- ốt. Đây là Nghị định của Chính phủ do Chính phủ ban hành vì lợi ích sức khoẻ của người dân, không có xuất hiện bất cứ yếu tố gì liên quan đến lợi ích nhóm hay cản trở doanh nghiệp liên quan đến thủ tục hành chính.
Vì vậy, theo tôi trong một năm đó, doanh nghiệp phải chuẩn bị để đến khi Nghị định có hiệu lực thì các sản phẩm của họ phải được bổ sung i-ốt rồi. Nhưng thực tế đến tháng 5/2017 doanh nghiệp vẫn chưa làm. Nhiều doanh nghiệp nêu lý do là nếu sử dụng i-ốt thì làm mất đi trong quá trình chế biến, tăng giá thành tăng, làm biến đổi màu sắc... sau đó, Chính phủ chủ trì họp với doanh nghiệp.
“Đây là một Nghị định của Chính phủ ban hành- là một văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, các doanh nghiệp phải thực hiện. Nếu doanh nghiệp không thực hiện thì phải phản ánh với Bộ Y tế để Bộ và các cơ quan chức năng tổng hợp nhằm có sự ủng hộ chung. Chứ Bộ Y tế không thể ra một văn bản nào để cho doanh nghiệp thực hiện và không thực hiện việc này cả”- ông Nguyễn Huy Quang khẳng định.
Sau khi có hiệu lực, doanh nghiệp mới “kêu”
Điều đáng nói, theo ông Quang là Nghị định kéo dài hơn 1 năm có hiệu lực để các doanh nghiệp thực hiện. Nhưng tháng 3/2017 là có hiệu lực thì đến tháng 5/2017 doanh nghiệp mới “kêu”. Ngay sau đó Bộ Y tế ra công văn là không chứa quy phạm pháp luật, chỉ nhắc các doanh nghiệp là phải thực hiện theo đúng tinh thần Nghị định 09.
Văn bản của Bộ Y tế gửi đến doanh nghiệp nêu rõ: “Trong quá trình thực hiện nếu sản phẩm thực phẩm mà bị biến đổi màu, mùi vị làm ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ người tiêu dùng như doanh nghiệp báo cáo” thì gửi mẫu sản phẩm và thông tin. Theo ông Quang, ví dụ nếu có, lúc đó Bộ Y tế sẽ tổng hợp ý kiến, tiếp thu và trình Chính phủ bổ sung. Nhưng thực tế, doanh nghiệp không thực hiện gì cả, có thể coi là họ vi phạm pháp luật. “Tôi xin khẳng định lại đây là công văn nhắc nhở theo thẩm quyền”- ông Quang nói đồng thời cho biết Bộ Y tế sẽ có văn bản báo cáo trung thực, khách quan và minh bạch quá trình ban hành văn bản này để gửi Thủ tướng Chính phủ.
“Công văn này không phát sinh một thủ tục hành chính nào mà Bộ Y tế gửi cho doanh nghiệp thực hiện mà thôi. Không có gì trái với Nghị định 09 cả. Như vậy, việc này phù hợp với Vụ pháp chế. Tôi ký là thừa lệnh thôi”- ông Nguyễn Huy Quang.