Làm việc với Bộ Y tế, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: “Cứ bao biện thì không cần nghe nữa”

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trường Phong.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trường Phong.
TP - Sáng 20/9, làm việc với Bộ Y tế, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã yêu cầu Bộ Y tế hủy bỏ ngay công văn 1216 có nội dung trái ý kiến kết luận của Thủ tướng, chống lợi ích nhóm, chống co kéo lợi ích cục bộ; đồng thời hoan nghênh việc Bộ Y tế cam kết sẽ giảm 90% số hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.

Nói một đằng làm một nẻo

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng tới Bộ Y tế là, hiện có rất nhiều mặt hàng kiểm tra chuyên ngành, phải bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước nhưng cũng phải tạo điều kiện thông thoáng cho kinh tế phát triển, tháo gỡ khó khăn cho người dân, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. “Chúng ta đặt vấn đề an toàn sức khỏe nhân dân, nhưng nói một đằng làm một nẻo. Tại cảng kiểm tra mà không có sản phẩm, chỉ kiểm tra hồ sơ. Còn thực tế thì doanh nghiệp mang một sản phẩm khác lên trụ sở Cục ATTP làm. Chúng tôi có đủ cơ sở để nói việc này, các doanh nghiệp kêu rất nhiều, chúng ta không thể bao biện được”, ông Dũng nêu.

Cũng theo ông Dũng, hiện nay, Bộ Y tế vẫn kiểm tra 100% lô hàng thực phẩm nhập khẩu, bất kể là hàng tạm nhập tái xuất, hàng miễn thuế, hàng gia công sản xuất xuất khẩu… Đặc biệt ông Dũng nêu việc Bộ Y tế ban hành văn bản không đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, sau nhiều cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kết luận không quy định yêu cầu kiểm tra doanh nghiệp phải sử dụng muối i ốt trong chế biến thực phẩm mà chỉ kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất muối phải bổ sung i ốt. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Y tế ký một công văn hoàn toàn trái ý kiến kết luận.

“Đây là công văn hoàn toàn sai, ngược lại kết luận thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng. Đây là tự Vụ Pháp chế sinh ra giấy phép con không đúng thẩm quyền của Vụ trưởng. Vụ trưởng không được ký các văn bản liên quan đến các quy định. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế ra thông báo hủy bỏ công văn này, thay công văn khác đúng theo kết luận của Phó Thủ tướng”, ông Dũng yêu cầu.

Chống lợi ích nhóm

Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đọc báo cáo chung trả lời về các vấn đề, tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng không hài lòng, yêu cầu tập trung vào các con số và giải pháp cụ thể. “Nói như vừa rồi thì làm tốt hết rồi, chẳng phải làm gì nữa, không có gì phải bàn cãi nữa. Tới đây là an toàn thực phẩm cần giảm cái gì. Tiền kiểm, hậu kiểm những gì? Quản lý rủi ro thế nào. Giảm ngày công và giảm chi phí thế nào? Cứ bao biện thì chúng tôi không cần nghe nữa”, ông Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tất cả các vấn đề cần phải thẳng thắn, không nên quanh co. “Nếu Bộ Y tế làm được thì nói là làm được, còn nếu không làm được thì nói để chúng tôi báo cáo Thủ tướng quyết định”, Bộ trưởng Dũng nói và cho biết, qua cuộc kiểm tra tại Hải quan Hải Phòng hôm 19/9, ngành y tế chỉ kiểm tra bằng cảm quan tại cảng, không xét nghiệm. Nếu xét nghiệm, doanh nghiệp lên Hà Nội và tự mang sản phẩm tới, nhưng không chắc có lấy sản phẩm từ container chứa hàng nhập khẩu cần kiểm tra không hay xách tay hàng khác. “Bộ Y tế cùng với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương làm cho doanh nghiệp phải tốn 28 triệu 793 nghìn ngày công trong tổng số 30 triệu ngày, tốn 12.208 tỷ đồng trong tổng số 14.300 tỷ đồng kiểm tra chuyên ngành. Hôm nay nói việc này để công khai”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.

Đồng tình với nhiều nhận định mà của Tổ công tác nêu ra, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, những thủ tục nào, giấy phép nào có thể bỏ thì Bộ Y tế sẽ bỏ ngay. Những thủ tục, giấy phép nào thực sự cần thiết để đảm bảo sức khỏe của người dân thì sẽ tiếp tục bàn thảo. “Những giấy phép, thủ tục có thể bỏ được thì bỏ, không có lợi ích nhóm. Một ngày lưu bãi của doanh nghiệp chờ giấy phép là rất vất vả. Kể cả giấy phép đến khi đang ăn cũng phải dừng ăn để ký cho doanh nghiệp”, bà Tiến khẳng định.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định sẽ sửa đổi triệt để Nghị định 38, tiếp thu ý kiến về vấn đề sử dụng muối i ốt. Bộ cũng sẽ làm việc với các Bộ theo tinh thần mỗi sản phẩm chỉ 1 bộ quản lý. “Đất nước muốn giàu có thì doanh nghiệp phải phát triển”, Bộ trưởng nêu quan điểm.

Kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Y tế rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, giảm bớt các văn bản điều chỉnh một sản phẩm, theo hướng một mặt hàng chỉ phải chịu sự điều chỉnh của một văn bản và chỉ chịu sự kiểm soát, kiểm tra của một đơn vị trong Bộ, và sự kiểm tra, kiểm soát của một Bộ. Cùng với đó, chủ động rút gọn danh mục hàng phải kiểm tra, minh bạch hóa trong kiểm tra chuyên ngành, thay đổi phương thức, đơn giản thủ tục kiểm tra, loại hình nào tiền kiểm, hậu kiểm. “Với những thông tin đã công bố hôm nay trước báo chí, đề nghị Bộ phải thực hiện nghiêm”, ông Dũng lưu ý.

“Hiệp hội Dược không dám dự cuộc làm việc với Bộ Y tế”

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, lãnh đạo Hiệp hội Dược dù được mời nhưng không dám dự cuộc làm việc với Bộ Y tế sáng 20/9. “Tôi có mời đại diện các hiệp hội. Phải nói là tôi rất trách Hiệp hội Dược. Vừa gọi điện, vừa gửi giấy mời mà run không dám dự. Thôi thế thì đừng đại diện cho hội doanh nghiệp Dược nữa. Đến đây phản ánh trung thực nhất, minh bạch cho doanh nghiệp của mình đại diện, trao đổi đàng hoàng, minh bạch với nhau, việc gì phải né tránh mà không dám dự”, ông Dũng nói.

MỚI - NÓNG
Thái Nguyên chốt phương án sắp xếp tinh gọn bộ máy
Thái Nguyên chốt phương án sắp xếp tinh gọn bộ máy
TPO - Với việc thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tỉnh Thái Nguyên sẽ giảm được một cơ quan khối Đảng cấp tỉnh, giảm 9 cơ quan khối Đảng của cấp huyện; giảm 6 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 36 phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.