Tư duy mới cho ĐBSCL

Tư duy mới cho ĐBSCL
TP - Một nhà nông học vừa giới thiệu với quốc tế thành tựu làm cho lúa chẳng những sống mà còn tạo năng suất 4 tấn lúa khô/ha tại vùng đất mà không giống phổ thông nào chịu nổi. Song có nhất thiết cứ phải nhân rộng kinh nghiệm ở nơi được mệnh danh là “cánh đồng chó ngáp” ấy ra nhiều chỗ khác?

Tại cuộc gặp gỡ quốc tế ở Cần Thơ cuối tháng 5/2017, PGS.TS. Mai Thành Phụng - PGĐ Trung tâm Nghiên cứu&Tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới, cho biết Một Bụi Đỏ - một giống lúa bản địa - và giống Lúa Sỏi có thể trổ đòng rồi đơm hạt chín mẩy trên đất có độ mặn đến 10 phần nghìn (‰) ở huyện Hồng Dân (Bạc Liêu). Với các giống hiện hành, chỉ cần 2-5‰ độ mặn là “hả họng”, vỏ mở hoác mà không sao khép lại và khi chín thì hạt lép.

Tuy nhiên, không chỉ hai giống này, ngay cả thứ siêu chịu mặn (12‰) chưa kịp đặt tên và đang thử nghiệm ở huyện Cái Nước (Cà Mau), vẫn chưa chắc chắn. Chưa ai dám chắc chúng thích ứng với các vùng nhiễm mặn và phèn khác. Thực tiễn đầy bài học về nhân rộng mô hình. Nói cách khác, có nên tiếp tục theo hướng  “trồng cây gì” kể cả nhìn thấy thành công như trên?

Theo TS Lê Anh Tuấn - Đại học Cần Thơ, mục tiêu phát triển bền vững cho ĐBSCL mà hội nghị toàn quốc lớn nhất từ trước đến nay kéo dài hai ngày, 26-27/9, hướng đến phải dựa trên ba nền tảng. Đó là an ninh xã hội, an ninh lương thực và, nhất là, an ninh nguồn nước. Trong số sáu thách thức đến an ninh nguồn nước ở ĐBSCL, nghiêm trọng nhất là các dự án thủy điện và chuyển nước ở thượng nguồn Mekong mà chúng ta không kiểm soát được. Đã thế 85% lượng nước dòng chính Mekong được cấp cho ĐBSCL trong khi nông nghiệp ĐBSCL phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống thủy lợi, vào nguồn nước.

Theo TS Thanapong Piman, Viện Môi trường Stockholm (SEI), diện tích được tưới tiêu của VN ở ĐBSCL vượt xa bốn nước khác thuộc châu thổ Mekong, chiếm 68% trong tổng số 4-5 triệu ha so với 17%, 10%, và 5% của Thailand, Campuchia, và Lào. Các nước này sẽ tăng cường tưới tiêu với lượng nước chuyển khổng lồ từ nay đến 2020.

Điều đó làm trầm trọng thêm nguồn nước cho nông nghiệp ĐBSCL vốn chiếm 94% tổng lượng nước tiêu thụ cho toàn vùng, theo báo cáo 2017 của Tổ chức Nông Lương Quốc tế, mà lúa là chủ đạo. Đấy là chưa kể chính chúng ta định làm loạt dự án công nghiệp, nhất là 12 nhà máy nhiệt điện ngốn nước vô kể, tại ĐBSCL.

Xâm nhập mặn vào nội đồng ngày càng sâu do nước biển dâng; nước ngọt ngày càng khan do cạn kiệt dòng chảy ở thượng nguồn. Một trong những cách thức thích ứng khôn ngoan hơn cả, phải chăng là ưu tiên phát triển thủy hải sản tự nhiên vốn đã thích nghi muôn đời với sông nước ĐBSCL?

Đã đến lúc gỡ vòng kim cô tư duy lúc nào cũng bắt ĐBSCL gánh quá nửa tổng sản lượng gạo cả nước. Thậm chí, khi thế giới đã thành một thị trường, nên đưa vào bảo tàng nỗi sợ ngày nào đó Việt Nam từ xuất gạo thành nhập khẩu kiểu như ở Philippines hay Fiji.

MỚI - NÓNG