Phát biểu tại hội nghị PGS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ cho biết, trong những năm gần đây ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ chịu các tác động của thời tiết, hiện tượng biến đổi khí hậu và chịu tác động của môi trường từ các đập thủy điện trên dòng chính sông Mêkông. “Sự phát triển rầm rộ các đập thủy điện ở thượng nguồn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước đồng bằng”- PGS.TS Hà Thanh Toàn nói.
Tác động dây chuyền
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn - Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu Trường ĐH Cần Thơ, hiện có nhiều nguyên nhân đe dọa ĐBSCL liên quan đến nước và phù sa. Vấn đề đầu tiên là sự hình thành một loạt đập thủy điện từ Trung Quốc đến Lào. Có nhiều báo cáo của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế khẳng định là khi xây đập như vậy sẽ di dời hàng ngàn nhà cửa của người dân, làm thay đổi chế độ dòng chảy hạ lưu, làm mất đi hàng chục triệu tấn phù sa.
Ông Tuấn dẫn số liệu nghiên cứu và cho biết, sau khi Trung Quốc xây dựng 6 đập thủy điện ở tỉnh Vân Nam, lượng phù sa về ĐBSCL từ 160 triệu tấn giảm xuống còn khoảng 85 triệu tấn/năm, tức có 50% phù sa bị giữ lại ở các đập thủy điện. Điều này dẫn đến chuyện các nước hạ lưu “đói” phù sa, dẫn đến sạt lở nghiêm trọng ở ĐBSCL. Khảo sát trung bình mỗi năm ĐBSCL mất 500 héc ta đất, và xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở và các điểm sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn. Đập thủy điện này ngăn chặn giao thông thủy và đe dọa nguồn cá. Cá không thể đi vượt lên các đập thủy điện để sinh sản, dẫn đến không còn cá con về ĐBSCL. Tính đa dạng sinh học bị de dọa nghiêm trọng, nhiều loài có khả năng bị tuyệt chủng.
Vấn đề thứ 2 là vùng đất ngập nước bị thu hẹp. Rất nhiều rủi ro khác có thể xảy ra mà bây giờ chúng ta chưa đoán được, như thay đổi về sản xuất, nơi cư trú…làm gia tăng di dân và tạo nên xáo trộn xã hội mà chúng ta chưa hình dung nó như thế nào. Một điều đáng chú ý là chuyện nước trên sông Mêkông vào mùa khô giảm mạnh. Lượng nước trung bình dòng chảy đến hạ lưu trung bình 2.500m3/s, nhưng có những năm khô hạn thì thấp hơn. Ghi nhận được tốc độ chảy thấp nhất 1.200m3/s.
Những tác động kể trên kết hợp và biến đổi khí hậu sẽ tạo ra tác động kép về dòng chảy, ô nhiễm, xâm nhập mặn và tăng sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Như vậy, vấn đề an ninh nguồn nước ĐBSCL là vấn đề cấp bách. Tất cả sản xuất ở ĐBSCL đều phụ thuộc vào nguồn nước và một khi an ninh nguồn nước mất đi thì an ninh lương thực bị đe dọa, an ninh xã hội bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, phù sa là điều cần thiết để hình thành và kiến tạo ĐBSCL. Nhờ phù sa đem đến ĐBSCL mỗi năm khoảng 160 triệu tấn. Chính phù sa là tấm áo giáp quan trọng bảo vệ vùng đồng bằng không bị xâm thực biển và vươn ra ngoài. Nhờ phù sa mang chất dinh dưỡng nuôi rất nhiều loài sinh vật tạo sự đa dạng sinh học.
Nhiều tác hại chưa được tính đến
Theo PGS. TS Lê Anh Tuấn, có 6 thách thức đối với ĐBSCL hiện nay: thứ nhất là biến đổi khí hậu; thứ hai gia tăng dân số và di dân; thứ ba khai thác tài nguyên quá mức; thứ tư suy giảm môi trường; thứ năm thay đổi sử dụng đất và thứ sáu là đe dọa của đập thủy điện thượng nguồn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ĐBSCL có thể thích ứng với hầu hết các thách thức kể trên, riêng việc hình thành đập thủy điện thượng nguồn và các dự án chuyển nước gần như chúng ta không thể kiểm soát và không thể thích ứng được trong điều kiện hiện nay.
Tiến sĩ Dương Văn Ni-Khoa Môi trường, Trường ĐH Cần Thơ nhận định: “Tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn đã gây hại ước tính khoảng 50 triệu USD trong năm 2015-2016. Đây là hậu quả của việc con người tác động vào dòng chảy sông Mêkông khiến cả vùng lưu vực đang đứng trước nguy cơ thiệt hại vô cùng to lớn”.
Theo ông Alan Marshall - chuyên gia đến từ Đại học Mahidol (Thái Lan) phân tích: “Hàng trăm cồn giữa sông đoạn chảy qua các nước như: Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan và Lào sẽ bị thổi bay. Tác hại từ việc thay đổi dòng chảy đối với an ninh nước và lương thực trong khu vực chưa hề được tính đến dù nguy cơ vô cùng lớn”.
Ông Nguyễn Nhân Quảng – chuyên gia quản lý lưu vực sông Mêkông nhận định: “Những dự án thủy điện của Trung Quốc đã bắt đầu gây ảnh hưởng đến các dòng chảy sông Mêkông xuống hạ lưu của chúng ta”.
ĐBSCL là vùng kinh tế quan trọng, bởi nó cung cấp hơn 53% gạo và hoa màu, 85% cá, 75% trái cây cho nội địa và xuất khẩu. Hiện ĐBSCL xuất khẩu gần 25 triệu tấn gạo cho thế giới, đóng góp lớn vấn đề an ninh lương thực cho Việt Nam và thế giới. Năm 2016 nước mặn xâm nhập sâu vào ĐBSCL 60-70km. TP Cần Thơ lần đầu tiên bị xâm nhập mặn.