Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc các tỉnh ĐBSCL về sạt lở

Sạt lở bờ sông Tiền ở xã Bình Thành (Thành Bình, Đồng Tháp).
Sạt lở bờ sông Tiền ở xã Bình Thành (Thành Bình, Đồng Tháp).
TPO - Chiều 15/5, tại An Giang, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL về công tác phòng chống sạt lở. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, tình trạng sạt lở đang xảy ra ở nhiều nơi trong vùng ĐBSCL như: Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu... ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là ở An giang và Đồng Tháp.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc các tỉnh ĐBSCL về sạt lở ảnh 1 Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu.

Theo Phó thủ tướng, hiện nay chưa có giải pháp đồng bộ khắc phục sạt lở bờ sông bờ biển. Đồng thời, chưa có đánh giá tổng hợp khoa học cả về tình hình, nguyên nhân để  đề ra giải pháp hay lộ trình phù hợp.

Phó thủ tướng yêu cầu trước mắt, các địa phương bảo về tính mạng, tài sản cho người dân, ổn định cuộc sống. Đồng thời, ở các khu vực có nguy cơ sạt lở cao phải theo dõi chặt chẽ, quan trắc, cảnh báo để có kế hoạch cảnh báo sớm sơ tán người dân nhanh nhất để không thiệt hại tính mạng. Còn đối với khu vực phải di dời hoặc tiếp tục sạt lỡ, các địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ người dân ổn định chỗ ở có việc làm, con em học hành.

Phó Thủ tướng đề nghị, xem xét sơ tán khẩn cấp người dân tại khu vực nguy hiểm, xử lý các điểm sạt lở nguy hiệm trêm cơ sở  đánh giá của các cơ quan chức năng. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra các công trình ven sông ven biển để kịp thời bảo vệ công trình chống sạt lở, kiểm tra khai thác cát sỏi ven sông ven biển, đặc biệt là việc khai thác trái phép, không đúng quy hoạch, khai thác phải có quy hoạch.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc các tỉnh ĐBSCL về sạt lở ảnh 2 Khai thác cát trên sông Tiền đoạn ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp).

 Ngoài ra, Phó thủ tướng giao Bộ NN&PTNT trủ trì phối hợp tập trung lập quy hoạch bờ sông, bờ biển và đánh giá những nguyên nhân và đưa ra các giải pháp đồng bộ.

Từ đó mới huy đồng các nguồn lực phù hợp với điều kiện hoàn chỉnh các hệ thống quy chuẩn chống sạt lở bờ sông. Còn chỉ đạo Bộ TN&MT tổ chức rà soát các cấp độ thiên tai trình chính phủ phê duyệt; phối hợp nghiên cứu các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) nước biển dâng để phòng chống xói lở, đánh giá hằng năm về tổng lượng bùn cát đã về và tổng lượng khai thác ở vùng ĐBSCL, rà soát lại quy hoạch khai thác cát ở sông và biển; quy hoạch điều chỉnh lại chương trình xây dựng các cụm tuyến dân cư.

 Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, kết quả khảo sát của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã sơ bộ nhân định một số nguyên nhân đã gây ra các vụ sạt lở nghiêm trong trên địa bàn tỉnh An Giang nói chung và sạt lở tại bờ sông Vàm Nao, đoạn chảy qua ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới nói riêng là do các đập thượng nguồn giữ lại bùn cát nên dòng chảy hạ lưu bị đói bùn cát. Vì thế để cân bằng năng lượng dư thừa buộc dòng nước phải bào xói vào bờ.

Kết quả điều tra khảo sát, tính toán ổn định mái dốc cho thấy tại nhiều vị trí mặt cắt hệ số ổn định K < 1.000, bờ sông có nguy cơ mất ổn định cao. Hệ số K ứng với mực nước lớn nhất lớn hơn so với mực nước nhỏ nhất (trong cùng điều kiện tải trọng tác dụng). Điều này có thể giải thích là do nước sông tạo thành nêm vật chất, làm cân bằng cơ học lực gây trượt và lực chống trượt làm tăng hệ số ổn định bờ sông.

Độ ổn định sẽ giảm khi mực nước sông rút nhanh, áp lực nước lỗ rỗng không kịp tiêu tán hết trong nền sét bão hòa nước tạo ra dòng thấm làm tăng nguy cơ sạt lở. Đồng thời, các hoạt động giao thông, xây dựng công trình, chất thải gần bờ sông làm tăng nguy cơ sạt lở bờ.

Đây có thể là một trong các nguyên gây nên các diễn biến phức tạp về xói lở bờ sông tại An Giang. Theo Bộ Trưởng Hà thì khả năng vùng này còn tiếp tục xói vì chưa đạt tới trạng thái cân bằng của lòng dẫn. 

Để khẩn trương khắc phục tình trạng sạt lở đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân, Bộ Trưởng TN&MT Trần Hồng Hà kiến nghị, trước mắt, Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh An Giang triển khai ngay việc hỗ trợ, tái định cư cho người dân khu vực sạt lở để đảm bảo sớm ổn định đời sống.

Còn giải pháp lâu dài thì sớm xem xét phê duyệt danh mục các Dự án thuộc chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh hoặc cho phép triển khai trước Dự án Chống sạt lở sông Hậu. 

Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, trong những năm qua, tình hình diễn biến thiên tai diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng ngay cả trong mùa khô, đặc biệt là sạt lở dọc ttheo cáo tuyến sông Tiền, sông Hậu.

Cụ thể, theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có 51 đoạn với tổng chiều dài khoảng 162 km, gây ảnh hưởng cho 20.000 hộ dân, trong đó có hơn 5.380 hộ dân cần di dời khần cấp ra khỏi khu vực sạt lở, gây khó khăn đến đời sống, sinh hoạt sản xuất của người dân.

Trưa 15/5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến khảo sát sạt lở tại xã Mỹ Hội Đông (Chợ Mới, An Giang), nơi sạt lở nghiêm trọng khiến 14 căn nhà sụp hoàn toàn xuống sông ngày 22/4 vừa qua. Kết quả quan trắc của Sở TN&MT An Giang, tại khu vực này xuất hiện 2 hố xoáy sâu từ  - 20 đến 40m cách bờ lần lượt từ 90 đến 180m. Tại đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tỉnh An Giang tiếp tục theo dõi, nghiêm cấm người dân vào khu vực này, cần có giải pháp đảm bảo an toàn cho các phương tiện thủy qua khu vực này. Đồng thời, quan trắc lại toàn bộ bờ sông khu vực sạt lở, tổng hợp những giải pháp khắc phục báo cáo Chính phủ.

MỚI - NÓNG