Khẩn trương ứng phó sạt lở ven biển ĐBSCL

TP - Ngày 29/5, tại Cà Mau, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác làm việc với lãnh đạo các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL về phòng chống sạt lở, xâm thực bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn. Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành cùng với các địa phương khẩn trương ứng phó có hiệu quả với sạt lở, biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Phó Thủ tướng cho rằng nguyên nhân gây nên sạt lở nghiêm trọng ở vùng ĐBSCL là do mất cân bằng bùn cát, lượng phù sa; thay đổi dòng chảy và tác động sóng biển; chặt phá rừng ngập mặn ven biển; khai thác quá mức nước ngầm, sụt lún đất, xây dựng nhà ở và các công trình hạ tầng ven biển...

Bộ NN&PTNT cho biết, các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL có khoảng 774km, trong đó có đến 24 khu vực thường xuyên bị xói lở với tổng chiều dài khoảng 147km, tốc độ xói lở từ 5 - 45 m/năm. Bình quân, mỗi năm ĐBSCL mất đi khoảng 500ha đất do xói lở. Trong đó, sạt lở nghiêm trọng xảy ra ở các khu vực ven biển, như: Gò Công Đông (Tiền Giang); Bình Đại (Bến Tre); Vĩnh Châu (Sóc Trăng); Nhà Mát, Gành Hào (Bạc Liêu); Vàm Xoáy, cửa Rạch Rốc (huyện Ngọc Hiển) và nhiều điểm xung yếu ven bờ Biển Tây (Cà Mau). Sạt lở làm mất đất, suy yếu rừng phòng hộ, giảm gần 10% , tương đương 15.339ha, trong vòng 5 năm qua.

Tại Cà Mau, do chịu tác động của biến đổi khí hậu, triều cường, sóng dữ gây xói lở bờ biển. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, Cà Mau hiện có khoảng 2/3 diện tích bờ biển bị sạt lở. Chỉ tính từ năm 2007 tới nay, ven biển đã bị mất hơn 4.000ha, đe dọa nhiều khu dân cư ven biển. Vì vậy cần phải di dân kết hợp tái định cư vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, đồng thời có giải pháp, công trình khẩn cấp để ứng phó để bảo vệ đất đai, tài sản của người dân cùng các công trình hạ tầng quan trọng khác.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị Chính phủ bổ sung và tăng vốn hỗ trợ thực hiện các công trình, dự án chống sạt lở ven biển kết hợp trồng rừng. Tỉnh Cà Mau cũng xin được tăng hạn mức huy động vốn, cơ chế đặc thù để huy động vốn từ doanh nghiệp đầu tư các công trình, dự án chống sạt lở ven biển kết hợp với khai thác du lịch…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ liên quan, nghiên cứu về phòng, chống sạt lở bờ biển, đề ra các giải pháp ứng phó phù hợp, lập quy hoạch đồng bộ chống sạt lở toàn vùng để có cơ sở về nguồn lực, cơ cấu đầu tư, cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư các công trình; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí nguồn vốn ODA để đầu tư cho các dự án xây dựng kè, đê biển chống sạt lở.

Trước mắt, Phó Thủ tướng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần ưu tiên bố trí nguồn vốn dự phòng cho những địa phương xử lý chống sạt lở ở những điểm khẩn cấp. Cấp vốn để các địa phương ven biển ĐBSCL xây dựng những công trình chống sạt lở trước mắt và trung hạn.

MỚI - NÓNG