“Hội nghị Diên Hồng” vùng ĐBSCL: Cách nào cứu ĐBSCL khỏi lún sụt?

Rừng phòng hộ bị sạt lở (ảnh to); Một biển báo hiệu cũng bị xô ngã (ảnh nhỏ). Ảnh: Tiến Hưng.
Rừng phòng hộ bị sạt lở (ảnh to); Một biển báo hiệu cũng bị xô ngã (ảnh nhỏ). Ảnh: Tiến Hưng.
TP - Ngày 26/9, tại Cần Thơ đã khai mạc Hội nghị về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu với sự tham dự của Phó Thủ tướng kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ Vương Đình Huệ và hơn 1.000 đại biểu trong và ngoài nước. 

ĐBSCL đang đối mặt trước rất nhiều thách thức và đây được xem là “Hội nghị Diên Hồng” nhằm tìm kiếm các giải pháp đưa vùng đồng bằng rộng này vượt qua những thách thức.

Sụt lún, sạt lở bủa vây

Bộ NN&PTNT cho biết, hiện ĐBSCL có khoảng 550 điểm sạt lở với tổng chiều dài gần 800 km, chủ yếu diễn ra dọc sông Tiền, sông Hậu, Vàm cỏ Đông, Vàm cỏ Tây và ngày càng có xu hướng gia tăng về mức độ nghiêm trọng. Từ năm 2005 đến nay, bờ biển vùng ĐBSCL bị xói lở với tốc độ khoảng 300 ha/năm, xảy ra chủ yếu dọc bờ biển Kiên Giang và Cà Mau. Tốc độ sụt lún do khai thác nước ngầm cũng đang có xu hướng ngày càng nghiêm trọng. Cụ thể, tại Cà Mau lún 1,9 - 2,8 cm/năm, tốc độ lún lớn nhất có thể lên  tới 3,3 cm/năm. Khu vực Hậu Giang có tốc độ lún do khai thác nước ngầm khoảng 3,01- 3,03 cm/năm và có thể xảy ra ở hầu hết các tỉnh trong khu vực. 

Ông Lương Quang Xô - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam cho rằng, ĐBSCL bị tác động kép bởi biến đổi khí hậu với tác động bất lợi từ phát triển thượng nguồn, nội tại của vùng dẫn đến xâm nhập mặn, xói lở với cường độ ngày càng tăng, rất khó dự báo tác động … 

Dẫn kết quả nghiên cứu của Đại học Utrectch (Hà Lan) ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL cho biết, sự sụt lún liên quan đến khai thác nước ngầm đã tăng dần trong các thập niên vừa qua. Cụ thể, từ 1991 đến 2016, ĐBSCL đã sụt lún trung bình 18cm do khai thác nước ngầm. Tốc độ sụt lún trung bình hiện nay do khai thác nước ngầm, tính toán theo mô hình là 1.1cm/năm, có những nơi sụt lún 2.5cm/năm, cao hơn 10 lần so với tốc độ nước biển dâng.

Trong 25 năm qua, những vùng lớn của ĐBSCL đã bị hạ mực nước ngầm hơn 5m. Kết quả mô hình sụt giảm trung bình trên toàn đồng bằng cho thấy, tầng nước càng sâu càng sụt giảm nhiều và những vùng sụt giảm mạnh là những vùng xung quanh các đô thị lớn, các khu công nghiệp có khai thác nước ngầm nhiều như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Long An, TPHCM có những vùng sụt giảm hình nón đối với tất cả các tầng nước, với mực nước ngầm giảm hơn 20m, có nơi hơn 40 m.

Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, vài năm gần đây, biến đổi khí hậu tác động ngày càng nghiêm trọng, cụ thể, trước đây triều cường dâng cao thường vào dịp tết nhưng bây giờ hầu như mùa nào cũng xảy ra. Hơn nữa, lượng phù sa giảm 50 - 70%.

“Hội nghị Diên Hồng” vùng ĐBSCL: Cách nào cứu ĐBSCL khỏi lún sụt? ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát vùng ĐBSCL bằng trực thăng. Ảnh: TTXVN.

Đe dọa đến đời sống, sản xuất

Ông Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, có hai nguyên nhân chính dẫn đến sự phụ thuộc vào nước ngầm. Đối với vùng ven biển, nước ngọt cho sinh hoạt và thủy sản thâm canh chủ yếu dựa duy nhất vào nước ngầm. Đối với vùng nội địa (chiếm phần lớn ĐBSCL), kể cả ở vùng nông thôn nhiều sông rạch, nguồn nước cho sinh hoạt cũng chủ yếu là nước ngầm do nguồn nước mặt bị ô nhiễm nghiêm trọng từ nhiều nguồn gồm nước thải sinh hoạt, công nghiệp, thủy sản và quan trọng nhất là nước thải từ nông nghiệp canh tác thâm canh ba vụ lúa một năm.

Theo TS Cao Thăng Bình, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), nếu không chịu tác động của biến đổi khí hậu thì ĐBSCL cũng chịu nhiều thách thức. Ông phân tích, nông dân sản xuất 1kg lúa sử dụng 1.000 - 1400 lít nước, trong khi lấy nước sạch sản xuất lúa rồi thải ra thuốc trừ sâu gây ô nhiễm môi trường. Nếu bón phân hợp lý thì mỗi năm tiết kiệm hơn 700 triệu USD. Chưa kể, hiện nay ĐBSCL có gần 1,4 triệu hộ nông dân. Chất lượng gạo của Việt Nam còn thấp, cụ thể giá xuất khẩu bằng 2/3 của Thái Lan. Gần đây gạo của Lào và Campuchia chất lượng cũng hơn hẳn Việt Nam. Dân di cư khỏi ĐBSCL ngày càng nhiều dẫn đến rủi ro.

Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) lũ lớn vào đồng bằng xảy ra ít hơn, trong khi lũ nhỏ và cực đoan xảy ra nhiều hơn, chế độ dòng chảy bị thay đổi ảnh hưởng đến việc sản xuất các vụ lúa chính ở ĐBSCL. Ước tính đến năm 2050 - 2060, khi các hồ chứa xong, phù sa về ĐBSCL chỉ còn dưới 10%, làm gia tăng xói lở trên đồng bằng và các vùng cửa sông ven biển. Hậu quả là ĐBSCL có nguy cơ mất đi 7,6 triệu tấn lúa/năm, tương đương 40,5% tổng sản lượng lúa của vùng. 

Đồng Tháp là nơi đầu nguồn lũ chịu nhiều tác động trực tiếp từ thượng nguồn cũng như biến đổi khí hậu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng cho biết, nhiều năm nay lũ nhỏ (không có lũ) làm giảm phù sa, mất cân bằng sinh thái, giảm khai thác, sạt lở. Hơn nữa, thời tiết cực đoan làm giảm 10% năng suất, tương đương 300.000 tấn lúa của vụ đông xuân năm 2017.  

“Hội nghị Diên Hồng” vùng ĐBSCL: Cách nào cứu ĐBSCL khỏi lún sụt? ảnh 2 Sạt lở bờ sông Tiền ở Đồng Tháp. Ảnh: Hòa Hội.

Chuyển đổi mô hình sản xuất

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết, khu vực ĐBSCL thường xuyên đối mặt với biến đổi khí hậu, sạt lở ngày càng nghiêm trọng ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân. Thời gian qua, mặc dù có nhiều bộ ngành, tổ chức quan tâm đến các vấn đề của đồng bằng nhưng chiến lược còn ngắn hạn, sự phối hợp chưa đồng nhất làm giảm hiệu quả cho nguồn lực dành cho biến đổi khí hậu.

GS.TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ bày tỏ mong muốn, sau hội nghị này, Chính phủ sẽ bỏ những quy hoạch từng ngành riêng lẻ. Bởi vì, trước đây báo cáo theo số liệu “đẹp” nhưng không thực hiện được nên đã đến lúc cần phải tích hợp lại. Hơn nữa, GS.TS Xuân lưu ý đến những vấn đề “sống còn” ở ĐBSCL như xóa hạn điền, sạt lở bờ sông, bờ biển, hạ tầng giao thông vận tải, nguồn nhân lực cho vùng trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Một số các địa phương đã có những giải pháp để khắc phục nhưng khó khăn do biến đội khí hậu và những tác động từ thượng nguồn gây ra như thay đổi cây trồng, vụ sản xuất... Ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết, địa phương này đã chuyển đổi mô hình sinh kế cho nông dân thích nghi bằng cách là thay vì trước đây làm 3 vụ lúa thì nay chuyển sang 2 vụ lúa 1 vụ ấu; 2 lúa - sen hoặc trồng sen gắn phát triển du lịch.

Năm nay, tận dụng nguồn lũ về, địa phương xả nước vào 118.000 ha với trên 800 ô đê bao để lấy phù sa và vệ sinh đồng ruộng. Ngoài ra, địa phương còn giảm lúa chuyển sang hoa màu, cây ăn trái, chuyển dần sản xuất số lượng sang chất lượng cao theo hướng hữu cơ… Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cũng cho biết, hơn 2 năm nay địa phương đã chuyển đổi sản xuất sang một vụ lúa, một vụ tôm, hay chỉ một lúa hoặc một vụ tôm để vừa thích nghi vừa tạo sinh kế cho người dân. 

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cần phải có giải pháp tổng thể, căn cơ cho toàn vùng. Ông cho biết, hiện Bộ NN&PTNT đã xây dựng định hướng phát triển nông nghiệp tại 3 tiểu vùng khu vực ĐBSCL. Cụ thể, tiểu vùng thượng nguồn (An Giang, Đồng Tháp, Long An) là vùng trọng điểm sản xuất lúa, đảm bảo an ninh dự trữ quốc gia và xất khẩu và chuyên canh cá tra nên chuyển từ sinh kế dựa chính vào lúa vụ 3 sang sinh kế đa dạng hòa hợp với lũ.

Ở tiểu vùng giữa (Cần Thơ, Vĩnh Long…) là trọng điểm cây ăn trái nên từng bước chuyển diện tích lúa 3 vụ và vườn tạp sang chuyên canh cây ăn quả nhiệt đới, cây công nghiệp. Còn tiểu vùng ven biển (các tỉnh ven biển) chuyển đổi sang chuyên canh bền vững thông minh chống chịu với biến đổi khí hậu kết hợp phục hồi rừng ngập mặn. Đồng thời, phát triển nuôi tôm theo phương thức kết hợp tôm – rừng, tôm – lúa. 

Thủ tướng thị sát khu vực bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu tại ĐBSCL

Để chuẩn bị cho buổi chủ trì Phiên thảo luận toàn thể tại Hội nghị Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu với tầm nhìn tới năm 2100 ngày 27/9 tại Cần Thơ, chiều 26/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đi thị sát bằng trực thăng các khu vực bị ảnh hưởng và tác động bởi biến đổi khí hậu thuộc vùng ĐBSCL. Cùng đi có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương liên quan.           

TTXVN

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: ĐBSCL đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khí hậu cực đoan, khai thác và sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mêkong và các hoạt động nhân sinh khác, cũng như từ bản thân mô hình phát triển thiếu tính tổng thể, gắn kết nội tại trong vùng, quản lý nhà nước còn bất cập, thừa chồng chéo, thiếu phối hợp. Những tác động này tạo ra các thách thức vô cùng to lớn, đe dọa quá trình phát triển của vùng ĐBSCL, sinh kế và đời sống người dân trong vùng nói riêng và cả nước nói chung, qua đó tác động tới khu vực và quốc tế, đặc biệt là an ninh lương thực. Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, những ưu thế tự nhiên cho phát triển trước đây và hiện nay của ĐBSCL sẽ thay đổi theo xu thế suy giảm tài nguyên nước, phù sa; sự gia tăng của nước mặn, nước lợ; sụt lún đất và nước biển dâng sẽ tác động lớn tới tài nguyên đất, cơ cấu sử dụng đất, các hệ sinh thái và môi trường, làm thay đổi căn bản mô hình sản xuất, tập quán sinh hoạt, sinh kế và đời sống của người dân trong vùng. Do đó, định hình chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu có ý nghĩa rất quan trọng, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, chỉ đạo.

MỚI - NÓNG