Bộ trưởng Giao thông: Chất lượng đường không tốt có thể phải ra tòa

TP - “Nếu đường bộ xuống cấp sửa chữa không kịp thời, có ổ gà, ổ voi nếu xảy ra tai nạn có thể phải ra toà, bài học vẫn còn đó”, Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể lưu ý.

Chiều 3/1, Bộ trưởng (GTVT) Nguyễn Văn Thể đề ra nhiều nhiệm vụ quan trọng cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam tại hội nghị tổng kết năm 2018 của đơn vị này. Trong đó, ông Thể đặc biệt lưu ý tới chất lượng đường bộ và giải quyết câu chuyện BOT giao thông.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng lưu ý Tổng cục Đường bộ về chất lượng đường, và công tác duy tu, bảo dưỡng đường bộ. Ông dẫn chứng vụ tai nạn xảy ra trên Quốc lộ 1 đoạn qua Phú Yên mới đây, gia đình nạn nhân đã có đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự với chủ đầu tư tuyến đường vì chểnh mảng trong duy tu, bảo dưỡng. “Nếu đường bộ xuống cấp sửa chữa không kịp thời, có ổ gà, ổ voi nếu xảy ra tai nạn có thể phải ra toà, bài học vẫn còn đó. Nên hoạt động duy tu, bảo dưỡng đường bộ phải được quan tâm, thực hiện hiệu quả”, ông Thể yêu cầu.

Bộ trưởng Giao thông: Chất lượng đường không tốt có thể phải ra tòa ảnh 1 Nhiều chủ đầu tư BOT đường bộ vẫn chưa muốn thu phí tự động không dừng vì sợ phải... minh bạch. Ảnh: Phạm Thanh

Theo ông Thể, hiện có 16.000km đường bộ hư hỏng, xuống cấp chưa có tiền đại tu, có nhiều địa phương kiến nghị 3-4 lần, nhưng vẫn chưa có tiền sửa. Tuy nhiên, nếu không có tiền sửa vẫn phải báo cáo, đề xuất lên Bộ GTVT để bộ báo cáo Chính phủ. Người đứng đầu ngành Giao thông cũng yêu cầu xóa hết điểm đen tai nạn giao thông trong năm 2019; nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe; dẹp nạn xe dù, bến cóc, quản lý taxi công nghệ…

Ðẩy mạnh thu phí không dừng

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, hoạt động của các trạm thu phí BOT ra sao mọi người đều thấy rõ. Nên không thể đổ lỗi cho lịch sử, khi ngành đường bộ được thừa hưởng hệ thống hạ tầng giao thông như hiện nay phải có trách nhiệm vận hành tốt, kể cả các dự án BOT. Về giải pháp cho các dự án BOT đường bộ, dù Bộ đã báo cáo Chính phủ nhiều lần, nhưng phải tiếp tục nghiên cứu, báo cáo, đề xuất thêm.

“Quan điểm hồi tố hay không hồi tố trước và sau Nghị quyết 437 của Quốc hội (không làm các dự án BOT trên tuyến đường có sẵn và đường độc đạo - PV) phải rõ ràng, làm sao các trạm thu phí BOT vận hành đúng luật. Với 17 trạm BOT (đặt chưa đúng vị trí - PV), dù Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ nhiều lần, nhưng vẫn phải thường xuyên báo cáo để cập nhật tình hình. Chúng ta phải kiên trì với các giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề BOT hiện nay, vì còn phải thu hút đầu tư tư nhân vào hạ tầng giao thông”, ông Thể lưu ý Tổng cục Đường bộ.

Cũng theo yêu cầu của ông Thể, Tổng cục Đường bộ phải đẩy nhanh áp dụng thu phí không dừng tại các trạm thu phí BOT đường bộ. Nhiệm vụ này đã được Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt. Theo ông Thể, thu phí tự động không dừng mang lại nhiều lợi ích, thu phí dễ dàng, minh bạch, giám sát dễ hơn thu phí thủ công. Tuy vậy, cũng phải lưu ý vấn đề giám sát, để không xảy ra trường hợp một số cá nhân bị khởi tố vì sử dụng phần mềm giấu doanh thu thu phí trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương mới đây.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Xuân Cường cho hay, năm 2019, Tổng cục sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý các dự án BOT đang kinh doanh khai thác. Trong đó, sẽ tổ chức rà soát, điều chỉnh dự án theo hợp đồng, xử lý các bất cập tại các trạm thu phí BOT nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đường bộ. Ông Cường kiến nghị Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ quyết toán vốn các dự án BOT, ký kết phụ lục hợp đồng điều chỉnh, bổ sung dự án theo các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về lãi bảo toàn vốn, lợi nhuận nhà đầu tư, các kiến nghị về xử lý tài chính.

Về thu phí tự động không dừng, Vụ trưởng Khoa học công nghệ và Môi trường - Hơp tác Quốc tế (Tổng cục Đường bộ) Tô Nam Toàn cho biết, đã triển khai thu phí không dừng từ tháng 7/2017. Tuy nhiên, tới nay mới có 26 trạm thu phí BOT đưa vào vận hành tối thiểu 2 làn thu phí không dừng. “Tiến độ triển khai thu phí không dừng chưa đáp ứng được yêu cầu của Thủ tướng, Bộ GTVT và người dân”, ông Toàn thừa nhận. Theo đó, nguyên nhân chậm là nhà thầu cung cấp dịch vụ thu phí chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực tài chính, nhân sự để triển khai tới các trạm thu phí.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư dự án BOT thiếu hợp tác, tìm cách phản đối áp dụng thu phí không dừng; mức phí trả cho đơn vị thu phí không dừng chưa hiệu quả, nên phải báo cáo Thủ tướng điều chỉnh. Do đó, Tổng cục Đường bộ đã báo cáo Bộ GTVT để báo cáo Thủ tướng xin lùi thời hạn áp dụng thu phí không dừng với toàn bộ trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh. Năm 2019, ông Toàn kỳ vọng có thể áp dụng thu phí không dừng theo đúng kế hoạch.

Tổng cục Đường bộ cho biết, hiện cả nước có 364 điểm cung cấp dịch vụ dán thẻ đầu cuối trên ô tô phục vụ cho thu phí tự động không dừng. Tới cuối tháng 12/2018, đã có 680.000 ô tô được dán thẻ phục vụ thu phí tự động.

MỚI - NÓNG