Nguyên nhân nhà tái định cư bị bỏ hoang
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu vấn đề về việc phát triển nhà ở tái định cư có nơi có nơi không, chưa tính đến nhu cầu của người dân gây thất thoát lãng phí. Trong khi đó, nhà ở cho công nhân còn bất cập, chất lượng thấp, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Do đó, vị đại biểu này đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu giải pháp khắc phục cũng như thúc đẩy các bất cập vừa nêu.
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ Xây dựng thẳng thắn thừa nhận rằng nhiều dự án nhà ở tái định cư còn bỏ hoang. Giải thích về về điều này, Bộ trưởng cho rằng hầu hết các dự án này xây dựng trước khi có Luật Nhà ở và do người dân không có nhu cầu tái định cư, nhà tái định cư xuống cấp; đồng thời các chính sách an sinh xã hội sau tái định cư chưa được quan tâm; vị trí các dự án tái định cư chưa thuận lợi trong giao thông, tiện ích nên bị bỏ hoang.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng chính sách an sinh xã hội sau tái định cư chưa được quan tâm; vị trí các dự án tái định cư chưa thuận lợi trong giao thông, tiện ích nên dẫn tới bị bỏ hoang. |
Bàn về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị bày tỏ, trước mắt cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về nhà ở đất đai, không chỉ giải quyết chỗ ở mà còn là không gian sống đồng bộ; xác định nhu cầu để xây dựng nhà ở tái định cư phù hợp. Đồng thời, tăng cường rà soát công tác quy hoạch đảm bảo kết nối giao thông; bổ sung quy định về nguyên tắc bố trí tái định cư, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân sau tái định cư.
Lý giải tín dụng bất động sản bị kiểm soát
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng thì trong Quý III/2022, thị trường bất động sản nước ta gặp vô vàn khó khăn do bị hạn chế nguồn vốn tín dụng. Giải đáp về vấn đề này tại phiên chất vấn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải thích rằng, vốn tín dụng chỉ là một trong những nguồn lực cần có để thị trường bất động sản phát triển. Bởi thực tế thị trường này cần vốn từ đầu tư trực tiếp, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, vốn tự có của doanh nghiệp và kể cả người dân.
Và việc điều hành chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước nhằm mục tiêu điều hành tiền tệ là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn vốn cho các tổ chức tín dụng. Bởi lẽ, trong giai đoạn cần ưu tiên kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, việc mở rộng tín dụng cho bất động sản sẽ gây khó khăn để đạt mục tiêu chính sách tiền tệ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, tín dụng dụng bất động sản bị hạn chế vì tiềm ẩn rủi ro lớn. |
Hơn nữa, tín dụng bất động sản cũng tiềm ẩn rủi ro vì tín dụng lĩnh vực này thường là dài hạn, số tiền huy động lớn, trong khi đặc tính huy động của ngân hàng là vốn ngắn hạn. Do đó, nếu không tổ chức, điều tiết tốt sẽ đối diện với rủi ro thanh khoản, khó khăn trong chi trả cho người dân.
Cũng tại phiên chất vấn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, trong chỉ đạo điều hành Ngân hàng Nhà nước đưa ra các quy định kiểm soát rủi ro gián tiếp, chẳng hạn quy định hệ số điều chỉnh rủi ro với khoản vay bất động sản là 200%, vay mua nhà giá trị trên 4 tỷ đồng là 150%... Còn hệ số điều chỉnh rủi ro với vay mua nhà ở xã hội dưới 1,5 tỷ đồng là dưới 50%... Tức là, chính sách của cơ quan quản lý tiền tệ hướng tới "ưu tiên cấp tín dụng khoản vay nhà ở phân khúc thấp".
Với tín dụng cho nhà ở xã hội, Nghị định 100 của Chính phủ và Nghị định 49 sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 đã giao Ngân hàng Chính sách xã hội làm đầu mối, thực hiện cho vay nhà ở xã hội, một số tổ chức tín dụng được chỉ định cũng tham gia chương trình này. Đến hiện tại, chương trình vay nhà ở xã hội được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân 10.584 tỷ đồng, dư nợ tới 30/9 là 9.147 tỷ đồng. Còn các tổ chức tín dụng được chỉ định thì hiện chưa giải ngân được, do tiền cấp bù lãi suất chưa được bố trí cho họ.
Thống đốc Ngân hàng nói thêm, mục tiêu chính sách tiền tệ sắp tới vẫn là ưu tiên ổn định vĩ mô, an toàn hệ thống ngân hàng. Do đó, các công cụ, giải pháp tín dụng cho bất động sản sẽ được cân nhắc trong tổng thể công cụ khác…