Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, một số ý kiến cho rằng chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải Uber, Grab chưa công bằng với các doanh nghiệp (DN) taxi truyền thống.
Tuy nhiên, đại diện Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) khẳng định, pháp luật thuế hiện hành áp dụng thống nhất giữa các loại hình DN về mức thuế, điều kiện ưu đãi, chế độ miễn, giảm thuế...
Bộ Tài chính dẫn số liệu của ngành thuế cho biết, trong 10 doanh nghiệp (DN) vận tải có doanh thu lớn tại TPHCM, chỉ có 3 DN phải nộp thuế giá trị gia tăng mức dưới 3% doanh thu; 2 DN phát sinh thuế nhưng được khấu trừ. Còn những doanh nghiệp khác đều không phát sinh thuế giá trị gia tăng.
Hiện thuế giá trị gia tăng với Uber, Grab là 3%, thuế thu nhập DN 2% trên doanh thu được hưởng. Với tổ chức ký hợp đồng vận tải với Uber, Grab có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế GTGT, thu nhập DN trên phần doanh thu được hưởng. Cá nhân ký hợp đồng vận tải với Uber, Grab, hai công ty này có trách nhiệm kê khai và thu hộ cơ quan thuế, với mức thuế GTGT 3%, thu thuế thu nhập cá nhân 1,5% trên doanh thu được hưởng.
Với taxi truyền thống, Bộ Tài chính khẳng định, thuế GTGT đang áp dụng 10%, nhưng phần thuế này được khấu trừ mức tương đương ở chi phí đầu vào (như chi phí văn phòng, sửa chữa, mua sắm tài sản cố định... được khấu trừ thuế GTGT 10%). “Việc DN taxi truyền thống kiến nghị được áp dụng mức thuế GTGT 5% là không có cơ sở”, Bộ Tài chính khẳng định lại.
Thực tế, hầu hết các DN vận tải tại TPHCM không phát sinh thuế thu nhập DN phải nộp, hoặc có tỷ lệ nộp thuế thu nhập DN trên doanh thu thấp (tỷ lệ nộp khoảng 0,01% đến 0,06% doanh thu).
DN vận tải duy nhất có tỷ lệ nộp thuế thu nhập DN cao là Cty Ánh Dương, cũng chiếm 1,97% doanh thu (tương đương mức thuế khoán của Uber 2%).
Vì vậy, Bộ Tài chính khẳng định: “Thông tin cho rằng taxi truyền thống đang phải chịu nhiều loại thuế, phí với mức thuế suất cao so với Grab, Uber là không đúng. Bộ Tài chính đang chỉ đạo Tổng cục Thuế rà soát các trường hợp có dấu hiệu rủi ro gian lận về thuế để xử lý theo quy định.